Cô bé H’Mông lọt danh sách “vàng”

2 tuổi mất mẹ, 9 tuổi mất cha. Nỗi đau chồng nỗi đau nhưng chẳng thể đánh gục ý chí của cô bé người dân tộc H’Mông - Chấu Thị Tảo. Vượt qua hàng nghìn học sinh trên cả nước, em lọt vào danh sách hơn 100 học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 được về Thủ đô vinh danh.

Cô bé người dân tộc H’Mông Chấu Thị Tảo vượt qua hàng nghìn học sinh trên cả nước lọt vào danh sách hơn 100 học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016. Ảnh: NVCC

Tuổi thơ đẫm nước mắt

Sinh ra và lớn lên ở xã nghèo thuộc vùng cao huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Cái nắng, cái gió miền biên cước khiến cô gái H’Mông nom già trước tuổi. Thân hình nhỏ thó, giọng nói đanh thép, rắn giỏi, cô bé ghi dấu ấn ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên.

Tảo kể, tuổi thơ của em là những ngày tháng đẫm nước mắt. Em không hề có chút ký ức nào về mẹ. Mẹ mất khi em mới 2 tuổi, để lại 3 chị em thơ dại cho bố và bà nội, đứa em trai 1 tháng tuổi ngày nào cũng khóc ngặt vì khát sữa.

Ít lâu sau ngày mẹ mất, bố lấy vợ mới. Có mẹ, tưởng chừng cuộc sống của 3 chị em sẽ được đỡ đần, nhưng… không.

Chia sẻ về cô học trò bé nhỏ, cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 Văn, Trường THPT Chuyên Lào Cai tự hào: Tảo là học sinh có thân hình nhỏ bé, nhưng nghị lực rất lớn. Hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng em luôn lạc quan và điều đặc biệt ở cô bé này là ý chí vươn lên rất mạnh mẽ. Có lẽ do vất vả từ nhỏ nên em cũng có nhận thức cuộc sống sâu sắc hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa.

Tảo kể: "Đó là quãng thời gian em không bao giờ muốn nhớ tới, nhưng lại chẳng thể quên. Mẹ kế bắt 2 chị em nghỉ học để ở nhà làm nương rẫy. Hàng ngày, khi các bạn cùng trang lứa í ới gọi nhau đến trường, thì em lại ứa nước mắt theo chị lên nương làm rẫy, trỉa ngô, cấy lúa...".

Không chỉ bị bắt nghỉ học, chị em Tảo còn thường xuyên phải chịu những trận đòn roi, mắng chửi từ người mẹ kế. Bao nhiêu trận đòn Tảo không thể nhớ hết, nhưng có 1 lần em không thể quên được, chỉ vì ham học mà chị gái em bị đánh gãy chân. "Được cho mấy quyển vở mới, em rủ chị sang nhà hàng xóm để học bài. Mẹ kế đi làm về thấy liền đánh 2 chị em một trận, chị gái bị mẹ đánh đến gãy chân mới tha".

May mắn tìm được ngôi nhà thứ 2

Tuổi thơ trôi đi trong nước mắt, năm Tảo lên 9 tuổi, bố mắc bạo bệnh qua đời, mẹ kế cũng bỏ nhà đi. Ba chị em chỉ còn bà nội già yếu để nương tựa. Cuộc sống nghèo khó cứ bủa vây cô học trò nghèo. Gạo chẳng đủ nên mấy bà cháu thường ăn ngô, sắn qua ngày.

May mắn mỉm cười với cô bé nghèo ham học vào năm 2007. Khi ấy, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai thực hiện khảo sát hoàn cảnh gia đình ở các huyện. Biết được hoàn cảnh gia đình Tảo, Trung tâm đã đưa Tảo và em trai về nuôi dưỡng (chị gái vì đã quá 12 tuổi nên không được nhận).

Từ đây cuộc sống của em bước sang trang mới. Tảo kể: “Được vào Trung tâm là may mắn lớn nhất với em. Em lại được đến trường, nếu không có lẽ em đã trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn như bao bạn bè cùng tuổi ở quê nhà".

Phải bỏ học giữa chừng, lại chỉ biết nói tiếng dân tộc Mông nên khi đặt chân đến môi trường mới Tảo không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng, với quyết tâm chỉ có con đường học mới giúp em vượt lên số phận, nên chỉ mất 1 học kỳ, Tảo đã hòa nhập được với các bạn ở thành phố.

Ý thức được hoàn cảnh khó khăn, Tảo luôn chăm chỉ học tập. Nhiều năm liền, em đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

Năm lớp 9, Tảo tham gia học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải Nhì môn Ngữ văn. Năm học này, cô học trò người Mông còn thi đỗ vào Trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai - ngôi trường mơ ước của nhiều học sinh giỏi trong tỉnh.

Góp tiếng nói bảo vệ trẻ em vùng cao

Ngoài thời gian học văn hóa, Tảo còn tham gia nghiên cứu khoa học. Em đạt giải Nhì cấp tỉnh với đề tài: “Thực trạng và giải pháp vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.

“Tỉnh Lào Cai là địa phương có nhiều trẻ em gái dân tộc thiểu số, nhưng lại ít được trang bị kiến thức về giới tính và kỹ năng bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dục. Chính vì vậy, nạn tảo hôn và xâm hại tình dục vẫn còn phổ biến ở quê em” - Tảo chia sẻ lý do chọn đề tài "khó nhằn" này.

Trong đề tài của mình, Tảo đã đưa ra hàng loạt giải pháp rất thiết thực như: Tăng cường giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh tại trường học; tạo các diễn đàn, tọa đàm, giao lưu với lực lượng công an tại chính trường học để giúp học sinh có cách xử lý khi gặp người lạ, chỉ có một mình, có nguy cơ bị xâm hại…

Niềm vui bất ngờ là đề tài của cô gái dân tộc H’Mông đã đạt giải Nhì cấp tỉnh và được áp dụng giảng dạy rất hiệu quả ở một số trường trung học trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Kể về mơ ước của mình trong tương lai, Tảo tâm sự: “Em mong muốn trở thành cán bộ phụ nữ giỏi để góp tiếng nói của mình giúp đỡ người dân quê em xóa bỏ các hủ tục lạc hậu”.

Xin chúc mơ ước của cô học trò người Mông sớm thành hiện thực.

"Cẩm nang" sống của nhiều học sinh

Lựa chọn đề tài nghiên cứu gai góc, cô bé Tảo khi ấy mới 15 tuổi đã phải nhờ cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ xin tài liệu, số liệu và tiếp cận với các nhóm đối tượng thuộc phạm vi nghiên cứu từ phía công an. Bản thân em cũng lặn lội về 3 trường: THCS Lê Hồng Phong, Hoàng Thu Phố, Na Hối của huyện vùng cao Bắc Hà để tìm hiểu câu chuyện thực tế về nạn xâm hại tình dục.

3 tháng ròng rã nghiên cứu với nhiều đêm thức trắng, nỗ lực của cô bé đã được hưởng "trái ngọt". Kết quả nghiên cứu của em đến nay vẫn đang được 3 trường học trên đưa vào chương trình để giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Đặc biệt, với nhiều bạn học sinh vùng cao quê hương Tảo, đề tài nghiên cứu của em đã trở thành "cẩm nang" sống, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em biết tự phòng tránh và bảo vệ mình thoát khỏi nạn xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra nhức nhối trên địa bàn các huyện vùng cao hiện nay.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/co-be-hmong-lot-danh-sach-vang_t114c8n113772