Cơ cực cảnh bố chăm con tai nạn, mẹ tâm thần

Gần 60 tuổi nhưng ông Phạm Văn Thanh (SN 1961, trú tại khu 1, thôn Gia Áo, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) vẫn phải làm mọi việc từ phụ hồ, sơn nhà, bốc vác thuê… để kiếm tiền chạy chữa cho cậu con trai đang bị bệnh và chăm sóc người vợ tâm thần.

Nhìn cách ông Thanh cẩn thận chăm lo cho cậu con trai mà ai cũng xót thương.

Vật lộn để giữ “hơi thở cho con”

Nhìn cậu con trai nằm trên giường bệnh với thân hình gầy rộc đang thở từng hơi khó nhọc mà ông Phạm Văn Thanh không cầm nổi nước mắt. Ông bảo: “Nó từng là niềm hy vọng của cả gia đình, nhưng vụ tai nạn giao thông vào đúng đêm 30 Tết đã suýt lấy đi mạng sống của nó, lấy đi cả tương lai, cả hy vọng của gia đình tôi. Từ một cậu thanh niên trai tráng khỏe mạnh mà giờ nó phải nằm liệt giường thế này đây”.

Năm nay đã cận kề tuổi 60, độ tuổi lẽ ra đã được an nhàn, vui vầy bên con bên cháu nhưng ông Phạm Văn Thanh vẫn vật lộn với cuộc mưu sinh để giữ hơi thở cho đứa con của mình. Ông Thanh vốn là một cựu chiến binh, xuất ngũ về nhà ông làm đủ mọi công việc từ phụ hồ, sơn nhà... để có tiền mưu sinh. Kể từ ngày con bị bệnh, nằm liệt một chỗ ông lại càng làm cật lực hơn chỉ mong có tiền chữa trị cho vợ cho con.

Theo tìm hiểu, gia đình ông Thanh sinh được 2 người con, Đạt là anh trai cả, dưới còn có em gái. Đạt ở địa phương được người thân, bạn bè quý mến vì đức tính ham học và chịu khó. Vào năm học lớp 11, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Đạt đã phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Một năm sau, Đạt xin đi học trở lại. Học hành xong, Đạt được nhận vào làm bộ phận kho của một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) cùng em gái. Thế nhưng, công việc chưa ổn định thì tai họa bất ngờ ập đến với Đạt và gia đình.

Ông Thanh nhớ lại đêm định mệnh ấy: “Gia đình tôi đang ở nhà chờ đón giao thừa Tết Đinh Dậu thì nhận được điện thoại báo thằng Đạt con trai tôi bị tai nạn giao thông đang được cấp cứu trên bệnh viện tỉnh. Cả nhà tôi tức tốc chạy lên thì thấy con vẫn bất tỉnh trong phòng cấp cứu. Do thương tích nặng nên Đạt được chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức cấp cứu ngay trong đêm đó. Năm ấy, cả gia đình tôi mất luôn Tết”, ông Thanh tâm sự.

Hơn 1 tháng nằm BV Việt Đức điều trị, chấn thương của Đạt ngốn hết không biết bao nhiêu tiền của gia đình. Điều kiện không có, ông Thanh đành ngậm ngùi xin cho con về bệnh viện tỉnh điều trị. Kể từ ngày con bị tai nạn, bao nhiêu tài sản đáng giá trong gia đình ông đều đem đi cầm cố cả.

Những ngày con nằm viện, ông cũng một thân một mình lên Hà Nội chăm con. Có bao nhiêu tiền đều dành dụm để chữa trị cho con, mỗi bữa ông chỉ dám ăn suất cơm 10.000 đồng, đêm đến quanh quẩn ở hành lang bệnh viện để ngủ.

Chăm vợ tâm thần

Mẹ ông Thanh dù đã gần 90 tuổi nhưng vẫn phải lao động chăm con chăm cháu.

Không chỉ chăm con bị bệnh, hàng ngày ông Thanh còn phải chăm người vợ bị bệnh tâm thần và căn bệnh thoát vị đĩa đệm suốt hơn chục năm nay. Những ngày tỉnh thì bà Tâm – vợ ông Thanh cũng giúp ông việc đồng áng và vài việc vặt trong nhà nhưng khi bệnh nặng lên thì bà lại đi lang thang khiến người nhà phải đi tìm khắp nơi. Trước đây, gia đình có đưa đi điều trị nhưng nằm viện được một thời gian thì bà lại trốn về nhà. Về sau, gia đình xin cho bà Tâm về nhà điều trị ngoại trú, hàng năm đưa đi khám lại và có sổ cấp thuốc hàng tháng tại xã. Thế nhưng, từ năm 2016, bà Tâm nhất quyết không uống thuốc và luôn mồm nói “tao không bị rồ, tao không uống”.

Được biết, sức khỏe của ông Thanh cũng ngày một yếu đi. Trước kia, trong một lần lên cơn đau bụng quằn qoại, ông đi bệnh viện khám thì các bác sĩ kết luận ông bị u ruột non đã di căn nên phải cắt bỏ 1 đoạn ruột. Sau đó, ông về nhà dưỡng bệnh và hiện nay sức khỏe đã yếu, không làm được việc nặng.

Ông bảo: “Bệnh của tôi nhẹ vẫn còn làm được. Giờ mình không làm thì lấy đâu ra tiền chăm vợ, chăm con. Thương nhất là cô con gái út, đang tuổi ăn, tuổi chơi mà cũng không dám ăn tiêu, có bao nhiêu tiền lại đưa hết cho bố để chữa trị cho mẹ, cho anh. Rồi cả mẹ tôi, dù đã 87 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn phải đi cắt cỏ, làm việc đồng áng, chăm con chăm cháu. Không biết bao giờ cái nghèo, cái khó mới thôi đeo bám gia đình tôi?” ông Thanh nghẹn ngào.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình ông Thanh, bà Phạm Thị Hải (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Cháu Đạt bị tai nạn đêm 30 Tết, sau đó được điều trị ở Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện tỉnh. Mẹ cháu Đạt là chị Tâm bị bệnh tâm thần đã lâu. Sau khi biết được hoàn cảnh của cháu Đạt và gia đình, các ban ngành đoàn thể địa phương đã xuống thăm hỏi, động viên và vận động người dân ủng hộ, giúp đỡ. Gia đình này thuộc diện hộ cận nghèo của xã, hiện đang xem xét để đưa vào diện hộ nghèo”, bà Hải cho biết.

Mới đây, vào ngày 27/04/2017, các bác sĩ từ Hà Nội về bệnh viện tỉnh thăm khám và chẩn đoán Đạt có dấu hiệu tiến triển tốt hơn, đã cho tự thở được mà không cần đến sự hỗ trợ của máy móc. Nghe vậy ông Thanh vui mừng khôn xiết vì bệnh tình của con đã có dấu hiệu tiến triển tốt. Nhưng khi bệnh viện đề cập đến số tiền phẫu thuật điều trị, ông Thanh lặng người đi.

“500 triệu thì gia đình tôi biết đào đâu ra. Thứ gì đáng giá nhất trong nhà tôi cũng bán sạch cả rồi. Chỗ nào vay mượn được cũng đã vay rồi. Giá như người nằm trên giường bệnh đó là tôi chứ không phải con, tôi cũng cam lòng. Nó còn trẻ quá, còn cả tương lai, cả cuộc đời phía trước nữa”, đôi mắt ông ngấn lệ.

Kim Oanh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/co-cuc-canh-bo-cham-con-tai-nan-me-tam-than-20170530083348386.htm