Có bán được thời gian đã tham gia BHXH?

Trong tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc liên quan đến quyền lợi của NLĐ khi ngừng đóng BHXH, tăng ca, nghỉ khi bị bệnh… Báo Lao Động trích đăng một số câu hỏi và trả lời.

Việc NLĐ được nghỉ bao nhiêu ngày/lần điều trị bệnh phụ thuộc chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Ảnh: Nam Dương

Không được mua bán thời gian đã tham gia BHXH

Bạn đọc số 0973003XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi đóng BHXH đã được hơn 5 năm. Nay không có nhu cầu nữa thì tôi có bán lại được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Pháp luật hiện hành không cho phép việc mua bán thời gian đã tham gia BHXH. Nếu bạn không có nhu cầu đóng BHXH nữa, thì bạn phải bảo lưu để sau một năm kể từ ngày nghỉ việc mà không đóng BHXH ở đâu nữa thì được nhận BHXH một lần theo quy định tại Điều 8, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, (trừ trường hợp xuất cảnh, định cư ở nước ngoài hay bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, xơ gan cổ chướng, HIV đã chuyển qua giai đoạn AIDS… thì được nhận BHXH một lần ngay). Theo đó, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; c) Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Cty trốn đóng BHTN, có được nhận trợ cấp thất nghiệp?

Bạn đọc số 01289948XXX. gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi làm việc cho Cty cũ được hơn 10 năm, nhưng Cty có trốn đóng BHXH mấy năm. Nay tôi đi làm Cty mới được 3 tháng thì có được nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN) không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 49 Luật Việc làm quy định, để đủ điều kiện hưởng TCTN thì NLĐ phải đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đối với HĐLĐ xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn, hoặc từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với hợp đồng thời vụ; đồng thời, không chấm dứt HĐLĐ trái luật và đã đi đăng ký thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc. Do Cty cũ của bạn đã trốn đóng BHXH (bao gồm cả BHTN, BHYT) mấy năm nay, và bạn chỉ mới tiếp tục đóng BHXH, BHTN được 3 tháng, như vậy khả năng thời gian đã tham gia BHTN của bạn chưa đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ. Nếu đúng thế thì bạn chưa đủ điều kiện hưởng TCTN. Thời gian đã tham gia BHTN của bạn được bảo lưu. Ngoài ra, pháp luật về lao động quy định NLĐ có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên thì NSDLĐ phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN cho NLĐ. Nếu Cty cũ không đóng BHXH, BHTN cho bạn, thì bạn có thể khởi kiện Cty yêu cầu truy đóng BHXH, BHTN, BHYT cho bạn.

Làm gì khi Cty bắt ép phải tăng ca?

Bạn đọc số 02868779XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Cty bắt tôi phải tăng ca liên tục, trong khi gia đình tôi neo người, có con nhỏ và người bệnh, phải về chăm. Làm sao để tôi không phải tăng ca nữa?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm a, khoản 2, điều 106 BLLĐ quy định: NSDLĐ chỉ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi được sự đồng ý của NLĐ. Điều 107 BLLĐ quy định NSDLĐ có quyền yêu cầu NLĐ làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và NLĐ không được từ chối trong các trường hợp sau đây: 1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; 2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa. Do đó, nếu việc tăng ca của Cty bạn không thuộc tình huống như điều 107 BLLĐ và bạn không có nhu cầu tăng ca, thì bạn có thể từ chối việc làm thêm.

Đóng BHXH ở miền Nam, có được nhận chế độ thai sản ở miền Bắc?

Bạn đọc số 0934548XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi đóng BHXH ở tỉnh Bình Dương được hơn 1 năm, nhưng do điều kiện gia đình, tôi phải về quê ở miền Bắc sinh sống. Tôi có được nhận chế độ thai sản khi sinh con không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 31 Luật BHXH quy định về Điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: 1. NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

2. NLĐ quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. 3. NLĐ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. NLĐ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này. Bạn đã đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, thì vẫn được hưởng chế độ thai sản mà không phụ thuộc vào nơi đã đóng BHXH.

Bị ung thư, được nghỉ bao nhiêu ngày/lần điều trị?

Bạn đọc số 0976889XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Bị bệnh ung thư thì có được nghỉ liền một lúc 180 ngày hay không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 2, 3 Điều 26 Luật BHXH 2014 quy định: NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau: a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần; b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ quy định tại điểm đ, khoản 1, điều 2 của luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Việc bạn được nghỉ bao nhiêu ngày một lần để điều trị bệnh sẽ phụ thuộc vào chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

Tin bài liên quan

Ngủ trong ca trực đêm, bị sa thải có đúng?

Đừng bắt con làm “con tin” để “trả thù” người cũ

Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH

Không làm việc đúng thời hạn cam kết, bồi thường thế nào?

Nam Dương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phapluat/co-ban-duoc-thoi-gian-da-tham-gia-bhxh-689624.bld