Chuyện về người 'giữ lửa' cho núi rừng Buôn Mê

Ở Buôn Mê Thuột-vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ cà phê”, mọi nét văn hóa của đồng bào đều phảng phất dấu ấn của cây cà phê, hạt cà phê.

Hơn ai hết, chính các Già Làng là người đã cùng đồng bào giữ cây cà phê, văn hóa cà phê trong buôn làng như một cách “giữ lửa” cho núi rừng Buôn Mê.

Là vùng đất thánh của cà phê không chỉ nhờ hạt cà phê ngon trứ danh nhất đất Việt, mà còn bởi vì chính cà phê đã gắn liền với văn hóa, với đời sống hàng ngày, và đặc biệt là với chính tính cách của con người ở đất Buôn Mê.

Ở vùng đất Buôn Mê Thuột này, có những con người được trân quý gọi là Già Làng, là người “chép sử” của Buôn Mê, bởi cuộc đời ông cũng như bao người con của vùng đất đỏ bazan, từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác, muôn đời gắn kết với cà phê.

Tìm về xã Eakao - nơi có hồ Eakao giữ vai trò tưới tiêu mạch huyết cho hàng ngàn hecta cà phê ở vùng, tìm gặp Già Làng Y Đoan B’yă ở buôn Hwiê để nghe ông kể về cây cà phê của người Buôn Mê để thấy rằng, cà phê là một cái gì đó rất máu thịt với đồng bào.

Giữ cà phê như giữ đất, giữ nước

Già Y Đoan cho biết, ở buôn Hwiê có diện tích 220 hecta nhưng chỉ có vài chục hecta là đất thổ cư, còn lại là đất trồng cà phê. Nhà nào cũng trồng cà phê, ít thì vài hecta, nhiều thì vài chục hecta, đời nối đời, thế hệ nối thế hệ, không ai không trồng cà phê.

Già cho biết, cây cà phê du nhập vào vùng đất này từ rất lâu rồi, người dân sinh ra và lớn lên với cái nghề trồng cà phê từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy vậy, nghề này cũng lắm thăng trầm.

Nhớ lại những biến động của cây cà phê trên mảnh đất quê hương, Già đau đáu: “Tôi ở đây chứng kiến 2 thời điểm mà người dân phải phá cà phê đi rồi trồng lại vì rớt giá: năm 80 phá đi, năm 85 trồng tiếp rồi lại phá nữa, đến năm 90 lại khôi phục. Nhưng cây cà phê ở đây là chủ lực rồi, không sống với cà phê thì không sống với cái gì được hết nên phải giữ cà phê như giữ đất, giữ nước.”

Và để bà con có thêm thu nhập trên chính mảnh đất của mình cũng như để giữ được cây cà phê, Già cũng vận động mọi người trồng xen canh tiêu, điều, cà ri trong lúc chờ cà phê thu hoạch.

Đất đỏ bazan và cái nắng, cái gió xứ Buôn Mê đã ưu đãi cho cây cà phê phát triển nhưng Già cho biết, trồng cà phê vẫn rất cực. Khó nhất là nước, không có nước, cây cà phê sẽ khô cháy, không ra hoa, kế đến là công chăm, hái, tỉa cành, trừ sâu, thu hoạch, phơi sấy.

Khi hái thì phải chọn những trái chín mọng mới ngon, để nguyên vỏ phơi hoặc dập (lấy vỏ mềm) cho mau khô, nếu trời mưa thì sấy, không được để hạt cà phê đen. Tuổi thọ của cây cà phê là 50 năm, cây nào già đi, chết khô thì bà con lại chọn giống, gieo cây mới, vòng xoay cứ thế tiếp nối từ đời này sang đời khác.

Cực là vậy, chưa kể đôi lúc giá cả bấp bênh nhưng chẳng ai muốn bỏ trồng cà phê. Với buôn làng, trồng cà phê không đơn thuần chỉ là kế sinh nhai, mà nó còn là chất gắn kết giữa những người con đất Buôn Mê này, Già kể: “Cứ mỗi lần đến mùa thu hoạch cà phê, buôn vui như hội.

Năm nào giá cao là ăn mừng, mở tiệc, tập trung ở nhà dài, đánh điệu cồng chiêng, quây quần uống rượu cần, ăn cơm lam. Bao nhiêu nét văn hóa đẹp hội tụ nhờ cây cà phê này.”

Trăn trở về một bản sắc cà phê Buôn Mê

Nói về vị cà phê Buôn Mê, trong đáy mắt Già Làng lấp lánh niềm tự hào khó tả. “Cà phê ở Đăk Lăk này, Buôn Mê này là ngon nhất rồi. Hạt thì chắc, vị thì thơm đậm nồng, không lẫn được.

Lúc tham quan các tỉnh phía Bắc do Ủy ban thành phố tổ chức, tôi có mang theo cà phê Buôn Mê, đến hội nghị lấy ra pha, ai cũng khen nức nở. Tôi mang ra làm quà thì ai cũng ưng. Tôi còn đến quán, đến nhà hàng để tặng cho người ta. Phải để người ta biết đến cà phê Buôn Mê chứ.” – Già tự hào.

Ở cái đất Buôn Mê này, thì việc uống cà phê đã trở thành cái bản sắc, cái đẹp đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của người dân. Chính cái hương vị cà phê mộc mạc ấy đã thể hiện rất rõ tính cách mang đậm chất Buôn Mê của những người con của núi rừng, đầy phóng khoáng và chân thành. Tại buôn Hwiê của Già Làng Y Đoan thì hầu như nhà nào cũng có cất trữ cà phê, vừa để uống, vừa mời khách, mộc mạc, chân tình đúng chất Buôn Mê.

Cà phê Buôn Mê không đơn thuần là một thức uống mà còn là di sản của người Việt nhưng tiếc rằng, nó vẫn chưa có được vị trí xứng đáng trong bản đồ “thưởng ẩm”. Nhiều người Việt chưa được thử, thậm chí còn chưa biết đến vị ngon nguyên bản của cà phê Buôn Mê.

Nhắc đến điều này, ở cái tuổi gần 70, Già Y Đoan cũng trăn trở không ít: “Buôn làng giữ đất, giữ nước, giữ cây cà phê như giữ hồn của núi rừng, mong sao thế hệ con cháu vẫn tiếp nối và trân trọng cây cà phê, hạt cà phê Buôn Mê. Và cũng mong toàn cộng đồng chung tay quảng bá, nâng cao giá trị cà phê Buôn Mê.”

Chắt lọc đưỡng chất từ miền đất đỏ bazan màu mỡ hơn 9 tháng nắng mưa, những hạt cà phê Buôn Mê Thuột được phơi khô tự nhiên trong nắng mà không sấy công nghiệp. Chính điều đó tạo nên hương vị trứ danh của một trong những ly cà phê ngon nhất Việt Nam.

Vinacafe Original Buôn Mê Thuột 3 in 1 Mới - Tuyển chọn từ 100% hạt cà phê Buôn Mê Thuột, kết hợp bí quyết rang truyền đời của các nghệ nhân Vinacafe, mang đến ly cà phê ngon đúng chất: thơm nồng từng ngụm nhỏ - đắng đậm ngay đầu lưỡi – ngọt thanh nơi cổ họng.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/an-ngon/chuyen-ve-nguoi-giu-lua-cho-nui-rung-buon-me-3322144/