Cô gái đến trường trên đôi chân của bố, với ước mơ trở thành luật sư

Không đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, không để đôi chân tật nguyền trở thành vật cản trên con đường kiếm tìm kiếm thành công, cô cử nhân ngành luật vẫn rực cháy ước mơ sẽ trở thành nữ luật sư để giúp đỡ cho cộng đồng người khuyết tật.

Ra trường, giống như bao bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Phương Linh (SN 1993, Hà Nội) chật vật trên con đường tìm kiếm việc làm. Nhìn bạn bè làm đúng chuyên ngành tại các văn phòng luật, bộ phận hành chính tư pháp,… khiến nỗi lòng cô gái với đôi chân tật nguyền càng nặng nề hơn. Phải sau vài tháng, Linh mới có thể tìm được công việc tạm ổn với điều kiện sức khỏe của mình. Công việc của Linh là làm nhân viên chăm sóc khách hàng tại Tổng Cty Bưu điện Việt Nam. Dù trái ngành theo học, song đối với Linh thì đó là “cơ hội vàng” để bản thân em có thể học hỏi và trưởng thành hơn.

Nguyễn Phương Linh giành Á khôi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2015” chụp kỷ niệm cùng gia đình.

Tôi còn nhớ hồi gặp Linh là đợt em tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. Lúc đó, Linh là sinh viên năm thứ 4, khoa luật, trường ĐH Công đoàn. Với khuôn mặt xinh xắn, thông minh, dí dỏm Phương Linh luôn thu hút ánh nhìn người đối diện. Nếu không ngồi xe lăn thì có lẽ nhiều người không nghĩ rằng Linh khuyết đôi chân từ lúc nhỏ.

Ngày ấy, Linh chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau một giờ hạnh phúc, gia đình nhận được tin sét đánh, Linh sẽ không thể đi lại bình thường. Thậm chí, bác sĩ còn chẩn đoán cô chỉ có thể sống được vài tháng bởi cơ thể không phát triển được, các bộ phận sẽ teo đi. Nỗi đau ập đến bất ngờ khiến người cha - ông Nguyễn Tuấn Nghĩa gắng gượng ôm đứa con gái bé bỏng sớm chịu thiệt thòi. Nhưng ngay trong giây phút đó, tình mẫu tử thiêng liêng và lòng quyết tâm sẽ phải cứu con bằng mọi cách đã trở thành sức mạnh để trời không phụ lòng người. Nhờ hành trình tìm thầy, tìm thuốc mà sức khỏe của Linh tốt hơn, mặc dù Linh vẫn phải cả đời gắn bó với chiếc xe lăn. Song được vui sống trong vòng tay của gia đình, đó là một niềm hạnh phúc không hơn. Dù bệnh không tiến triển, Linh vẫn háo hức niềm vui được đến trường. Thế là, ở quãng đời học sinh, Linh nhọc nhằn đến trường trên đôi chân của bố. Từ rất sớm, dù ngày nắng hay mưa phùn, lạnh buốt, hai cha con vẫn lặn lội vượt qua quãng đường dài đến lớp.

Hình ảnh xúc động cha cõng con đi thi vào trường ĐH Công đoàn. Ảnh tư liệu

Dường như, chính cuộc đời không hoàn hảo lại tạo cho Phương Linh một bản lĩnh thép. Ngay từ nhỏ, Linh đã nỗ lực học tập và khát khao trở thành luật sư để có thể giúp đỡ cộng đồng người khuyết tật. Thi đậu khoa luật, ĐH Công đoàn, Linh không khóa mình trong thế giới của bánh xe lăn, em đã lăn bánh gần hơn đến với những cuộc đời khiếm khuyết khác. Sau những bài học chính khóa trên giảng đường, Linh lại tình nguyện tham gia chi hội điếc Hà Nội và theo học ngôn ngữ điếc. Với Linh, người điếc rất thiệt thòi, ngay từ trong giáo dục họ đã phải học trường chuyên biệt và ít khi học hết phổ thông, hiểu biết về xã hội, pháp luật rất hạn chế. Dạng tật của các bạn ảnh hưởng trong cuộc sống và xin việc làm, nhưng hiện tại chưa được quan tâm trong chính sách, không có chế độ trợ cấp. Mặc dù chưa giúp được nhiều nhưng Linh tranh thủ tham gia sinh hoạt và giúp các bạn hiểu biết một số vấn đề liên quan đến luật pháp và từ ngữ xã hội.

Khác với nhiều bạn bè “vầng trăng khuyết”, Linh may mắn sống trong sự đùm bọc của gia đình. Chính môi trường hòa nhập mà Linh có tự tin, tự chủ và tự lập. Kể về kỷ niệm tham gia chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, Linh hào hứng: “Tham gia cuộc thi thì duy nhất có trường hợp của em là không cần sự hỗ trợ của người thân đồng hành trong các hoạt động của chương trình. Lúc đó, gia đình và bạn bè đã thắc mắc nhưng khi được chứng kiến việc em có thể tự lập được mọi người cảm thấy yên tâm hơn”.

Khuyết đôi chân, nhưng Linh có một trí tuệ và gương mặt thánh thiện, phúc hậu. Linh cho biết, em có rất nhiều bạn bè và được yêu quý nên luôn có các bạn chăm sóc, đẩy xe lăn giúp cho suốt quãng đường sinh viên. Ít ai tin rằng, trong cuộc sống thường nhật, Linh vẫn cùng bạn bè đi chơi, du lịch, tình nguyện đến các vùng cao Sơn La, Điện Biên, Lai Châu,... Sở thích khám phá những vùng đất mới đã cho Linh những trải nghiệm đáng quý về cuộc sống. Trở về với guồng quay công việc bận rộn, hàng ngày đều đặn Linh đi làm 12km bằng xe ba bánh, công việc chăm sóc khách hàng đòi hỏi nhiều kỹ năng lại có mức lương thấp nhưng chưa bao giờ Linh nản lòng. Có chăng, áp lực vô hình nhiều khi đến từ những đồng nghiệp khi mọi người hỏi em có nản không. Em trả lời ngay: “Bất kỳ công việc nào cũng có áp lực. Nếu bạn có nhiều sự lựa chọn, thì sẽ nhìn ra hướng lựa chọn tốt hơn. Mặc dù công việc mệt mỏi, lương thấp nhưng Linh chưa có sự lựa chọn nào cả và đó là duy nhất thì phải cố gắng hết mình và thực sự thích nghi với khó khăn của vì nó. Cho nên, thời điểm hiện tại chưa có sự lựa chọn nào khác”.

Nhưng với quan điểm không bao giờ cánh cửa khép lại tất cả, hiện tại, Linh đang tìm kiếm công việc nuôi sống được bản thân mình. Chỉ là Linh phải tạm gác ước mơ trở thành luật sư tương lai. Mỗi ngày sau giờ làm việc căng thẳng, Linh vẫn tìm đọc tài liệu mới về luật và xem clip tòa tuyên án. Lý tưởng của cô cử nhân ngành luật chính là “Tìm kiếm sự công bằng, bình đẳng cho người khuyết tật”. Linh chia sẻ, cô sẽ đi sâu vào lĩnh vực vận động chính sách cho những nhóm người khuyết tật, đặc biệt là cho người khuyết tật vận động như người điếc và một số dạng khuyết tật khác. Tuy nhiên, không phải cứ đòi nhiều quyền lợi cho người khuyết tật là đã tốt. Như thế cũng làm cho xã hội không coi người khuyết tật là bình thường. Không cần bắt ép các cơ quan nhận người khuyết tật, có thể để họ tuyển theo thực lực người khuyết tật sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin hơn. Quãng đường phía trước của Linh còn nhiều gian nan, nhưng cô gái trẻ vẫn luôn tự tin trở thành một luật sư bởi với mục tiêu “Tôi thành công vì tôi không đầu hàng”.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/co-gai-den-truong-tren-doi-chan-cua-bo-voi-uoc-mo-tro-thanh-luat-su-118335