Cơ chế hoạt động mới của SCIC thúc đẩy tái cơ cấu DNNN

(HQ Online)- Thực hiện Kết luận số 78-KL/TW của Bộ Chính trị và để tiếp tục củng cố phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong quá trình đổi mới, tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới, ngày 1-11-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động SCIC.

Nghị định 51 ra đời góp phần quản lý vốn và tài sản Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Ảnh Internet.

Tái cơ cấu 600 doanh nghiệp

Sau hơn 7 năm hoạt động, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng công ty đã thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng nhận bàn giao; tổ chức phân tích, đánh giá, phân loại doanh nghiệp thành các nhóm để áp dụng các biện pháp quản lý thích hợp.

Nghị định quy định rõ các nguyên tắc và cơ chế cho hoạt động bán vốn theo hướng bảo toàn, phát triển vốn; công khai minh bạch; Xác định rõ việc bán vốn Nhà nước SCIC tiếp nhận tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn không phải là việc chào bán chứng khoán ra công chúng, cũng như không coi là việc bán vốn của cổ đông sáng lập mà nhằm mục tiêu tiếp tục cổ phần hóa, thu hồi vốn Nhà nước...

Để tránh thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước, Nghị định cũng quy định rõ về cơ chế bán vốn mang tính đặc thù như Tổng công ty được thực hiện đấu giá bán cả lô cổ phần sau khi Hội đồng thành viên phê duyệt để đảm bảo thành công khi cần bán hết vốn tại doanh nghiệp và Tổng công ty được áp dụng chính sách khuyến khích đối với các công ty tư vấn, môi giới, chứng khoán gắn với thành tích, hiệu quả trong việc bán vốn của Tổng công ty.

Công ty cũng đã thực hiện chức năng cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện bán tiếp phần vốn nhà nước tại những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, quy mô vốn nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp; lựa chọn và thực hiện đầu tư vào một số doanh nghiệp mang tính chiến lược, đồng thời từng bước thí điểm triển khai các hoạt động đầu tư các dự án mới vào các ngành, lĩnh vực quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến nay, Tổng công ty đã thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại hơn 950 doanh nghiệp; đã thực hiện tái cơ cấu lại các doanh nghiệp đã tiếp nhận, thực hiện thoái vốn (đã bán vốn Nhà nước tại khoảng 600 doanh nghiệp với giá trị thu hồi đạt tỷ lệ trung bình gấp 2 lần so với giá trị sổ sách), bàn giao lại cho các bộ, địa phương và hiện đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại trên 350 doanh nghiệp cổ phần. Theo lộ trình đến năm 2015 dự kiến SCIC chỉ nắm giữ vốn tại khoảng 100 doanh nghiệp.

Với phương thức quản lý vốn theo cơ chế SCIC là đại diện chủ sở hữu, tình hình kinh doanh, hiệu quả hoạt động và tài chính của các doanh nghiệp được cải thiện. Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được quản lý tập trung và hiệu quả hơn.

Thông qua việc nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu, Tổng công ty đã thực hiện được bước đầu việc tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, chuyển hình thức quản lý vốn Nhà nước sang hình thức đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước. Các bộ, địa phương tập trung vào thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của cổ đông trong đó có cổ đông nhà nước và lợi ích của người lao động được giải quyết hài hòa.

Góp phần quản lý vốn và tài sản Nhà nước

Để tiếp tục củng cố phát huy vai trò của SCIC trong quá trình đổi mới, tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC với những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng công ty, Nghị định quy định rõ các nhiệm vụ mang tính đặc thù mà SCIC phải thực hiện như: tiếp nhận và thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định hiện hành; đầu tư vốn vào các Tập đoàn, Tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước nắm giữ quyền chi phối; đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Đây là những nhiệm vụ trọng yếu, SCIC cần tập trung nguồn lực để triển khai trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt chủ trương sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và đổi mới phương thức quản lý tại các doanh nghiệp lớn mà Nhà nước cần tiếp tục giữ quyền chi phối.

Thứ hai, về đối tượng tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Để phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh sắp xếp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới phương thức quản lý vốn; tách dần chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khỏi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện thông qua SCIC, Nghị định đã quy định rõ đối tượng tiếp nhận theo hướng loại trừ các doanh nghiệp chủ yếu làm nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, phục vụ an ninh quốc phòng; bổ sung việc tiếp nhận vốn Nhà nước tại các công ty liên doanh có vốn góp Nhà nước do các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Thứ ba, quy định SCIC tổ chức đánh giá lại giá trị vốn tiếp nhận. Để có căn cứ đánh giá, giám sát công tác quản lý vốn Nhà nước góp tại các doanh nghiệp được chuyển giao về SCIC quản lý, làm căn cứ để thực hiện một số cơ chế mang tính đặc thù như cơ chế trích thưởng thành tích bán vốn tại các doanh nghiệp tiếp nhận, Nghị định đã quy định thực hiện đánh giá lại vốn Nhà nước khi SCIC nhận bàn giao theo nguyên tắc gắn với thị trường, có tính đến yếu tố rủi ro; còn số liệu phản ảnh trên sổ sách kế toán của Tổng công ty vẫn ghi theo giá trị vốn Nhà nước được phản ánh theo giá sổ sách của doanh nghiệp nhận bàn giao.

Thứ tư, về thực hiện quản lý vốn nhà nước thông qua Người đại diện, để khắc phục những bất cập trong cơ chế cũ, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý vốn Nhà nước do Tổng công ty tiếp nhận, Nghị định quy định về việc thực hiện quản lý vốn Nhà nước thông qua hệ thống Người đại diện, trong đó quy định quyền của Tổng công ty trong việc lựa chọn hình thức cử, ủy quyền người đại diện; quyền và nghĩa vụ của Người đại diện cũng như chính sách đối với người đại diện sau khi bán hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý vốn Nhà nước qua hệ thống Người đại diện theo hướng gắn kết chặt chẽ quyền lợi với trách nhiệm Người đại diện trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Tổng công ty giao.

Thứ năm, quy định về hoạt động bán vốn tại các doanh nghiệp tiếp nhận, căn cứ vào tình hình thực tiễn của hoạt động bán vốn nhà nước của SCIC trong thời gian qua, để khắc phục những bất cập trong cơ chế trước đây và tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần duy trì vốn góp.

Nghị định quy định rõ các nguyên tắc và cơ chế cho hoạt động bán vốn theo hướng bảo toàn, phát triển vốn; công khai minh bạch; Xác định rõ việc bán vốn nhà nước SCIC tiếp nhận tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn không phải là việc chào bán chứng khoán ra công chúng, cũng như không coi là việc bán vốn của cổ đông sáng lập mà nhằm mục tiêu tiếp tục cổ phần hóa, thu hồi vốn Nhà nước...

Để tránh thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước, Nghị định cũng quy định rõ về cơ chế bán vốn mang tính đặc thù như Tổng công ty được thực hiện đấu giá bán cả lô cổ phần sau khi Hội đồng thành viên phê duyệt để đảm bảo thành công khi cần bán hết vốn tại doanh nghiệp và Tổng công ty được áp dụng chính sách khuyến khích đối với các công ty tư vấn, môi giới, chứng khoán gắn với thành tích, hiệu quả trong việc bán vốn của Tổng công ty.

Thứ sáu, về hoạt động đầu tư của Tổng công ty, Nghị định quy định rõ nguyên tắc đầu tư, hình thức đầu tư, thẩm quyền đầu tư, thu hồi vốn đầu tư. Đối với nguồn vốn kinh doanh của SCIC, SCIC được chủ động sử dụng để thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quy định để thực hiện chức năng là nhà đầu tư của Chính phủ.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự thống nhất trong cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước và phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu, Nghị định cũng quy định rõ SCIC phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của các cấp theo pháp luật về đầu tư. Nghị định cũng xác định rõ nhiệm vụ chính của SCIC là ưu tiên đầu tư vào các Tập đoàn, Tổng công ty hoặc công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ- công ty con hoạt động trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà Nhà nước cần nắm giữ quyền chi phối; Đầu tư theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào những lĩnh vực trọng yếu...

Thứ bảy, về doanh thu và chi phí hoạt động của SCIC, về nguyên tắc, doanh thu, chi phí của Tổng công ty cũng được xác định theo quy định về cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các chuẩn mực kế toán. Tuy nhiên, do hoạt động của Tổng công ty có nhiều nét đặc thù (không có sản xuất kinh doanh trực tiếp như các tập đoàn, tổng công ty khác; hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước của Tổng công ty là mới, trong đó đa phần là vốn nhận chuyển giao, ủy quyền quản lý) nên Nghị định đã quy định rõ thêm về doanh thu - chi phí hoạt động quản lý vốn tiếp nhận mang tính đặc thù.

Thứ tám, về cơ chế phân phối lợi nhuận, để quá trình tích tụ, tập trung vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, củng cố tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thông qua mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Nghị định đã quy định rõ lợi nhuận của Tổng công ty sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần còn lại được phân phối theo quy định cụ thể.

Thứ chín, về cơ chế tiền lương, thưởng của Tổng công ty, để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với hiệu quả hoạt động quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn, Nghị định quy định cụ thể cơ chế tiền lương, quỹ lương đối với người lao động của Tổng công ty.

Thứ mười, quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Tổng công ty.

Có thể nói, Nghị định 151/2013/NĐ-CP ra đời với những quy định đổi mới cơ bản về cơ chế hoạt động của SCIC đã tiếp tục khẳng định được vai trò của SCIC trong việc đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thực sự là công cụ, một kênh truyền vốn để Nhà nước chủ động trong việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và đầu tư theo hướng tập trung hơn vào các ngành, lĩnh vực thật sự then chốt, trọng yếu của nền kinh tế.

Đồng thời, góp phần quản lý vốn và tài sản nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Mặt khác, sự ra đời của Nghị định đã tạo một bước quan trọng trong việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoạt động hiệu quả trên cơ sở làm rõ địa vị pháp lý, hướng hoạt động để đạt được những kết quả kỳ vọng đề ra trong giai đoạn mới./.

Thạc sỹ Nguyễn Duy Long- Vũ Thị Lan Hương (Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doi-moi-co-ban-co-che-hoat-dong-cua-scic.aspx