Clip cống xả thải nghi của Formosa được quay ở cảng Tiên Sa

Sáng 22/2, lãnh đạo cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) cho biết clip cống xả thải màu đỏ lan truyền trên mạng được quay tại cảng này nhưng có thể từ 2 năm trước khi xe chở đất đá hoạt động nhiều.

Đối chứng ảnh cắt từ clip xả thải trên mạng và hình ảnh tại cảng Tiên Sa. Ảnh: Internet

Sáng cùng ngày, PV Báo Giao thông thực tế khu vực cầu cảng số 4 (cảng Tiên Sa), ghi nhận hình ảnh cống xả thải màu đỏ trong clip lan truyền trên mạng giống hoàn toàn cống xả nước mưa tại đây.

So sánh hình ảnh trên mạng và khu vực cống thoát nước cảng Tiên Sa, có thể thấy các đặc điểm như ống nhựa bọc dây điện, kích cỡ miệng cống, phao xốp tròn… giống nhau. Tuy nhiên trong sáng nay, không có dòng nước nào thoát ra từ miệng cống. Quan sát kỹ có thể thấy đàn cá nhỏ bơi lội phía dưới cùng làn nước trong vắt, chứng tỏ không có hiện tượng ô nhiễm nguồn nước do xả thải.

Đại diện Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng cho biết khi thấy thông tin trên mạng, đơn vị này đã phối hợp với lãnh đạo cảng Tiên Sa kiểm tra ngay hiện trường. Thời điểm kiểm tra cũng không có nước thoát ra từ miệng cống. Được biết, vị trí này khớp nối với hệ thống thoát nước mưa, nước rửa xe… chảy ra biển.

Cận cảnh cống thoát nước mưa ở cảng Tiên Sa:

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Dũng – quyền Giám đốc cảng Tiên Sa cho biết clip trên mạng xã hội được ghi hình tại cầu cảng số 4 nhưng có thể đã từ 2 năm trước. “Lúc đó chúng tôi đang thi công mở rộng cầu cảng, dòng nước thải màu đỏ có thể là do nước rửa xe chở vật liệu xây dựng, cuốn trôi bùn đất trên xe chảy ra”, ông Dũng nói.

Miệng cống tại cầu cảng số 4 cảng Tiên Sa khớp nối với hệ thống mương thoát nước mưa. Ảnh: Tấn Việt

Trước đó trên mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh cống xả thải nước màu đỏ. Clip được phát tán cùng thời điểm phát hiện vệt nước màu đỏ loang lổ ở biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) khiến dư luận cho rằng do Formosa thải ra biển.

Ngay sau đó, Bộ TN&MT và cơ quan chức năng địa phương đi kiểm tra, xác thực clip không phải được quay tại Formosa. Hiện vẫn chưa rõ ý đồ phát tán clip và gán ghép với Formosa là gì, nhưng clip này đã gây hoang mang dư luận, tạo sự hồ nghi về việc Formosa tiếp tục gây ô nhiễm biển Hà Tĩnh như hồi tháng 4/2016.

Tấn Việt

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/clip-cong-xa-thai-nghi-cua-formosa-duoc-quay-o-cang-tien-sa-d189292.html