CNTT-TT diễn ra mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội và thách thức

(ICTPress) - “Sự hội tụ của cả 5 lĩnh vực của Ngành, trong đó lấy CNTT-TT làm nền tảng, đang diễn ra rất mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội nhưng mặt khác cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước như đảm bảo an toàn thông tin, chất lượng thông tin phù hợp lợi ích của xã hội, bảo vệ thông tin cá nhân và chủ quyền số quốc gia…”.

Ngành TT&TT đang tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống ngành TT&TT lần đầu tiên được tổ chức 28/8/2016. Sáng nay 16/8, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo Thành tựu và Định hướng phát triển ngành TT&TT. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là khách mời là lãnh đạo Ngành qua các thời kỳ, các đơn vị trong Ngành. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì Hội thảo.

Điểm lại các thành tựu của Ngành trong giai đoạn phát triển vừa qua, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược đã báo cáo một số thành tựu nổi bật trên 5 lĩnh vực quản lý của Ngành: Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí và Xuất bản – In phát hành:

Mạng lưới bưu chính công cộng hiện có 12.738 điểm phục vụ, trong đó có 63 bưu cục giao dịch cấp 1; 760 bưu cục giao dịch cấp 2; 1.793 bưu cục giao dịch cấp 3; 8.113 điểm Bưu điện Văn hóa xã; 434 đại lý bưu điện; 43 kiot; 1.460 thùng thư công cộng đọc lập; bán kính phục vụ bình quân 2,93 km/điểm, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu 1 điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân đạt 7.164 người/điểm. 91,7% số xã trong cả nước có báo Đảng đến trong ngày; các điểm Bưu điện - Văn hóa xã tiếp tục phát huy được vai trò, phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân thông qua sách, báo và phương tiện thông tin liên lạc (so với trước năm 1998, cả nước chỉ có 3.000 bưu cục tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, bình quân cứ 25.500 và trên 110 km 2 (trên diện tích tương đương bán kính 10,5 km) mới có 1 điểm phục vụ). Doanh thu dịch vụ Bưu chính toàn ngành đạt khoảng hơn 700 triệu USD, tăng gấp hơn hai lần so với năm 2010.

Trong lĩnh vực Viễn thông, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục được phát triển hiện đại hóa rộng khắp, băng rộng tốc độ cao, hoạt động ổn định, với việc phóng thành công 02 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất, Việt Nam đã ghi tên mình vào danh sách các nước đã có chủ quyền trên quỹ đạo vệ tinh và kết cấu hạ tầng thông tin của Việt Nam đã được đảm bảo bằng tất cả các hình thức liên lạc tiên tiến hiện đại nhất thế giới. Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đạt 95% diện tích, tổng băng thông kênh kết nối quốc tế đạt 1.450Mb/s, tăng hơn 12 lần so với năm 2010.

Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới trong suốt 10 năm qua. Đến nay, tổng số thuê bao điện thoại hiện có khoảng trên 131 triệu máy (trong đó: di động chiếm 94,86%, cố định: chiếm 5,14%), cao gấp 10 lần so với năm 2005; mật độ điện thoại đạt khoảng 140 máy/100 dân; tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng đạt 6,5 thuê bao/100 dân, cao gấp gần 2 lần so với năm 2010, cao gấp 30 lần so với năm 2005; tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng di động đạt 36,6 thuê bao/100 dân; toàn quốc có trên 58 triệu người sử dụng Internet, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 50% dân số, cao gấp 1,7 lần so với năm 2010, hằng năm Doanh thu Viễn thông đạt khoảng 17 tỷ USD, cao gấp gần 2 lần so với năm 2010, cao gấp gần 10 lần so với năm 2005, lợi nhuận hằng năm khoảng 2,5 tỷ USD/năm, nộp ngân sách nhà nước 60.000 tỷ đồng /năm.

Công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện hằng năm đạt hơn 32 tỷ USD, tăng gấp 9 lần so với năm 2010 và kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện đạt 14 tỷ USD, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng của ngành từ 20 - 30%/năm.

Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như trong công tác chuyên môn ở các cơ quan nhà nước tiếp tục được cải thiện, rút ngắn khoảng cách, thời gian và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp; hạ tầng ứng dụng CNTT tiếp tục được phát triển và hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các ứng dụng CNTT. Tỉ lệ trung bình cán bộ, công chức tại các Bộ, ngành được trang bị máy tính phục vụ công việc đạt khoảng 90%; tỷ lệ máy tính kết nối Internet đạt trên 90%; tất cả các cơ quan nhà nước có mạng nội bộ phục vụ công việc. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước được triển khai hoàn thành giai đoạn 2 đã kết nối được tới các Sở, ban hành quận, huyện.

Lĩnh vực báo chí, hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí in và với trên 1000 ấn phẩm báo chí; 98 báo điện tử; 66 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương với tổng số 182 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá (gồm: 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh, quảng bá). Diện tích phủ sóng phát thanh đạt 99,5% lãnh thổ, diện tích phủ sóng truyền hình mặt đất đạt hơn 90% diện tích lãnh thổ.

Hệ thống truyền hình trả tiền đến hết năm 2015 có 31 đơn vị cung cấp dịch vụ với 73 kênh truyền hình và 09 kênh phát thanh trong nước. Số lượng kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập trên hệ thống truyền hình trả tiền là 40 kênh. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền khoảng 9,9 triệu (trong đó số lượng thuê bao truyền hình cáp chiếm 80,8%), cao gấp 4 lần so với năm 2010, cao gấp 30 lần so với năm 2005. Tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền là 9.624 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần năm 2010, thu hút khoảng 9.500 lao động.

Ngành xuất bản, in và phát hành hiện toàn quốc có 63 nhà xuất bản, thu hút khoảng 5.500 lao động, trong đó có khoảng 1.200 biên tập viên. Ngành đã xuất bản được hơn 24.000 đầu sách với hơn 270,4 triệu bản; xuất bản 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22,4 triệu bản, trong đó xuất bản trên 200 loại mẫu lịch với trên 16 triệu bản. Có khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Sản lượng ngành in ước đạt khoảng hơn 1.000 tỉ trang in 13x19cm. Hơn 13.700 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, trong đó có 117 công ty, đơn vị phát hành sách tỉnh, thành phố, hơn 100 công ty thuộc thành phần kinh tế khác và khoảng gần 13.500 trung tâm, siêu thị sách, nhà sách, hộ kinh doanh, các điểm bán sách trên toàn quốc. Doanh thu toàn ngành tiếp tục tăng trưởng, tổng doanh thu toàn ngành xuất bản ước đạt 5.100 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm ước đạt 23 triệu USD, trong đó nhập khẩu là 18,9 triệu USD, xuất khẩu là 4,1 triệu USD.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết từ một ngành lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhiều hạn chế trong quản lý, kinh doanh, trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay, Ngành TT&TT đã trở thành một Ngành: vững về chính trị, mạnh về kinh tế; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển cao về quy mô, doanh thu và thị trường; có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn; công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh về đến tận huyện, xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng... Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã ghi nhận Ngành Thông tin và Truyền thông là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết ngày nay, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) là một trong các lĩnh vực ứng dụng KHCN ở mức rất cao và có tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng, vượt bậc, nhiều khi làm chúng ta khó hình dung. Có lẽ mới chỉ 5 năm trước đây, những khái niệm như SMAC (Social, Mobility, Analytics, Cloud), IoT (Internet of Things), thiết bị đeo số … vẫn còn tương đối xa lạ thì giờ đây đã trở nên quen thuộc với chúng ta và đang trở thành một xu hướng tất yếu, gần như không thể thiếu được của cuộc sống. Sự phổ biến của mạng Internet, smartphone và các công nghệ số đi vào trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội hàng ngày… giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận hành của mọi tổ chức, ngành nghề trong xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng, đối với ngành TT&TT, sự phát triển của CNTT-TT khiến cho 5 lĩnh vực quản lý của Ngành ngày càng hội tụ nhanh chóng: báo chí phát triển đa dạng, nhất là báo điện tử và truyền hình số. Thông tin bằng phát thanh, truyền hình được đưa lên mạng Internet để truyền tải tới bà con người Việt Nam ở nước ngoài về sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, các sự kiện Biển Đông giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phản ánh thông tin đúng sự thật, chính nghĩa của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng... Sự phổ biến của smartphone và mạng xã hội đã biến các phương tiện này dần trở thành kênh đọc tin tức phổ biến của mọi người; sách điện tử cũng ngày càng phong phú nhờ sự thuận tiện và giá rẻ; nhiều tiến bộ CNTT-TT đang được áp dụng làm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong ngành bưu chính, thậm chí, người ta đã thử nghiệm thành công việc sử dụng máy bay không người lái (drone) để chuyển giao bưu kiện… Thuật toán trí tuệ nhân tạo đã phát triển đến trình độ đáng kinh ngạc như có thể viết báo, nhận dạng khuôn mặt thậm chí đã bị làm mờ, dự đoán các cuộc tấn công mạng, giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên với khách hàng (chatbot)…

Ứng dụng CNTT-TT đang làm “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, nhà thông minh… cho đến đô thị thông minh hay quốc gia thông minh. Có thể nói, sự hội tụ của cả 5 lĩnh vực của Ngành, trong đó lấy CNTT-TT làm nền tảng, đang diễn ra rất mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội nhưng mặt khác cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước như đảm bảo an toàn thông tin, chất lượng thông tin phù hợp lợi ích của xã hội, bảo vệ thông tin cá nhân và chủ quyền số quốc gia…, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết.

Ngọc Mai

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/thoi-su-ict/cntt-tt-dien-ra-manh-me-mang-den-nhieu-co-hoi-va-thach-thuc