Chuyện về người chèo đò 31 năm ở làng 'đu dây' giữa lòng Hà Nội

Có một cây cầu là ước mong của người dân thôn Thạch Nham, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội từ gần 100 năm nay.

Ngày hai lần, những người dân thôn Thạch Nham, Mỹ Hưng, Thanh Oai đi đò đu dây qua con sông Nhuệ để kiếm sống rồi lại trở về nhà. Đối với họ, việc đứng ngồi trên con thuyền gỗ tròng trành đã trở thành cơm bữa.

Ông Hoàng Xuân Thường, 69 tuổi, người đã 31 năm chở đò tại bến sông này cho biết: Từ thời kháng chiến chống Pháp, người dân nơi đây đã đu dây sang sông. Ngày thường, chiếc đò có thể đến 25 người đi bộ, hoặc 16 người đi xe đạp. Nhưng khi nước lớn thì ông chỉ có thể chở 6-7 người đi xe đạp hoặc 3 người đi xe máy.

Ông Thường cho biết: "Dẫu biết rằng chở đò bằng cách đu dây thế này là nguy hiểm nhưng người dân không biết làm sao. Bởi con đường đi vòng thì tốn thêm đến 4km nữa".

Những người đi đò qua đây chủ yếu là những người lao động nghèo, qua sông để buôn đồng nát hay làm thuê, làm mướn.

Hoàng Thị Lan, 60 tuổi cho biết: "Từ 30 năm nay tôi đã đi đò đu dây qua con sông này để buôn đồng nát. Nhiều lần tôi chứng kiến những người dân sơ ý bị ngã cả người lẫn xe xuống sông. May mắn là họ đều biết bơi nên không ai chết đuối".

Ông Thường và những người bán đồng nát chia sẻ về việc đi lại hằng ngày của họ

Xem những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được trong một buổi sáng của người chèo đò này:

Đu dây qua sông đã trở thành chuyện thường nhật với người dân thôn Thạch Nham, xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội từ gần 100 năm nay

Ông Hoàng Xuân Thường có thâm niên chở đò được 31 năm

Khách hàng quen thuộc của ông là khoảng 40 người phụ nữ buôn đồng nát

8h hàng ngày ông chở họ qua sông, 2h chiều lại chở về

Với hai lượt đi và về, ông thu 5 nghìn một xe máy, 3 nghìn một xe đạp và 2 nghìn với người đi bộ

Trước đây có rất nhiều học sinh đi trên con đò này, nhưng bây giờ các em chọn cách đi đường vòng hoặc ở nội trú

Nên hầu hết khách đi qua đò này là người dân lao động nghèo

Sau khi đi chợ đồng nát, các bà các chị tranh thủ mua củi, mua rau về cho bữa tối

Ông Thường cho biết, mặc dù viêc di chuyển này có phần nguy hiểm, nhưng trong hơn 30 năm chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào. Nhưng những người lao xe xuống sông, bị ngã khi đang ngồi trên thuyền thì không đếm hết.

Hai bên bờ sông là những con dốc cao

Đường đi về là công trường xây dựng trạm bơm. Bên đường đã bị khoét sâu nhưng không có rào chắn

Cách đó hơn 1km là một bến đò khác cũng từng đu dây qua sông nhưng nay, một cây cầu đang được xây dựng

Khi cầu hoàn thiện xong, những người dân ở bến đò này có thể đi vòng qua đây. Tuy vẫn phải đi vòng nhưng chặng đường đã được rút ngắn đáng kể.

Và chiếc đò cũ giờ nằm im lìm trong nắng mưa.

Ông Thường cho biết: khi cầu xây xong, rất có thể ông sẽ về nghỉ ngơi sau 31 năm cần mẫn.

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/cau-chuyen-ve-nguoi-cheo-do-31-nam-o-lang-du-day-giua-long-ha-noi.html