Chuyện về người lính già Đặng Văn Việt

Ngoài khả năng tiếng Pháp thông thạo, ông đang ráo riết học tiếng Anh, viết sách, ghi lại những hồi ức của đời lính trận như một kỷ niệm thật khó phai mờ. Ông là Đặng Văn Việt, quê xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Hiện ông cư trú trong khu tập thể của Bộ Xây dựng, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Ông Đặng Văn Việt kể lại quãng đời sôi nổi của mình

Ký ức

Trong căn phòng chật, câu chuyện của ông bỗng mở ra rộng dài trên mọi miền của đất nước. Ký ức đầu tiên rạng rỡ gắn với cái thời “sinh viên Việt Minh”.

Năm ấy ông mới 25 tuổi. Trước đó, khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Trường Y khoa Đông Dương của Pháp đóng cửa. Từ phong trào sinh viên cứu quốc ở Hà Nội, chàng sinh viên Đặng Văn Việt và 42 bạn học khác quay về quê. Đang chân ướt, chân ráo thì thầy dạy cũ hồi ở Quốc học Huế viết thư gọi những sinh viên này vào Trường Thanh niên tiền tuyến Huế. Thế là những người trẻ này trở thành “sinh viên Việt Minh”. Tâm điểm của ký ức đầu tiên là ngày 21-8-1945 sinh viên Đặng Văn Việt được Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên – Huế giao nhiệm vụ kéo lá cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Huế. Ba ngày sau (23-8) phong trào Việt Minh bùng nổ như thác lũ ở Huế. “Thực chất là 43 sinh viên bọn mình được đào tạo để trở thành nòng cốt của lực lượng vũ trang sau này. Việc kéo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế trở thành một huyền thoại không chỉ trong cuộc đời mình”, ông Việt tự hào.

Tiếp theo là “sự kiện” người lính trận Đặng Văn Việt trở thành một trong hai Trung đoàn Trưởng trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Ông bảo, Năm 1946 đang làm Tham mưu trưởng mặt trận đường số 7, thì được giao Trưởng ban nghiên cứu – Phòng Tác chiến Bộ Tổng tham mưu; đặc phái viên Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận Lạng Sơn. Sau đó được đề bạt lên làm Trung đoàn trưởng.

Những kế hoạch tác chiến của Đặng Văn Việt bộc lộ sự linh hoạt, ứng biến trong tương quan lực lượng giữa lính Pháp là lính nhà nghề, đang ở thế tấn công, còn lực lượng vệ quốc đoàn của ta chưa có kiến thức quân sự, vũ khí hết sức thô sơ.

Nét riêng của đặc phái viên Đặng Văn Việt là luôn dựa vào thế rừng, thế núi và sự am hiểu tâm lý kiêu ngạo của lính lê dương là rất coi thường khả năng tác chiến của ta, để sử dụng mẹo thuật dụng binh. Gợi ý này giúp đơn vị bố trí các tuyến phục kích để tiêu diệt tối đa lực lượng địch. Sau mỗi trận đó, ngoài tù binh, ta thu nhiều vũ khí phục vụ cho kháng chiến.

Khi địch đang dàn quân vận chuyển vũ khí, lương thực từ Móng Cái lên Lạng Sơn thì Đặng Văn Việt đã chỉ huy đơn vị bí mật tập kích. Biết sau khi qua những cửa tử địch sẽ nghỉ lại ở những thung lũng. Đây là một lợi thế bất ngờ cho ta vì có đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Còn địch sẽ nghỉ xả hơi nên chủ quan, Đặng Văn Việt nêu một nhận định rất riêng. Trận đó200 tên địch bỏ mạng, 30 lính tây trắng, tây đen vứt vũ khí, đầu hàng ta.

Sau những trận thắng, Bộ Tổng tham mưu quyết định Đặng Văn Việt ở lại làm Trung đoàn phó, sau đó làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 Lạng Sơn. Năm 1949 quân đội ta thành lập hai Trung đoàn chủ lực gồm Trung đoàn 209 Sông Lô và Trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng do Đặng Văn Việt làm Trung đoàn trưởng, Chu Huy Mân làm chính ủy. Đây là thời gian ông lập chiến tích “cắt đứt” đường số 4 từ Móng Cái lên Cao-Bắc-Lạng,con đường mà giặc Pháp có tham vọng làm “bàn đạp” để dập tắt cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Ông Viêt trong căn phòng chất đầy các loại sách Đông Tây kim cổ

Đời thường.

Hôm tôi đến khu tập thể Bộ Xây dựng đứng chờ để gặp ông, mới hay không chỉ người dân trong khu tập thể mà dân phố xung quanh đều biết ông là “người có nhiều công lao đối với cách mạng”. Họ biết bởi chuyện kể về ông cứ lan truyền như một câu chuyện lạ. Từ nhân vật lịch sử kéo cờ Tổ quốc lên Kì đài Huế đến những chiến tích trên nhiều mặt trận đánh Pháp những năm 1953, ông được trên trao quyết định sang Trung Quốc để “nâng cao trình độ”. Không được tham gia chiến dịch Điện Biên phủ là một tiếc nuối lớn trong đời chiến binh của ông.

Năm 1960, ông chính thức rời quân đội, về công tác tại Bộ Xây dựng. 10 năm sau, ông lại nhận quyết định chuyển sang công tác ở Bộ Thủy sản. Sau 5 năm, nghe tin Bộ Thủy sản cho “được” nghỉ hưu non để chăm lo công việc gia đình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu cho dừng lại, vì thế quyết định nghỉ hưu non đối với ông bị hủy.

Dân gian cứ lan truyền “câu chuyện lạ” về ông là bởi những “sự cố” này, nhưng ít ai biết tường tận về cuộc đời của người lính già. Ông vừa tâm sự vừa lật mở từng trang tư liệu mà không cần kính lão. Ông nói: “Dưới thời Bảo Đại, cha tôi là Phó bảng Đặng Văn Hướng. Năm 1945, Cụ được bổ làm Tổng đốc Nghệ An (cùng thời gian đó, ông Đặng Thai Mai làm Tổng đốc Thanh Hóa).

Sau ba tháng làm Tổng đốc thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Trong bối cảnh đó, cha tôi hợp tác và bàn giao chính quyền cho cách mạng một cách êm thấm, để xảy ra điều gì đáng tiếc. Năm 1947, Bác Hồ thay mặt Đảng, Chính phủ mời một số trí thức, nhân sĩ ra giữ trọng trách một số bộ trong Chính phủ, trong đó có cha tôi, giữ chức Bộ trưởng không bộ. Thế nhưng, sự đời có những biến cố khôn lường”.

Ở tuổi 97 ông vẫn sử dụng vi tính và học tiếng Anh

Chúng tôi cất công tìm hiểu những tài liệu xung quanh vụ việc này. Được biết, năm 2009 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều vị tướng khác đã từng gửi thư cho Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Tổ chức Trung ương về việc “đề nghị với các đồng chí nên giao cho Bộ Nội vụ có văn bản xác nhận đối với cụ Đặng Văn Hướng. Cụ Đặng Văn Hướng có con là Đặng Văn Việt. Anh Đặng Văn Việt có tinh thần yêu nước, tham gia Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám ở Huế, sau đó vào quân đội, từng làm Trung đoàn trưởng trung đoàn 174, chỉ huy đơn vị lập chiến công vẻ vang trên đường số 4. Năm 1945, Cụ Đặng Văn Hướng là Tổng đốc Nghệ An, đã có thái độ tiếp đón, hợp tác, bàn giao chính quyền, bảo đảm cho cuộc ngành chính quyền của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Nghệ An được thuận lợi. Từ đó về sau Cụ đều đồng tình hưởng ứng các chủ trương của chính quyền cách mạng. Khi thành lập Chính phủ liên hiệp, Cụ được mời giữ chức Bộ trưởng không bộ của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo tôi cần xác nhận để nói lên thái độ đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta đối với Cụ, trân trọng Cụ Đặng Văn Hướng, một nhân sĩ có tinh thần độc lập và đáp ứng nguyện vọng của đồng chí Đặng Văn Việt cùng gia đình Cụ”.

Tiếp theo là Công văn số 01/BNV/CCVC về việc: “Xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hưóng của Bộ Nội vụ” gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An, huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn ký thay Bộ trưởng, ngày 3-1-2012. Nội dung công văn xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng, Bộ Nội vụ xác nhận: Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ mời một số trí thức, nhân sĩ ra giữ trọng trách một số bộ trong Chính phủ, trong đó có cụ Đặng Văn Hướng giữ chức Bộ trưởng không bộ.

Chia tay cụ Việt, trong tôi trào dâng niềm kính trọng cụ. Từ một sinh viên Y khoa, tương lai rộng mở, cụ sẵn sàng theo tiếng gọi của Bác Hồ, tạm gác chuyện học hành để đi làm cách mạng. Bao năm chinh chiến trở về đời thường, cụ vẫn sống cuộc sống đạm bạc, không một lần suy tính thiệt hơn. Ở tuổi 97, người lính già ấy vẫn miệt mài bên chiếc máy vi tính viết sách và để học thêm ngoại ngữ. Cuộc đời người chiến binh già ấy quả có nhiều điều đáng nói, đáng cho người đời học hỏi và làm theo!

Vũ Toàn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/chuyen-ve-nguoi-linh-gia-dang-van-viet/