Chuyện về gia đình tam đại đồng đường ở Cuba tôn kính lãnh tụ Fidel Castro

Đã có rất nhiều lãnh đạo, ngôi sao bóng đá và ca sĩ nổi tiếng trên thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương sau khi nhận được tin lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời. Đặc biệt là những gia đình đang sống ở Cuba.

Báo The Guardian (Anh) mới đây đã có bài về gia đình Torres, hiện đang sống tại khu San Miguel del Padron ở thủ đô Havana (Cuba). Họ ký tên vào sổ tang của cố lãnh tụ, cử một người thân đến lễ truy điệu diễn ra tại Quảng trường Cách mạng và theo dõi từng chi tiết của quốc tang kéo dài 4 ngày.

Người lớn tuổi nhất trong gia đình, bà Nora Torres, là người truyền bá quan điểm chính trị của mình cho gia đình. Nay đã bước sang tuổi 86, bà đã ủng hộ ông Castro kể từ khi ông là một người lãnh đạo đội quân nổi dậy chống chế độ độc tài Fulgencio Batista.

Sinh ra tại một ngôi làng nhỏ gần thành phố Santiago (Cuba), bà Torres là một trong số 10 anh chị em nghèo khó và mồ côi cha mẹ khi đến tuổi trưởng thành.

Năm 1956 bà cùng chồng mình chuyển đến sống ở khu vực kế cận và mở một tiệm cắt tóc, thế nhưng ngôi nhà mới của họ sớm trở thành chiến trường, buộc họ phải đào hầm trú ấn trong sân nhà.

Mọi người trong khu vực đều ủng hộ quân nổi dậy và cho phép các thành viên được tạm trú, cung cấp lương thực, sửa lại quần áo và dưỡng thương.

“Nếu bị phát hiện, tất cả chúng tôi sẽ bị giết. Chúng tôi vẫn làm vậy bởi chúng tôi không thể chịu sự chà đạp của quân độc tài nữa”, bà Torres nhớ lại và kể lại một lần quân đội của Batista giết hại hai người trẻ tuổi trong làng, chém bị thương anh trai bà và thường xuyên cướp của dân thường.

Năm 1959, khi quân nổi dậy giành chiến thắng, bà đã cùng hàng trăm ngàn người đổ xuống đường và hô vang “Fidel muôn năm” và “Cuba Tự do”.

“Từ đó đến nay chắc tôi đã phải hô những khẩu hiệu đó hàng triệu lần” - Bà Torres cười. Những năm tiếp theo, thay đổi diễn ra nhanh chóng.

“Chúng tôi nhận được những gì mình muốn: không còn cảnh quân đội đàn áp người dân nữa, và một chính phủ giúp dân đã ra đời”. Bà chuyển đến sống tại thị trấn Contramaestre, tham gia sửa chữa một bệnh viện. Năm 1962, khi "sự kiện tên lửa ở Cuba" xảy ra, tất cả đàn ông đều vào quân đội, bà cùng hàng triệu phụ nữ vào nhà máy sản xuất.

Trong suốt 50 năm qua, có những thời khắc khó khăn cho Cuba. Giống như nhiều người khác, bà Torres cũng đã bị đói sau khủng hoảng năm 1962 cũng như “thời kỳ đặc biệt” vào thập niên 1990 sau khi Liên Xô tan rã.

Lãnh tụ Fidel Castro, ảnh chụp năm 1961.

Bà luôn nói về những lợi ích mà mình đã được hưởng. Bà hiện có một căn nhà xây bằng gạch ở thủ đô Havana được lắp đặt mạng lưới điện đầy đủ, cũng như việc bà cùng năm người con và 11 người cháu được chăm sóc y tế và giáo dục miễn phí.

Nếu không có lãnh tụ Castro, bà tin rằng bà sẽ không có được như ngày hôm nay. “Công lao lớn nhất của ông nằm ở lĩnh vực giáo dục, y tế và sự bình đẳng. Những người da đen chúng tôi trước đây bị người da trắng kỳ thị, nhưng giờ đây ai cũng như nhau”, bà Torres nói.

Bà Torres tin rằng nếu không có lãnh tụ Castro, mọi chuyện sẽ rất xấu. “Anh không thể quên được những người đã làm phúc cho mình. Tôi sẽ nhớ đến ông ấy, tôi biết ơn cuộc khởi nghĩa, bởi nó tạo cơ hội cho con tôi có được công ăn việc làm ổn định” - Bà kết luận.

Con trai bà, ông Ernesto Perez Torres có ký ức khá mù mờ về cuộc chiến, nhưng ông cũng là một trong những người được hưởng lợi từ cuộc cách mạng khi ông tốt nghiệp bằng đại học nông nghiệp.

Khi chiến sự nổ ra, ông mới chỉ có 4 tuổi. Ông vẫn còn nhớ loáng thoáng về các cuộc không kích và những lần phải sơ tán lên núi trên lưng ngựa. Sau cuộc khởi nghĩa, ông là một trong người thuộc thế hệ đầu tiên được giáo dục miễn phí đến bậc đại học.

Năm 17 tuổi, ông được lên thủ đô Havana để theo học ngành nông nghiệp. Các thầy dạy của ông bao gồm các chuyên gia đến từ Liên Xô và Đông Âu.

Sau đó ông cũng trở thành một thầy giáo, gia nhập Đảng Cộng sản Cuba và thường lắng nghe các buổi diễn thuyết của lãnh tụ Castro tại Quảng trường Cách mạng ở thủ đô.

“Những bài nói của ông ấy khiến tôi tràn đầy hi vọng. Ông ấy là một người thầy và ông ấy có chung quan điểm với chúng tôi" - Ông Ernesto nói.

“Đến nay tôi vẫn coi mình là một chiến sĩ cách mạng. Theo tôi chúng ta không nên bị động trước sự thay đổi. Chúng ta nên thu thập thông tin và gia tăng hiểu biết của mình. Chúng ta nên rèn luyện tính cách của mình và tự nâng cao bản thân để có thể làm tấm gương cho nhiều người noi theo”.

Ông cũng thừa nhận rằng sau khi Liên Xô tan rã, đất nước đã trải qua một thời kỳ khó khăn. “Chúng tôi không có xà phòng, không có thuốc đánh răng và phải làm sạch răng bằng muối. Chúng tôi thiếu rất nhiều thứ” - Ông nhớ lại.

Chính phủ Cuba đã khuyến khích người dân thành lập những doanh nghiệp tư nhân nhỏ. “Chúng tôi phải thích nghi với tình hình. Chúng tôi trồng rau quả và nuôi lợn, gà ở sân sau để có thức ăn”.

Giống như phần lớn những người Cuba khác, ông Ernesto, nay đã 62 tuổi, làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống nuôi gia đình. Nghề tay trái của ông là lái xe, thợ mộc và bán hàng thủ công.

Nhờ đó, ông kiếm được khoản thu nhập gấp 3 đồng lương 600 peso (tức 30 USD) mỗi tháng khi ông làm phó chủ tịch một hợp tác xã nông nghiệp. Dù vậy, cuộc sống nhìn chung vẫn khó khăn.

Sư ra đi của lãnh tụ Castro là mất mát lớn đối với người dân Cuba cũng như của thế giới.

Thế hệ trẻ ở Cuba thì lại không chấp nhận những khó khăn đó. Vài người cháu của bà Torres đang học tiếng Anh để họ sau này có thể tìm cơ hội chuyển đến sống ở những quốc gia phát triển khác. Nhờ hệ thống giáo dục của Cuba, họ được trang bị những kỹ năng để có thể sống ở nước ngoài và kiếm được nhiều tiền.

Con gái ông Ernesto, cô Elizabeth, hiện là một bác sĩ khoa nhi, mỗi tháng kiếm được khoảng 900 peso (45 USD). Trước đây cô được ra nước ngoài một lần khi cô có chuyến công tác tại Venezuela trong hai năm, và hiện đang có dự định chuyển đến sống tại Brazil.

“Tôi rất biết ơn cách mạng. Gia đình nhỏ của chúng tôi đã được rất nhiều thứ nhờ những cơ hội mà cách mạng mang lại. Tất cả chúng tôi đều tốt nghiệp đại học, điều mà chúng tôi có thể sẽ không có được ở một số nước khác. - Cô nói - Nhưng tôi là người độc lập. Tôi làm tất cả mọi thứ cho gia đình mình. Nếu tôi có thể kiếm thêm tiền ở nhiều nơi khác, tôi rất sẵn sàng”.

Nhiều thanh niên Cuba chưa bao giờ được gặp tận mặt lãnh tụ Castro. Trong những năm trở lại đây ông dành phần lớn thời gian nghỉ dưỡng tại nhà của mình ở ngoại ô Havana.

Họ trưởng thành khi em trai ông là Raul Castro đã tiến hành những cuộc cải cách kinh tế có chừng mực, mở ra cơ hội được ra nước ngoài và khôi phục quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Điều này đã khiến nhiều người hi vọng rằng kinh tế đất nước sẽ phát triển, rào cản sẽ được gỡ bỏ, hệ thống mạng internet nhanh hơn và rẻ hơn.

Tuy nhiên họ không muốn mất những lợi ích mà mình được hưởng từ nhà nước hiện tại. So với các quốc gia Mỹ Latinh khác, Cuba có tỉ lệ người biết chữ rất cao, dân số khỏe mạnh, tỉ lệ tội phạm thấp và có sự đoàn kết vững chắc giữa người và người.

Vấn đề trong tương lai sẽ là, làm sao để có thể giữ gìn những lợi ích mà lãnh tụ Castro đã tạo ra, đồng thời loại bỏ những khiếm khuyết còn tồn đọng.

Cô Maria Isabel Perez, một người cháu khác của bà Nora Torres đã hoàn tất bằng tốt nghiệp ngành luật vài năm trước. Hiện cô đang làm việc cho văn phòng chính quyền địa phương để trả ơn cho những gì mà chính phủ Cuba đã làm. Cô hi vọng rằng trong tương lai mình sẽ trở thành một luật sư thực thụ, đứng trước tòa và đối chất để bảo vệ thân chủ của mình.

Mặc dù cô chỉ một lần được nghe lãnh tụ Castro phát biểu, song khi ông qua đời, cô cùng gia đình bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc. “Fidel là lãnh tụ của cuộc cách mạng. Nhờ những thay đổi mà ông ấy mang lại, gia đình tôi mới được phát triển” - Cô nói.

“Tôi mong những người trong chính phủ sẽ đưa đất đi theo hướng mà ông ấy mong muốn. Tôi hi vọng rằng chúng tôi có thể tiếp tục đi theo con đường mà Fidel đã chọn”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/chuyen-ve-gia-dinh-tam-dai-dong-duong-o-cuba-ton-kinh-lanh-tu-fidel-castro-2646273-l.html