'Có địa phương nóng vội dẫn đến nợ đọng lớn khi xây dựng nông thôn mới'

Đó là một trong số những hạn chế được chỉ ra trong Báo cáo về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội, sáng 4-11.

Theo Báo cáo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng: diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới...

Đến nay, đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015. Những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Quốc hội

Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra những một số hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình như: các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ, một số văn bản hướng dẫn đến nay vẫn chưa được ban hành; mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt nông thôn mới không đạt; huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu; các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập.

"Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc nêu trên do điều kiện tự nhiên, do sự phát triển không đồng đều tại các vùng, miền; không thể có một khuôn mẫu về mô hình nông thôn mới áp dụng chung cho cả nước; chưa có chính sách mang tính đột phá, khắc phục rủi ro thị trường; công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc ban hành các chính sách thiếu đồng bộ; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở còn hạn chế; có địa phương quá nóng vội trong triển khai thực hiện dẫn đến nợ đọng lớn", Báo cáo nêu.

Xây dựng giao thông nông thôn mới

Rút ra 7 bài học kinh nghiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau: cần tiếp tục theo dõi việc áp dụng Bộ tiêu chí này để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn; chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng và phê duyệt các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; có chính sách đột phá về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp kịp thời xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới xanh, sạch, đẹp; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá, xử lý nghiêm đối với những vi phạm trong việc thực hiện Chương trình.

Hôm nay, Quốc hội dành toàn bộ thời gian để các đại biểu thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/co-dia-phuong-nong-voi-dan-den-no-dong-lon-khi-xay-dung-nong-thon-moi/707257.antd