Sữ bò tươi hay sữa... 'bột tươi'?

Cứ mỗi lít 'sữa tươi' nhà sản xuất lãi ròng khoảng 5 nghìn đồng sau khi đã chiết khấu cho các đại lý (trong lúc nếu đúng là sữa tươi thật sự, thì chỉ lãi khoảng trên dưới 2 nghìn đồng).

Một trong những sản phẩm của Vinamilk.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích và so sánh giữa "sữa tươi" và "sữa hoàn nguyên", cùng những vấn đề liên quan đến nó cả về kinh tế lẫn sức khỏe người tiêu dùng...

Sữa tươi là gì?

Trên thị trường sữa Việt Nam hiện nay, các nhà sản xuất chủ yếu vẫn tập trung vào ba mặt hàng chính là sữa nước (sữa tươi), sữa bột và sữa đặc có đường - trong đó sữa tươi chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm. Ở các tỉnh phía Bắc, sữa tươi của Công ty Mộc Châu và Casmilk được tiêu thụ rộng rãi. Phía Nam, Vinamilk vẫn là đại gia hàng đầu. Thị phần ít ỏi còn lại do Lothamilk (Công ty Sữa Long Thành), cùng một số hãng nước ngoài chia nhau nắm giữ.

Để được gọi là “sữa tươi”, thì thành phần chính của nó phải là sữa bò tươi nguyên chất sau khi đã tiệt trùng, không pha trộn thêm bất kỳ thứ gì khác. Và bởi vì chất béo trong sữa tươi là chất béo “no” - không phù hợp với trẻ sơ sinh nên một số hãng, trên bao bì luôn luôn in dòng chữ khuyến cáo “không dùng cho trẻ dưới 18 tháng tuổi”, hoặc họ tách bớt một phần chất béo ra.

Vì thế, khi Vinamilk đưa ra thị trường sản phẩm có tên “sữa tươi tiệt trùng” thì phải bảo đảm đây là sữa bò tươi nguyên chất, với đầy đủ thành phần chất béo.

Theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, “sữa tươi tiệt trùng của Vinamilk là 99% sữa tươi nguyên chất” trong lúc theo tìm hiểu của chúng tôi, 9 tháng đầu năm 2006, Vinamilk thu mua được 68 triệu lít sữa tươi, sản xuất 79 triệu lít. Nếu căn cứ vào con số này, thì 9 tháng đầu năm 2006, có 11 triệu lít “sữa tươi nguyên chất” không nằm trong số sữa đã thu mua.

Vậy thì 11 triệu lít ấy từ đâu ra. Phải chăng đây là các thành phần khác như dâu, sôcôla mà Vinamilk cho vào trong sản phẩm?

Và thế nào là sữa hoàn nguyên?

Nói một cách nôm na, sữa “hoàn nguyên” là loại sữa được đưa trở lại tính chất ban đầu của nó (sữa tươi). Ở những quốc gia tiên tiến, sau khi thu mua sữa và dành một phần bán ngay ra thị trường, các nhà sản xuất biến sữa tươi thành sữa bột bằng cách sấy phun (nghĩa là tách nước ra khỏi sữa trong thời gian ngắn nhất).

Sữa bột ấy lại có nhiều dạng: Sữa bột vẫn còn nguyên chất béo, sữa bột đã lấy ra một phần chất béo và sữa bột không béo (dĩ nhiên là giá cả của từng loại sữa cũng khác nhau - rẻ nhất vẫn là sữa bột không béo). Chất béo tách ra từ sữa bò tươi gọi là AMF (anhydrous milk fat), chứa một số khoáng và vitamine như A, D, E... Đến khi “hoàn nguyên”, người ta cho nước vào sữa đồng thời bổ sung thêm chất béo cùng với một số vitamine (đã bị tiêu hao hoặc mất đi trong quá trình sấy khô).

Trở lại chuyện lập lờ trong sản phẩm, một số nhà sản xuất sữa trong nước đã nhập sữa bột khô không béo về pha chế, rồi thêm vào đó chất béo (nhưng không phải là AMF mà chủ yếu là dầu cọ) để cho ra “sữa tươi”. Nếu đem đi kiểm nghiệm, thì hàm lượng chất béo trong sữa hoàn toàn đạt yêu cầu nhưng 1 kg dầu cọ giá chỉ có 8 nghìn đồng, trong lúc 1 kg AMF có giá 50 nghìn đồng.

Theo một người am hiểu về ngành chế biến sữa, nếu căn cứ vào giá cả hiện nay, trên thị trường 1 hộp sữa tươi nguyên chất (nhưng thực tế là sữa hoàn nguyên), loại 1 lít là 20 nghìn đồng, thì chi phí cho nguyên liệu chỉ khoảng gần 4 nghìn đồng, cho bao bì, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, quảng cáo khoảng 9 nghìn đồng nữa. Như thế, cứ mỗi lít “sữa tươi” nhà sản xuất lãi ròng khoảng 5 nghìn đồng sau khi đã chiết khấu cho các đại lý (trong lúc nếu đúng là sữa tươi thật sự, thì chỉ lãi khoảng trên dưới 2 nghìn đồng. Giá 1 lít sữa tươi nếu nhập khẩu, là khoảng 8 nghìn đồng đã tính các loại thuế).

5 tháng đầu năm nay, các nhà sản xuất sữa trong nước đã nhập khẩu 137,7 triệu USD sữa bột không béo (sữa gầy). Dự kiến đến hết năm nay, sẽ có một lượng sữa gầy trị giá khoảng 330 triệu USD được nhập khẩu.

Theo các nhà sản xuất, nhập sữa gầy có 3 cái lợi: Một là giá thành rẻ hơn nếu so với thu mua sữa tươi vì không phải vận chuyển, bảo quản; hai là sản xuất sữa bột thành “sữa tươi” thì chi phí thấp hơn vì đầu tư cho máy móc ít hơn; và ba là sữa “hoàn nguyên” có thời gian sử dụng lâu hơn.

Vấn đề đặt ra là bao nhiêu sữa gầy sẽ biến thành “sữa tươi nguyên chất”, để móc túi người tiêu dùng? Câu trả lời là, trong số 9 hãng sản xuất sữa tươi hiện có sản phẩm đang được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, thì chỉ 3 đơn vị sử dụng sữa bò tươi nguyên chất - nhưng chỉ chiếm khoảng 2% thị phần. 98% thị phần còn lại đều dùng sữa bột để cho ra “sữa tươi” với những hàm lượng khác nhau. Trên một số sản phẩm của Vinamilk, có dòng chữ “nguồn dinh dưỡng từ thiên nhiên mỗi ngày” khiến người tiêu dùng càng tin rằng đây là sữa tươi... chính hiệu!

Ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: “Vinamilk và Dutch Lady có hệ thống thu mua nguyên liệu trong nước, nên tỉ lệ sữa bò tươi nguyên chất trong sản phẩm có cao hơn, nhưng cũng không vượt quá 30%”. Như thế, 70% thành phần còn lại trong “sữa tươi nguyên chất”, là cái gì nếu không phải là sữa bột?

Đầu năm 2006, Vinamilk tung ra thị trường loại sữa tươi có tên “sữa tươi nguyên chất tiệt trùng không đường”. Theo quy định của việc ghi nhãn, mác trước đây, thành phần nguyên liệu nào chiếm tỉ lệ cao hơn trong sản phẩm, sẽ được đưa lên đầu. Như vậy, khi nhãn mác ghi là “sữa tươi” thì có nghĩa sữa tươi là thành phần chủ yếu. Nhưng khi một số phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, thì ngày 10/10/2006, Vinamilk làm công văn, gửi các cơ quan chức năng, xin điều chỉnh nhãn hiệu thành “sữa tươi tiệt trùng không đường”. Vậy có thể hiểu rằng sữa này hoàn toàn không phải là sữa “nguyên chất”, làm từ sữa bò tươi. Trong buổi họp báo chiều ngày 18/10/2006, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk thừa nhận đã có một số “sai sót” trong việc ghi nhãn hàng hóa.

Cuối cùng, là vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng. Cho đến nay, vẫn chưa hề có một công trình nghiên cứu chính thức nào cho thấy dầu cọ (loại dầu được pha vào sữa khi chế biến sữa bột thành sữa tươi) là có hại. Còn nhớ hồi đầu năm 2004, dựa trên một nghiên cứu chưa được xác nhận của Giáo sư Wiston Koo về tác hại của dầu cọ trong thực phẩm, đã tạo ra một cơn bão lớn gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều nhà sản xuất thực phẩm tại nước ta, khiến Bộ Y tế phải vào cuộc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người tiêu dùng dễ dãi chấp nhận chuyện sữa bột khuấy nước, thêm dầu cọ rồi bán với giá “sữa bò tươi” bởi lẽ “tiền nào, của nấy”, là quy luật bất biến trên thị trường...

Vũ Cao

Nguồn CAND: http://www.cand.com.vn/vi-VN/quocte/2008/4/89442.cand