Cờ bạc thật trên mạng ảo: Lách luật hay thách thức pháp luật?

Không được cơ quan chức năng cấp phép nhưng các cổng game vẫn nở rộ. Phải chăng vì nguồn lợi lớn, các công ty sở hữu cổng game đang bất chấp pháp luật?

Như đã nói ở bài trước, các cổng game mô phỏng hình thức đánh bạc đang dùng mọi chiêu trò để thu hút người chơi. Những ván bài sát phạt trong game ảo khiến người chơi tự biến mình thành con bạc lúc nào không hay.

Để tìm hiểu quy luật hút tiền của các cổng game này, PV báo Người Đưa Tin đã tiến hành đăng ký và chơi trong các cổng game này như một game thủ.

Hệ thống cổng game rất khéo hút khách khi có đến 2 hình thức tiền tệ. Hình thức đầu tiên là tiền ảo được định giá bằng xu. Loại này không có giá trị đổi thưởng mà chỉ có giá trị cho người chơi trải nghiệm game.

Loại thứ 2 là tiền do cổng game quy định. Với Rikvip, đơn vị tiền tệ là Rik. Muốn có loại tiền này, người chơi phải nạp tiền trực tiếp hoặc từ thẻ điện thoại, thẻ thanh toán.

Người chơi phải nạp rất nhiều tiền mới có thể duy trì tài khoản của mình. Bởi các trò chơi trong game chủ yếu là các trò chơi giống với hình thức cờ bạc nên việc thắng trong game là rất khó. PV đã nạp hàng trăm nghìn đồng thông qua thẻ điện thoại nhưng không thể duy trì quá lâu bởi thắng ít thua nhiều.

 Người chơi có thể bị mất trắng khi sever có vấn đề.

Người chơi có thể bị mất trắng khi sever có vấn đề.

Theo tìm hiểu, hiện chỉ có 2 công ty được cấp phép game bài là VDC – Net2E và Vinagame (hiện là VNG) với các hình thức chơi bài như các hình thức như porker, tiến lên, liêng....

Từ tháng 4/2016, bộ Thông tin và Truyền thông không có chủ trương cấp phép cho các game mô phỏng bài, các trò chơi sử dụng lá bài, mô phỏng trò chơi trong các sòng bạc. Như vậy, hầu hết các loại game mô phỏng cờ bạc quảng cáo rầm rộ thời gian qua đều không có phép nhưng vẫn phát triển rầm rộ. Để tránh những hệ lụy không đáng có từ những trò chơi ảo này, các cơ quan chức năng cần tăng siết chặt công tác quản lý đối với hình thức đánh bạc trá hình này.

Khó xử lý vì máy chủ đặt ở nước ngoài?

Theo ông Lê Quang Tự Do – Cục phó cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tại ở trong nước, qua thanh kiểm tra, Cục nhận thấy các doanh nghiệp đang có sai phạm phổ biến như: Phát hành trò chơi không có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng.

Không có chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 và G4 trên mạng. Có giấy phép cung cấp dịch vụ nhưng phát hành trò chơi G1 khi chưa có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản.

Đáng chú ý, gần như 100% doanh nghiệp có vi phạm này. Ông Do cũng cho biết, các loại cổng game này chủ yếu đặt máy chủ ở nước ngoài nên rất khó xử lý.

Trần Phương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/co-bac-that-tren-mang-ao-lach-luat-hay-thach-thuc-phap-luat-a331606.html