Chuyện vợ chồng của chúng tôi coi như chấm dứt kể từ khi công ty chồng bắt đầu thua lỗ

Những khoản nợ trong làm ăn, lâu nay chồng tôi không nói rõ, giờ tôi thấy hôm thì nhóm người này kéo đến đòi, la lối, chửi rủa; hôm thì nhóm khác đến dọa đánh, dọa đốt nhà.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi 34 tuổi, ở nhà nội trợ; chồng tôi 37 tuổi, làm kinh doanh; đã có hai con trai đang học cấp II. Gia đình tôi đang gặp khó khăn vì chồng tôi làm ăn thất bại, mất công ty, nợ nần rất lớn, căn nhà đang ở phải rao bán mới có thể trả nợ được phần nào.

Tôi rất căng thẳng, không biết làm sao để bảo vệ mình và các con. Những khoản nợ trong làm ăn, lâu nay chồng tôi không nói rõ, giờ tôi thấy hôm thì nhóm người này kéo đến đòi, la lối, chửi rủa; hôm thì nhóm khác đến dọa đánh, dọa đốt nhà. Chồng tôi tránh mặt.

Mấy mẹ con tôi đâu biết gì chuyện làm ăn của anh, nên chỉ biết im lặng nghe họ chửi rủa. Hỏi lại anh, anh nói thế này, người ta thì nói thế khác, tôi chẳng hiểu thực hư ra sao; anh lại cũng không có cách nào để giải quyết.

Chuyện vợ chồng của chúng tôi đã coi như chấm dứt từ hơn năm nay, khi công ty anh bắt đầu thua lỗ. Anh có ai khác không tôi cũng không biết vì anh đi liên miên. Trách nhiệm với việc học hành của con cái, anh hoàn toàn không biết đến. Với gia đình hai bên, anh cũng tránh mặt.

Tôi không muốn quay lưng với những khó khăn của chồng, nhưng không biết phải làm sao. Nếu giờ bán nhà trả nợ, mấy mẹ con tôi sống ở đâu? Cứ đề cập đến chuyện này là vợ chồng căng thẳng, cãi vã. Chồng tôi nói tôi không biết gì việc kinh doanh, chỉ biết xài tiền, giờ còn không chia sẻ với chồng lúc khó khăn. Tôi phải giải quyết việc này thế nào?

Thanh Giang (TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa. Internet

Chị Thanh Giang thân mến,

Nợ nần trong kinh doanh của chồng đang là một áp lực lớn đè lên gia đình chị. Không thể không động đến món nợ này khi anh chị giải quyết chuyện gia đình. Trong hoàn cảnh chồng đang có quá nhiều lo lắng, chị phải là người chủ động tìm cách hiểu rõ những khó khăn, hiểu biết chính xác số nợ và chủ nợ. việc quy kết trách nhiệm cho sự yếu kém của chồng không mang lại kết quả.

Vậy nên, bằng sự nhẹ nhàng, kiên nhẫn và bằng cả tấm lòng lo cho con cái, chị phải nói chuyện cho rõ với anh, hoặc phải tìm đến công ty, nắm lấy công việc để kiểm tra, quản lý khối nợ đó. Điều quan trọng là chị phải tránh tuyệt đối những cãi vã, căng thẳng với chồng.

Nếu không, bên cạnh thất bại trong kinh doanh, mình còn gánh thêm đổ vỡ của gia đình. Muốn tránh căng thẳng, chị chỉ có cách là phải hiểu rõ các món nợ, hiểu gánh trên vai mình nặng đến đâu, mới lượng được khả năng trả nợ, khả năng chịu đựng của mình.

Làm ăn có khi thành có khi bại. Biết bình tĩnh đương đầu với khó khăn, chắc chắn sẽ tìm ra cách giải quyết. Vấn đề các chủ nợ quan tâm nhất là thu hồi nợ, họ sẽ chấp nhận thương lượng với chị nếu nhìn thấy khả năng trả nợ. Sắp đặt món nào trả trước món nào trả sau, nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ, anh chị em, của bạn bè… là điều chị cũng cần tính đến.

Chị muốn giữ căn nhà, nhưng cũng có khi mình phải tính đến khả năng thuê nhà, hoặc về ở với cha mẹ ruột để giải quyết bớt nợ nần. Chị cũng nên tìm việc làm để chia sẻ bớt khó khăn kinh tế. Sau thất bại, thái độ khôn ngoan là chấp nhận cùng chồng làm lại từ đầu, không than vãn, trách móc.

Nếu làm được như vậy, vợ chồng có thể đồng lòng vượt qua. Các con của anh chị cũng phải được nói cho hiểu chuyện để chia sẻ khó khăn chung của gia đình. Cả gia đình, bạn bè cũng vậy, chị nên là người đứng ra thu xếp vì chị khách quan hơn, có thể giải thích cho mọi người hiểu, kêu gọi sự giúp đỡ.

Đừng bắt chồng phải mở lời hết, vì trong tâm trạng lúc này, anh khó mà bình tĩnh, thuyết phục người khác được. Mong chị biết bình tĩnh bỏ qua những việc vặt, cùng chồng giải quyết khó khăn, giữ được gia đình vẹn tròn.

Hạnh Dung ( hanhdung@baophunu.org.vn )

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/tam-su/chi-hanh-dung/chuyen-vo-chong-cua-chung-toi-coi-nhu-cham-dut-ke-tu-khi-cong-ty-chong-bat-dau-thua-lo-84454/