Chuyện VNCB, chuyện hệ thống ngân hàng

Có thể nói, những gì xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) trong vụ án đang được đưa ra xét xử đã phác họa một bức tranh tương đối đầy đủ và chân thực về hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam. Sau một thời gian dài huy động vốn để phục vụ cho một nhóm lợi ích, ngân hàng chỉ còn là những “thây ma”, bị đám kền kền xâu xé trong sự “lạnh lùng” của cơ quan quản lý.

Câu chuyện ở Ngân hàng Xây dựng giúp những người quan tâm đến hệ thống ngân hàng có cái nhìn “toàn cảnh” về những ngân hàng đang phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu nghiệt ngã.Ảnh: T.L

Chuyện của VNCB

Nổi bật nhất trong vụ án của VNCB, hay có thể nói đây là nguyên nhân của mọi hậu quả mà Phạm Công Danh và các cộng sự đang phải đối mặt, đó là ông chủ của VNCB đã phải tái cơ cấu ngân hàng bằng tiền túi và tiền vay... lãi nặng.

Không biết điều này đã từng xảy ra ở nơi nào trên thế giới hay không, nhưng ở Việt Nam, VNCB (tiền thân là TrustBank) cho thấy đây là câu chuyện có thật. Phạm Công Danh đã dùng tiền túi của cá nhân và tập đoàn Thiên Thanh (chỉ có tổng tài sản khoảng 3.000 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ 1.218 tỉ đồng cuối năm 2011) để tái cơ cấu một ngân hàng có tổng tài sản, vốn điều lệ lớn hơn mình rất nhiều lần, lại đang hoạt động trong một ngành nghề hội đủ tính đặc thù.

Thời điểm tập đoàn Thiên Thanh trở thành đối tác chiến lược của TrustBank vào năm 2012, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng Thiên Thanh liệu có thể tái cơ cấu thành công một ngân hàng “không còn gì” như TrustBank (cáo trạng cho thấy vốn chủ sở hữu của VNCB âm 5.711 tỉ đồng, lỗ lũy kế 8.765 tỉ đồng vào cuối năm 2012) với nguồn lực rất hạn chế của mình. Tuy nhiên, câu hỏi này sau đó rơi vào quên lãng mà một trong những nguyên nhân là nhiều người tin rằng, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý để Thiên Thanh tái cơ cấu TrustBank, cơ quan quản lý ắt sẽ có cái lý của mình. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể thực hiện vai trò là người cho vay cuối cùng để bảo đảm sự an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, phiên xử đang diễn ra không cho thấy như vậy. Ông Danh khai rằng, bản thân ông đã phải dùng tiền cá nhân của mình để gửi vào VNCB nhằm giúp VNCB có nguồn để chi trả cho khách hàng gửi tiền. Tuy nhiên, với lượng tiền gửi của một ngân hàng, tiền túi của cá nhân chắc chỉ đủ để trả... lãi cho một vài món, ông Danh đã phải vay lãi nặng với mức lãi suất lên đến 3-4%/tháng, hoặc phải trả lãi suất vượt trần lên đến 7-8%/năm. Đây là cơ hội làm ăn của đám kền kền.

Một kết luận chung mà mọi người đều có thể rút ra, đó là hệ thống ngân hàng đang hoạt động trong một thị trường cực kỳ lộn xộn, quy định thì nhiều nhưng không có người giám sát, mà những tay buôn trong thị trường này thì nhiều người gần như chẳng biết họ đang làm gì.

Trên thực tế, nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi đã tận dụng triệt để cơ hội này (không chỉ ở VNCB mà còn ở nhiều ngân hàng khác trong giai đoạn này) để làm giàu bất chính. Cách thông thường là họ sẽ gửi một số tiền nhất định ở một vài ngân hàng với một mức lãi suất nhất định trên sổ sách (nằm trong trần giới hạn của NHNN) cộng với một mức chi ngoài (không có trên giấy tờ). Sau đó, với vị thế của mình, họ sẽ thỏa thuận vay lại ở các ngân hàng này với mức lãi suất thậm chí có thể thấp hơn tổng mức lãi suất (chi trong và chi ngoài) gửi vào(1) bằng cách cầm cố chính các sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành. Số tiền vay được sẽ tiếp tục xoay vòng ở nhiều ngân hàng và tạo thành những khoản tiền gửi khổng lồ trong hệ thống. Cứ như thế, các ngân hàng bị mất thanh khoản bị đám kền kền xâu xé, phải lao vào một cuộc chơi Ponzi không lối thoát.

Tuy nhiên, khi tiền túi không còn, tiền từ tập đoàn Thiên Thanh cũng đã cạn, quay lại rút tiền ngân hàng để thanh toán cho những khoản chi ngoài gần như là tất yếu. Phạm Công Danh đã làm điều mà ông và những cộng sự cho rằng họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Một điều lạ là trong giai đoạn tái cơ cấu VNCB kể từ khi được Thiên Thanh tiếp quản, sự hỗ trợ nguồn từ NHNN khá mờ nhạt. Trong điều kiện của một ngân hàng xấu quá mức tưởng tượng như đánh giá của chính ông Danh, NHNN có lẽ cần thể hiện nhiều hơn trong vai trò người cho vay cuối cùng, nếu không muốn nói là bắt buộc. Bên cạnh đó, những gì ông Danh và cộng sự thực hiện sau khi tiếp quản TrustBank cũng cho thấy sự thiếu vắng cơ chế giám sát, hướng dẫn của cơ quan quản lý trong hoạt động tái cơ cấu. Có vẻ như một tay buôn vật liệu xây dựng (chủ tịch), và một tay kinh doanh bất động sản (tổng giám đốc) cùng dắt tay nhau, lọ mọ đi trong bóng đêm tái cơ cấu mà không có một bảng chỉ đường, và không một lối thoát.

Chuyện của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Câu chuyện ở VNCB giúp những người quan tâm đến hệ thống ngân hàng có cái nhìn “toàn cảnh” về những ngân hàng đang phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu nghiệt ngã. Qua đó, người ta cũng dễ dàng có những liên tưởng “gần đúng” đến những vụ án tương tự ở Oceanbank, GPBank và nhiều ngân hàng khác.

Tuy nhiên, có lẽ cần tỉnh táo để suy nghĩ về những gì đang xảy ra trong hệ thống ngân hàng, và nguyên nhân của tình trạng này, thay vì choáng ngợp với những con số được cho là thất thoát theo cáo trạng, 9.000 tỉ trong vụ VNCB, hay 4.000 tỉ trong vụ Huyền Như trước đây. Một kết luận chung mà mọi người đều có thể rút ra, đó là hệ thống ngân hàng đang hoạt động trong một thị trường cực kỳ lộn xộn, quy định thì nhiều nhưng không có người giám sát, mà những tay buôn trong thị trường này thì nhiều người gần như chẳng biết họ đang làm gì.

Ngân hàng lỗ nặng, âm sâu vốn chủ sở hữu, tập trung cho vay sân sau, những ông bà chủ chỉ biết bòn rút tiền ngân hàng, huy động vượt trần lãi suất, cho vay lãi nặng, vi phạm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối đa của một cá nhân và tổ chức, vi phạm quy định về giải ngân bằng chuyển khoản đối với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, nhân sự chủ chốt (chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc) không có kinh nghiệm và chuyên môn... và hàng loạt vấn đề bất ổn khác được thể hiện một cách “sinh động” trong vụ án của VNCB (và nhiều vụ án ngành ngân hàng trước đây) đặt ra câu hỏi rằng, ai mới phải là người chịu trách nhiệm về tình trạng này?

Khi còn chưa xác định được ai là người phải chịu trách nhiệm, hy vọng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, xứng đáng là xương sống của nền kinh tế quốc gia liệu có là hy vọng... viển vông!

(1) Tuy nhiên, theo nguyên tắc quản trị ngân hàng, mức lãi suất vay này sẽ cao hơn lãi suất đầu vào bình quân của ngân hàng, tức bảo đảm cho ngân hàng không lỗ.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/149626/chuyen-vncb-chuyen-he-thong-ngan-hang.html/