Cô gái đến từ hôm qua: 'Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa'!

Nếu như hiểu được rằng nét đẹp trong 'Cô gái đến từ hôm qua' chính là ở sự dung dị, hồn nhiên của tình yêu tuổi học trò thì đạo diễn đáng lẽ đã có thể tiết chế hơn các cảnh quay sử dụng kỹ xảo. Công nghệ tiên tiến đồng thời cũng là điểm yếu nhất của bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trước ngày ra mắt bộ phim Cô gái đến từ hôm qua, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng chia sẻ điều anh lo lắng nhất là làm sao tái hiện được không khí học đường giai đoạn cuối thế kỷ trước. Và thật đáng mừng. Đó cũng là điều anh làm tốt nhất. Không nhiều bộ phim học trò của điện ảnh Việt Nam mà khung cảnh trường lớp hiện lên sinh động, náo nhiệt đến thế. Dù là trường tiểu học trong ký ức của anh chàng Thư cho đến trường trung học thời hiện tại thì không khí đều rất vui tươi, những câu chuyện trong đó đều phản ánh được nét tinh nghịch, đáng yêu phù hợp với từng độ tuổi.

Đạo diễn cũng khá thành công trong việc đan xen giữa những mảnh ký ức với hiện tại để thấy được sự phát triển trong mối quan hệ của hai nhân vật chính; lồng ghép chuyện si tình của Thư dành cho Việt An vào với cặp quân sư “kẻ chín lạng, người nửa cân” Hải gầy – Hồng Hoa để tạo nên những tình huống hài hước, qua đó thể hiện được những tình bạn đẹp, hết lòng vì bạn bè.

Ngoài ra, những nhân vật như thầy giáo thể dục, cô bạn lớp trưởng, thầy hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm đều có vai trò điểm xuyết, giúp cho bức tranh về cuộc sống học đường thêm phần trọn vẹn. Tuy có những phân đoạn hơi “lố” nhưng có vẻ đó là dụng ý của đạo diễn, dùng thủ pháp cường điệu nhằm mang lại tiếng cười.

Nhạc phim thực sự là thế mạnh khi góp phần quan trọng tạo nên không khí, khi là tinh nghịch, vui tươi, lúc thì lãng mạn, hay buồn sâu sắc để khán giả có thể cảm nhận trọn vẹn cảm xúc của nhân vật.

Dàn diễn viên, đặc biệt là hai diễn viên nhí Minh Khang – Hà Mi, đã thành công trong việc nuôi dưỡng cảm xúc và lấy được cả tiếng cười và nước mắt của khán giả bằng nét diễn rất tự nhiên, mộc mạc.

Nếu có một điểm trừ cho phim thì đó là việc áp dụng quá nhiều kỹ xảo (nhờ điều này mà Cô gái đến từ hôm qua đã tham dự LHP giả tưởng tại Hàn Quốc). Kỹ xảo được đưa vào nhằm làm tăng dụng ý của đạo diễn. Điều này thể hiện qua cảnh khi Việt An bước vào lớp, mỗi bước đi của cô bé làm hoa cỏ mọc lên, và khi cô bé vào đến giữa lớp thì cả lớp học biến thành một vườn hoa trong sự ngất ngây của các chàng trai mới lớn.

Tuy nhiên, việc đưa quá nhiều kỹ xảo đã khiến bộ phim phần nào mang không khí hơi giả. Có thể nói, kỹ xảo giúp mang lại tiếng cười nếu xuất hiện hơi lố một chút. Nhưng kỹ xảo sẽ không phù hợp để biểu đạt tình cảm chân thành, nghiêm túc, như cảnh Thư hóa thành cánh chim để đuổi theo Việt An. Thay vào đó, một cảnh quay chậm sẽ hợp lý và gây xúc động hơn.

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh thường rất khó chuyển thành phim do không có nhiều kịch tính mà chỉ tập trung vào diễn biến tâm lý. Và với những gì đã làm, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh một lần nữa khẳng định sự chắc tay của mình. Nếu như anh tiết chế một chút những trò lố và không quá tham kỹ xảo thì Cô gái đến từ hôm qua sẽ mang một vẻ đẹp mộc mạc, hồn nhiên đúng với tinh thần của câu chuyện hơn.

Dù chưa chính thức ra mắt nhưng sau những suất chiếu sneak show, phim đã nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả và giới chuyên môn. Phim sẽ được khởi chiếu rộng rãi trên toàn quốc kể từ ngày 21.7.

Kim Vân

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/co-gai-den-tu-hom-qua-van-em-em-hay-giu-nguyen-que-mua-67216.html