Chuyện về Anh hùng Ngô Mây

QĐND - Nhân dịp ra mắt bạn đọc cuốn hồi ký “Một đời quân ngũ” -Nhà xuất bản QĐND, Thiếu tướng Đoàn Y Thanh, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5 đã kể về những cảm xúc khi viết cuốn sách này. Trong đó, ông nhắc lại nhiều lần trường hợp hy sinh anh dũng của Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Mây và Đại đội Quyết tử năm xưa.

Theo dòng hồi ức của Thiếu tướng Đoàn Y Thanh, năm 1947, Trung đoàn 94 làm nhiệm vụ bảo vệ tỉnh Bình Định, hoạt động lên Gia Lai, kết hợp giữa bảo vệ vùng tự do với tiến công vùng sau lưng địch. Đại đội Quyết tử được thành lập và trực thuộc trung đoàn. Khoảng tháng 7 năm đó, Đoàn Y Thanh nhận quyết định làm Chính trị viên Đại đội Quyết tử; đồng chí Quách Tử Hấp làm đại đội trưởng. Nhớ về trận đánh của Đại đội Quyết tử tại cầu Suối Vối, nơi Anh hùng Ngô Mây đã ôm bom lao vào xe bọc thép của địch, Thiếu tướng Đoàn Y Thanh bùi ngùi: “Ngô Mây quê ở xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo làm nghề dệt và bán chiếu. Cha chết sớm, anh ở với mẹ. Ngô Mây có dáng người cao lớn, tóc húi cua, có lúc cạo trọc, mặt chữ điền, ít nói, nhưng có cặp mắt hay cười. Anh rất vui tính, cả đơn vị chúng tôi ai cũng quý anh”. Dẫu đã hơn sáu thập kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ về người đồng chí ôm bom lao vào xe thiết giáp địch, cựu Chính trị viên Đại đội Quyết tử vẫn chưa nguôi xúc động. Từ khi nhập ngũ về đơn vị này, do thiếu súng nên Ngô Mây nhận giữ một quả bom. Lúc Đại đội trưởng Hấp đi chuẩn bị chiến trường về, ngoài những công việc chuẩn bị cho trận đánh, còn có một việc quan trọng là chọn chiến sĩ cảm tử ôm bom lao vào xe giặc. Ngô Mây đã tình nguyện nhận nhiệm vụ này. Khoảng 8 giờ ngày 20-10-1947, đài quan sát báo tin có địch. Một lát sau, tiếng xe thiết giáp vọng đến trận địa phục kích nghe ù ù. Gió thổi tan bụi đường. Bốn chiếc xe GMC chở lính Âu Phi từ hướng An Khê chạy lên lần lượt hiện ra trước mắt cán bộ, chiến sĩ Đại đội Quyết tử. Chúng chưa kịp dừng hẳn đã bị trung liên chặn đầu cùng với 3 tổ súng trường bắn tập trung đồng loạt của ta nổ giòn. Nhưng do hỏa lực yếu, diễn biến chiến đấu có chiều hướng bất lợi cho ta. Khẩu trung liên của bộ phận chặn đầu bị hỏng, chữa xong và cũng chỉ còn 6 viên. Trong khi đó, súng trường đã hết đạn. Đội hình xung phong mới chạy lên được khoảng 40 mét phải dừng lại, một số đồng chí đã bị thương. Đơn vị lui về phía sau khoảng 400 mét để bảo toàn lực lượng. Lúc này, tiếng xe thiết giáp lại ì ì vọng vào. Chưa đầy 5 phút sau, một chiếc xe AM lù lù dừng giữa trận địa. Tiếng súng hai bên im dần. Chỉ huy đại đội cử một tổ trinh sát leo lên cây quan sát. Chiếc xe bọc thép mới đến, đứng giữa 4 xe GMC, gần như chụm lại, mỗi xe cách nhau khoảng 10 đến 15 mét. Địch đứng lố nhố khá đông quanh xe AM, mặt quay về hướng ta thu quân. Tên chỉ huy đứng trên xe AM, quát lớn: “Ou Ca Việt Minh?” (Việt Minh đâu?). Gần như lập tức chúng nhận được câu trả lời: “Việt Minh đây!” và kèm theo tiếng nổ rền trời đất. Tiếng bom Ngô Mây đã xoay chuyển tình thế chiến đấu. Chớp thời cơ, bộ đội ta đồng loạt xung phong. Địch hỗn loạn tháo chạy về phía bên kia đường. Trong phút chốc, quân ta đã làm chủ chiến trường. Chiến thắng của Đại đội Quyết tử tại cầu Suối Vối năm ấy luôn hằn sâu trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ. Một trận đánh nhỏ nhưng hành động chiến đấu dũng cảm của Anh hùng Ngô Mây đã góp phần tô thêm truyền thống đấu tranh bất khuất của thế hệ thanh niên Việt Nam thời đánh Pháp. Thiếu tướng Đoàn Y Thanh kể: “Sau đó đơn vị chúng tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen và đó là niềm vinh dự chúng tôi vẫn thường nhắc cho đến hôm nay". Bài và ảnh: Sỹ Long

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/52/52/149273/Default.aspx