Chuyến xe dù

Tôi muốn mượn tên một truyện vừa của G.G.Marquez để nói về câu chuyện này, đó là “chuyện buồn không thể tin được…”. Nhưng đời là thế, phải tin, vì còn có bao chuyện đớn đau phi lý đến khủng khiếp hơn.

Minh họa của họa sĩ Phạm Trần Quân.

Tôi không rõ tác giả viết truyện ngắn này trước hay sau hình ảnh người đàn bà còn khá trẻ - dân tộc Thái - chết ở Bệnh viện Sơn La do gia cảnh khốn khổ quá phải bó chiếu thòi cả chân ra nằm ngang trên cái yên xe máy ôm chở về quê.

Nhưng chi tiết một ông chồng già ôm xác vợ dựng đứng lên để tựa vào mình trên một chuyến xe dù thật là ấn tượng. Đó là chi tiết đắt giá có tính sáng tạo của văn chương.

Bùi Nguyên Ngọc thường chỉ viết tạp văn, ký một cách khá nghiệp dư, và thật ra đây có lẽ cũng chưa phải là truyện ngắn có tay nghề, nhưng chỉ cần hình ảnh người vợ già chia lìa thế giới này trên một chuyến xe dù nhếch nhác, xô bồ sẽ khiến bạn đọc phải cảm động, day dứt về cái cõi tạm không mấy tốt đẹp mà chúng ta đang phải chịu đựng, để tồn tại… Y TRANG

Lâu lắm tôi mới đi một chuyến xe đò đúng vào dịp nghỉ lễ. Đi xe vào dịp nghỉ lễ khác nào hành xác, nhưng việc bất đắc dĩ tôi đành phải đi. Tôi ra bắt xe dọc đường, lớ ngớ thế nào lại vớ ngay phải chiếc xe dù! Nghe người ta bảo, đi xe dù thì nó dù từ anh lơ xe dù đi, có người còn dọa, họ có thể bán khách bất cứ lúc nào, nghe mà thấy sợ. Vừa bước lên xe, anh lơ xe đã ấn vào vai tôi, một cú ấn dúi dụi: “Bố ngồi vào góc kia… cho con nhờ”. Cái góc mà anh ta chỉ, là cái ghế nhựa, loại ghế mà người ta hay bày ra vỉa hè để bán nước, bán quà vặt. Một ông cũng lên xe sau tôi, nhưng đang lưỡng lự, vì thấy cảnh chật chội, liền bị anh lơ xe bộp luôn: “Ông kia... không đi thì... phắn!”. Tôi cố thụt đầu xuống, ngồi im như thóc, không dám ho he, không dám động đậy, chỉ sợ anh ta lại “phắn” luôn cả mình. Ngồi một lúc cho hoàn hồn, tôi mới hé mắt ra nhìn. Một bà sồn sồn, lưng cánh phản, mông to như cái giành hót phân trâu, đang đứng án ngữ trước mặt. Tôi ngồi phía sau, bà ta đứng phía trước. Có lần xe vào cua, tôi bị cái giành hót phân trâu ấy, văng đúng mặt, cứ thấy tối rầm! Cạnh đấy là một đôi nam nữ, chỉ nhìn thấy mông, không thấy mặt, họ cứ tí ta tí tởn, sờ sờ nắn nắn, cấu véo nhau như đang ở phòng ngủ nhà mình. Chật chội thế này, mà véo nhầm vào mông một bà la sát, thì có mà ăn đủ! Bên phải tôi, là một người đàn ông, đứng dựa vào thành xe, ôm một người đàn bà, chắc là vợ ông ta. Người đàn bà như đang ốm, cứ gục vào vai chồng. Ông ta ôm lấy bà, qua chiếc vỏ chăn mỏng. Tôi nhìn không rõ mặt, chỉ thấy bà ta gầy như một bộ xương. Tôi định làm quen, nhưng lại ngại, vì nhìn vào mắt ông ta, thấy mắt lờ đờ dại dại, mắt của người mệt mỏi vì thiếu ngủ. Trên xe, dù không muốn, nhưng tôi cứ phải nghe đủ loại ngôn ngữ tả pí lù: “Này, đít mày bao nhiêu?”.“Đít em 62, đít chồng em 72”. “Thảo nào, tao ấn vào đít 72 thấy chồng mày alô”. Một đôi vợ chồng già, chắc là nhà giáo, với phong cách nho nhã lịch thiệp, ông ta chỉ xin chiếc túi chống nôn, cũng cúi đầu thưa gửi, thật trái với đám xô bồ, dở ông dở thằng, đứng túm tụm trên xe. Tôi nhìn vào khoang hành khách, những khuôn mặt, những hình hài, đủ loại. Có người thời gian chỉ lướt qua chậm chạp, nhưng có người, thời gian chém cho thừa sống thiếu chết. Trong đó, đôi vợ chồng đứng ôm nhau cạnh tôi, làm tôi chú ý hơn cả. Họ hầu như không nhúc nhích, ông chồng lúc nào cũng cúi gằm xuống đất. Sợ ông ta không để ý đến quãng đường, đến chỗ cần xuống, tôi khẽ đập vào tay ông: “Này... ông... định xuống chỗ nào thế?”. Ông ta hoảng hốt, co rúm người lại, như kẻ cắp bị bắt quả tang, rồi nói như van lơn: “Ông ơi... tôi... xin ông”. Tôi chỉ là anh nhân viên hạng ba, chưa được ai xin xỏ, bẩm báo, người đàn ông lạ hoắc ấy làm tôi sợ! Ông này có gì đáng ngờ? Tôi nhìn vào mắt ông ta, nhưng không đọc được gì ở đôi mắt ấy, nhưng nhìn kỹ, thì thấy ông điển hình cho kiếp nghèo, ở tận đáy xã hội. Gò má nhô lên, vết lõm bờ vai sâu hoắm, để lọt được cả bánh xà phòng! Tôi hỏi ông: “ Thế... bà nhà... bị ốm?”. Ông lấy tay ấn nhẹ vào vai tôi, mắt nhìn ra xung quanh, dáng vẻ sợ hãi: “Tôi chắp tay... lạy ông, tôi xin...”. Nhìn vào mắt ông ta, có vẻ như sắp khóc, tôi thấy thương thương, tội tội, liền bảo: “Tôi có thể giúp gì được ông?”. Nghe tôi nói vậy, mặt ông ta như dãn ra, rồi cúi đầu, chắp hai tay lại vái tôi. Trong xe hầu như không ai để ý, nhưng hình như ông ta vẫn sợ có người nhìn thấy. Không biết ông sợ cái gì?

Xe đang bon bon trên đường, thì bất ngờ phía trước, một chiếc dùi cui giơ ra, và cảnh sát xuất hiện. Anh lơ xe nhảy xuống, và chỉ loáng cái, anh đã nhảy lên ra hiệu cho xe chuyển bánh. Không biết anh ta trình báo cái gì, mà trên xe thừa ra đến ba chục người, vẫn không bị lập biên bản? Tôi đang lơ mơ gà gật, thì có ai đó cất lên cái giọng đanh như xé vải: “Thôi đừng có dạy đĩ vén váy!”. Từ lúc ấy, tôi không gà gật được nữa, hết căng mắt nhìn ra xung quanh, lại nhìn đôi vợ chồng đứng ôm nhau bên cạnh. Tôi thấy ông ta cứ lấy cái khăn trùm đầu che lấy mặt bà. Mỗi lần gió hất tung ra, ông lại cuống quýt che trùm lại. Suốt cả quãng đường dài, bà không thay đổi tư thế, cứ gục vào vai ông như người ngủ say trong mỏi mệt. Chợt ông ta khẽ giậm vào chân tôi như báo hiệu điều gì đó. Tôi không hiểu cú giậm chân đầy ẩn ý, nên nhìn vào mắt ông ta, bắt gặp con mắt như van lơn, như cầu cứu, tôi liền gật đầu ra vẻ hiểu ý, nhưng thực ra, tôi cũng mù tịt về cái giậm chân ám hiệu này! Một lúc sau ông nói nhỏ vào tai tôi: “Tôi... xuống Cầu Lim, ông... giúp tôi với...”. Tôi bảo với anh lơ xe: “Đến Cầu Lim, cho người xuống”. Tôi quyết định sẽ xuống cùng, để giúp ông, chứ đúng ra, còn gần hai cây số nữa, tôi mới phải xuống. Xe dừng bánh, tôi rẽ lối, còn ông ta bế xốc bà vợ đi phía sau. Khi ba người xuống xe, ôtô chuyển bánh, tôi mới hoảng hồn khi phát hiện ra người đàn bà này... Bà ta không còn là người nữa, mà là một cái xác đã chết cứng! Đôi mắt nhắm nghiền, tay nhợt nhạt, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau. Tôi sợ quá, định kêu toáng lên, thì bị ông ta bịt mồm. Như một phản xạ tự nhiên, tôi giằng tay ông ta ra. Khi chạm vào bàn tay ấy, lòng tôi chùng xuống, bàn tay lam lũ cày cuốc, đất cát còn ăn lẳn vào da, nhất là đôi mắt, đôi mắt khổ đau cam chịu, chứ không phải đôi mắt đảo trước, đảo sau, trắng dã. Ông ta bưng lấy mặt, rồi khóc nấc lên: “Ông ơi, tại tôi... nghèo quá...”. Câu ông nói, làm tôi nghi ngờ. Nghèo quá, thì mới cần tiền, mới giết người! Nói xong, ông lấy tay ôm ngực ho rũ rượi, rồi ngã lăn ra như người bị trúng gió. Tôi hoang mang đến tột độ. Giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ có tôi và cái xác chết, lại có thêm một người đàn ông nằm lăn ra đường, tôi vô tình thành đồng lõa với kẻ giết người? Hoặc nếu đây là một vụ án mạng, thì tôi chắc chắn bị liên lụy. Tôi nhìn vào bà ta, mắt đã khép, tay đã buông xuôi, nỗi đời ấm lạnh tưởng đã yên bề, nào ngờ... Khi thân xác còn giữa đường giữa chợ, thì kiếp người đâu đã hết lênh đênh. Để nhanh chóng thoát khỏi cái tình cảnh trớ trêu này, để đỡ liên lụy đến mình, tôi chỉ tay về phía bóng cây bên kia đường, rồi ra hiệu cho ông ta đưa bà sang đấy, nhưng ông ta cứ như người mất hồn, đến nỗi tôi phải gắt lên: “Đưa bà sang bên kia, chết cả nút bây giờ”. Sau câu tôi nói, ông ta gượng dậy, rồi lại lấy tay bưng mặt khóc: “Mình ơi... sao tôi... khổ thế này. Cho tôi... đi theo với... mình ơi!”. Đang nóng giận, nghe ông ta than vãn, tôi cũng mủi lòng, tự nhiên thấy cõi người sao lắm nỗi éo le, sao nhiều góc khuất. Lúc này tôi mới nhìn kỹ bà ta, người đã về cõi khác, nhưng tay vẫn bấu chặt vào chiếc vỏ chăn, như muốn níu kéo, như không muốn lìa xa… Bà muốn ở lại với cõi người, nhưng bị cõi người chối bỏ? Hay tự bà chối bỏ cõi người, bây giờ thấy tiếc? Tôi chạm vào chân bà, bỗng rùng mình khiếp sợ. Bàn chân lạnh toát, sưng lên, có thể do bà phải đứng quá lâu trên xe, nên chân xuống máu? Người chết rồi vẫn còn có máu hay sao? Để nhanh chóng đưa bà vào chỗ khuất, tôi khiêng chân bà đi trước, ông ta đỡ phía đầu đi sau. Người chết đi giật lùi trong cõi nhân gian. Ba người vào đến gốc cây bồ đề thì chiều đã nhạt, nắng đã bớt hoe vàng, bóng cây bên đường như đứng chết dưới chân cây. Không một tiếng người, không một tiếng chó sủa. Cái tĩnh lặng yên bình của một miền quê, lại giấu vào lòng nó, những thân phận, những nỗi đời cay chua đắng đót. Khi thấy chiếc rễ cây hình yên ngựa gồ lên, tôi đặt đầu bà vào đấy. Bà nằm vắt ngang trong cõi tạm, đầu gối lên cội rễ, bóng cây có che nổi phận người? Trời hơi se lạnh, cái lạnh cuối đông, cộng với cái lạnh kiếp người, làm tôi rùng mình. Tôi nhìn vào mặt bà, thấy nước mắt khô trên khóe mắt. Bà chết, ông có kịp lau mặt cho bà? Chắc là không! Khi thấy nước mắt khô, tôi lại nhớ nước mắt ướt của mẹ tôi, khi người nằm cấp cứu trong bệnh viện. Mẹ tôi cũng nằm duỗi dài như thế này, mắt cũng nhắm nghiền như thế này, nhưng ở trên cáng, chứ không như người đàn bà, dưới gốc cây bồ đề. Thấy nước mắt ướt của mẹ, tôi khẽ gọi: “Mẹ ơi, chúng con ở cả đây với mẹ. Con ở chỗ này cơ mà”. Mẹ tôi khẽ nhíu mày. Bác sĩ bảo: “Khi người bị hôn mê nhíu mày, là nhận được tín hiệu…”. Vậy là mẹ tôi chưa bước qua làn ranh giữa sự sống và cái chết. Xung quanh mẹ, con cháu túc trực ngày đêm, còn người đàn bà này, đã chết rồi mà con cháu chẳng có ai? Tôi thắc mắc định hỏi, thì thấy người đàn ông đứng sau lưng tôi, đang chắp tay vái lạy. Ông ta vái bà ba vái, lại vái tôi ba vái, rồi bảo: “Ông ơi! Kiếp này tôi mắc nợ trần gian…”. Tôi không hiểu ông định nói gì: “Ông nợ… ai cơ?” Ông bảo: “Nợ tiền bạc còn trả được, nợ ân nghĩa trả sao đây”. Tôi thấy ông nói năng mạch lạc, khúc triết như người có học liền hỏi: “Thế ông làm nghề gì để sống?”. Ông bảo: “Tôi làm giáo học, nhưng về hưu trước tuổi, rồi thành nông dân nửa mùa”. “ Thế còn con cái?”. Nói đến con, ông lại nghẹn ngào: “Tôi có ba đứa, hai đứa chết, còn đứa con gái lấy chồng nghèo. Chồng nó mắt trắng, môi thâm, ăn ở bạc, lại còn nát rượu”. Tôi nghe mà thương quá, thương cho ông, thương cho cả kiếp người.

Tôi không hiểu nhiều về nghi lễ, nhưng cứ thấy người vừa chết, thường có ngay bát cơm quả trứng cúng cô hồn… Tôi nhìn bà… nằm còng queo, tội quá, liền lượm chiếc lá bồ đề, rồi đặt lên đó bốn quả hồng có sẵn trong túi sách, khấn rằng: “Nam mô thường trụ mười phương Phật/ Nam mô Quán Thế Âm bồ tát/ Cô hồn quy y Phật/ Cô hồn quy y tăng. Kiếp người vinh nhục trầm luân. Trần gian không cưu mang được bà. Bà về với cõi niết bàn. Tôi là khách đi cùng chuyến xe, cầu mong cho bà yên nghỉ nơi cực lạc… Mô Phật… Nam mô A Di Đà Phật…”.

Những câu kinh kệ, tôi cũng chỉ nói theo lời ông thầy cúng, khi mẹ tôi qua đời, chứ tôi cũng không hiểu lắm. Thấy tôi cúng bà, ông cứ ôm lấy tôi mà khóc: “Ông ơi… tôi nợ nhiều quá, bây giờ lại… mắc nợ ông”. Thì ra bây giờ tôi mới hiểu câu ông nói lúc trước “…nợ ân nghĩa trả sao đây”. Tôi nhìn ông, con người có nghĩa có tình, có trước có sau, nhưng khổ quá, chỉ vì nghèo. Tôi an ủi ông: “Bây giờ mình phải cứng rắn lên, để lo công việc, để bà được thanh thản ra đi?”. Nghe tôi nói, ông khóc to quá, tôi phải nắm lấy tay ông dỗ dành: “Thôi đừng khóc nữa, nhưng… sao lại đến nông nỗi này?”. Ông bảo: “Bà nhà tôi ốm phải nằm viện, tôi bán cả vườn đất đi rồi, nhưng cũng không cứu được”. Nói xong ông ta nấc lên: “Đến khi chết, không còn tiền thuê xe để đưa xác về, tôi đành làm liều... giả vờ đưa người ốm lên xe khách...”. Tôi kêu lên, khi biết được sự thật “À ra... là thế”. Tôi kêu lên chỉ để cho tôi, hay cho cả kiếp người, tôi cũng không biết nữa? Ông nhìn vào xa xăm, rồi lấy tay gạt nước mắt: “Quê tôi nghèo lắm, vay mượn hết rồi, bây giờ không biết bấu víu vào đâu”. Tôi cố an ủi ông: “Kiếp người ai cũng có nỗi khổ. Ông đã hết lòng với bà nhà rồi”. Nói đến đây, tưởng an ủi được ông, chẳng ngờ ông lại bật khóc to hơn: “Khổ thân tôi quá, mang được cháo về thì bà ấy đã chết. Tại tôi chậm, làm bà ấy chết đói”. Tôi ôm lấy vai ông như để sẻ chia, như để dỗ dành rồi bảo: “Bây giờ phải điện cho các cháu mang cáng ra đón bà”. Ông bảo: “Ông giúp tôi, điện thoại của tôi cũng hết tiền”. Tôi gọi điện cho cháu, rồi móc ví, còn bao nhiêu tiền đưa hết cho ông. Ông cứ ôm lấy tôi, dàn dụa nước mắt.

Khi cáng đưa người đàn bà đi rồi, tôi một mình lầm lũi trên đường. Quãng đường không đến nỗi xa, mà lòng tôi heo hút. Trời sắp tối, bóng đổ về phía đông đã dài hơn người, làm tôi sợ, sợ vẩn vơ, sợ bàn tay níu kéo của người đàn bà, như không muốn lìa xa, như muốn ở lại cõi nhân gian đầy nước mắt. Sợ đôi mắt thất thần của người đàn ông, và tiếng kêu như xé lòng xé ruột: “Ông ơi... tại... tôi nghèo quá”.

Tôi bước vội trên đường. Trời cuối đông, ngày bước sang đêm không thật rõ ràng. Tôi nhìn về phía chân mây, thấy trời âm âm, u u. Bóng cây bên đường gần lắm, nhưng nhìn cứ thấy xa mờ. Tôi cứ thế lầm lũi bước đi với bóng tối. Chợt có con gì đen trũi, nhảy từ mô đất cao xuống lùm cây đánh “soạt”, làm tôi giật mình bước hụt. Từ lúc ấy, tôi đâm sợ tiếng động, sợ cả tiếng vụn vỡ dưới chân, khi giẫm vào xác lá. Xác lá về cội, xác người về đâu

BÙI NGUYÊN NGỌC

Quê ở Hà Nam.

Hiện sống và làm việc ở Hà Nội.

TRUYỆN NGẮN CỦA BÙI NGUYÊN NGỌC

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chuyen-xe-du-594928.bld