Có cần cắt bỏ mụn cơm?

Mụn cơm hay mụn cóc là do da bị nhiễm loại virus HPV (Human Papilloma Virus), thường lây do tiếp xúc.

Mụn cơm ở tay

Mụn cơm là những nốt sần nhỏ lành tính, mềm, có màu da, màu trắng, hồng hoặc nâu, sờ có cảm giác thô ráp, không đau. Mụn cơm có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành đám, thường có một hoặc nhiều chấm nhỏ li ti màu đen đôi khi được gọi là hạt mụn cơm, nhưng thực ra là những mao mạch bị huyết khối. Đó là khối u nhỏ thường lành tính, gồm các tế bào da đã chết nổi lên trên bề mặt da ở chân tay, đôi khi ở bộ phận sinh dục.

Nhiều khi mụn cơm sẽ tự biến mất do sức đề kháng của cơ thể, nhưng nhiều khi mụn cơm lại lây lan ra xung quanh gây rất khó chịu cho người có mụn cơm, nhất là khi mụn cơm lại mọc ngay trên môi, trên má. Khi mọc tại cơ quan sinh dục nữ thì liên quan đến ung thư tử cung nên cần đến khám và điều trị tại các bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ chuyên khoa cắt mụn cơm trên cơ thể (không phải bộ phận sinh dục) rất dễ bằng dao điện, bằng tuyết CO2 hay nitơ lỏng (có nhiệt độ lạnh sâu). Riêng trường hợp mụn cơm mọc ở bộ phận sinh dục nữ, các bác sĩ thường chấm bằng dịch podophyllin và giữ một thời gian nhất định. Sau đó rửa sạch âm hộ bằng nước ấm. Chữa trị liên tục 3 - 4 lần như vậy cho đến khi mất hẳn mụn cơm. Những mụn cơm trong âm đạo thường phải đốt bằng tuyết CO2 hay nitơ lỏng.

Với trẻ em thường các bác sĩ thường thoa lên mụn cơm bằng axít nhẹ, lấy dần đi các lớp da bị đốt bởi axít rồi thoa mỡ vaselin và dán băng đè lên trên cho đến lần thoa axít tiếp theo. Nên nhớ bất kỳ mẩu da nào tróc khỏi mụn cơm cũng có thể làm lây sang chỗ khác. Việc mọc mụn cơm ở môi cũng là do lây từ tay đưa lên môi. Khi bị mụn cơm ở bộ phận sinh dục cần tránh quan hệ trước khi điều trị khỏi hẳn.

Có tới hơn 100 typ HPV và chúng có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Các tổn thương khi bị mụn cơm có thể lây nhiễm giữa các vùng khác nhau trên cơ thể hay sang người khác khi có sự tiếp xúc với các dịch tiết của tổn thương.

Theo DS.Tiến Trung có thể dùng Cantharidin - một chất được chiết xuất từ bọ ban miêu được phối hợp với một số hóa chất khác và bôi lên mụn cơm. Thuốc sẽ làm cho da phồng rộp và nhổ bật mụn cơm khỏi da.

Phẫu thuật laser: thường chỉ dành cho những trường hợp mụn cơm khó chữa vì khá tốn tiền và có thể gây ra sẹo.

Vi phẫu: mụn cơm được cắt hoặc đốt bằng dao điện. Vì phương pháp này có thể để lại sẹo nên thường chỉ dành cho những trường hợp không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác.

GS NGUYỄN LÂN DŨNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/co-can-cat-bo-mun-com-post199319.html