Chuyện về những ngôi nhà nổi trong nước lũ

Trong 2 đợt lũ dữ nhấn chìm hàng nghìn nóc nhà ở miền Trung vừa qua, những ngôi nhà chống lũ (nhà phao) đã phát huy rất tốt tác dụng, giúp nhiều gia đình có chỗ trú ẩn an toàn đến khi nước rút...

Cứu sống người dân

Không chỉ tại mùa lũ năm nay ở miền Trung, gần 3 năm qua, các thành viên của dự án Nhà Chống Lũ (NCL) vẫn âm thầm thực hiện nhiều chương trình quyên góp, hỗ trợ các gia đình ở nhiều tỉnh thành từ Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình... xây dựng 274 căn NCL và hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nghèo ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, thắp lên trong họ hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhà xây cho vùng thường xảy ra lụt với cầu thang bậc thấp để trâu,
bò có thể leo lên tránh lũ. Ảnh: H.T

Là một trong những gia đình nhận hỗ trợ xây dựng nhà phao từ dự án NCL vào đầu năm 2014, anh Thái Văn Thiêm (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết, sau đợt lũ vừa qua, các thành viên và tài sản gia đình đều được an toàn. Ngoài ra, anh Thiêm cũng mong muốn được dự án hỗ trợ xây thêm nhà phao cho nhà bố mẹ mình cách đó không xa.

Anh Lê Cảnh Dương (Đức Liên, Vụ Quang, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi ở trong căn nhà gỗ, lợp mái lá. Mỗi lần nước lũ tràn về, chúng tôi lại phải chạy sang nhà bố mẹ đẻ để tránh lũ. Tới năm 2015, được chính quyền xã và dự án NCL thuyết phục, hỗ trợ kinh phí, cộng thêm số tiền vay mượn từ nhiều nơi, gia đình tôi đã có một căn nhà hai tầng để ở. Trong đợt lũ vừa rồi, xã Đức Liên bị cô lập, song gia đình tôi cùng các gia đình có NCL khác đều an toàn”.

Bản thiết kế mô hình nhà phao chống lũ. Ảnh: H.T

Trong khi đó, anh Trần Văn Khánh - Bí thư Chi đoàn xã Đức Liên cho biết, trong 2 năm 2015 và 2016, dự án NCL đã hỗ trợ xây dựng 9 căn NCL tại xã Đức Liên. Ngoài ra, người dân trong xã được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng xây thêm gần 20 căn nhà khác. Mỗi căn nhà đủ sức chứa từ 2 tới 3 gia đình, giúp bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi lũ về.

Theo anh Lương Văn Hùng - phụ trách xây dựng, cộng đồng và quản lý địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh thuộc dự án NCL, gần 3 năm qua, các thành viên của dự án NCL đã thực hiện việc gây quỹ, rồi hỗ trợ các gia đình ở nhiều tỉnh thành ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam xây 274 căn NCL. Ở xã Tân Hóa, từ 62 căn nhà do NCL hỗ trợ xây dựng, người dân đã tự tìm hiểu, xây dựng thêm hàng trăm ngôi NCL khác. Tới nay, toàn xã có hơn 300 căn NCL trên tổng số 668 hộ dân.

Nước lên, nhà cũng nổi

Hiện tại, dự án NCL đang hỗ trợ xây dựng 5 loại nhà: Nhà phao, nhà xây vùng bão lũ, nhà xây vùng lụt, nhà xây vùng lũ, nhà kê nền. Theo anh Hùng, mỗi loại nhà sẽ phù hợp với một địa hình, điều kiện thời tiết - khí hậu khác nhau.

Trước khi xây dựng, các tình nguyện viên dự án là các kỹ sư xây dựng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xuống tận nơi khảo sát mức độ bị ảnh hưởng của từng nhà. Sau đó, căn cứ vào địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục tập quán... các tình nguyện viên sẽ đề xuất với gia đình về vị trí, thiết kế, kết cấu công trình nhà ở nhằm phát huy tối đa công năng sử dụng của công trình. Việc hỗ trợ người dân luôn được thực hiện theo nguyên tắc đối ứng. Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, nhóm thực hiện dự án chỉ hỗ trợ một phần số tiền để họ có thể xây nhà, mua gia súc, gia cầm. Theo giải thích của anh Hùng, khi người dân phải bỏ ra một số tiền cho căn nhà hay đàn gia súc, họ sẽ tự ý thức được đó là những tài sản thuộc sở hữu của họ và có trách nhiệm giữ gìn, phát triển chúng. Ngoài ra, dự án cũng không trao tiền mặt cho các gia đình cần xây nhà mà trực tiếp liên hệ với các nhà cung cấp nguyên vật liệu, công ty xây dựng tại địa phương. Trong suốt quá trình xây dựng, các tình nguyện viên sẽ giúp các hộ dân giám sát thi công.

Anh Lương Văn Hùng kể lại: “Lần đầu chúng tôi tới gia đình của anh Lê Cảnh Dương và chị Cao Thị Hoa ở xã Đức Liên, huyện Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, đó chỉ là một căn nhà được lợp lá đơn sơ. Khi nhóm đề nghị hỗ trợ họ xây NCL, họ ngần ngại bởi không có đủ tiền xây nhà. Vậy là chúng tôi thuyết phục họ tự đóng gạch để giảm bớt chi phí nguyên vật liệu. Tới lần gần nhất trở lại thăm họ, ngôi nhà đã gần hoàn thành. Thậm chí, vợ chồng anh Dương, chị Hoa còn sắm thêm một chiếc máy ép gạch phục vụ cho công việc kinh doanh. Hàng tháng, gia đình vẫn đều đặn trả nợ ngân hàng số tiền 1 triệu đồng”.

Với khẩu hiệu “Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”, các tình nguyện viên của NCL không chỉ hỗ trợ người dân xây dựng những căn nhà để trú ẩn mỗi khi bão, lũ tràn về, mà còn giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế lâu dài thông qua việc hỗ trợ cung cấp những đàn vịt, dê, xây dựng mô hình nuôi tôm cho người dân ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre, mang sách tới với những trẻ em nghèo... Đồng thời, chia sẻ những kiến thức sống, các kỹ năng tự phòng chống, ứng phó khi xảy ra lụt bão cho người dân các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/chuyen-ve-nhung-ngoi-nha-noi-trong-nuoc-lu-721333.html