Chuyện tình nghĩa ở Thông tấn xã Việt Nam

Hơn 260 nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã hy sinh; hàng chục nhà báo đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Đó là mất mát to lớn, nhưng cũng là niềm tự hào, góp phần bồi đắp truyền thống vẻ vang của TTXVN.

Từ nhiều năm nay, cứ vào dịp tháng 7, ngôi nhà nhỏ của bà Phương Bích Ngân ở quận Long Biên, TP Hà Nội, lại đón nhiều cán bộ, phóng viên TTXVN đến thăm hỏi, tặng quà và thắp hương cho chồng bà-nhà báo, liệt sĩ Thẩm Đức Hòa, hy sinh năm 1967 tại Mặt trận phía Tây Thừa Thiên-Huế. Mỗi dịp như thế, những câu chuyện về ông vẫn được bà kể lại trong niềm xúc động: "Những bức thư anh gửi cho tôi trong chiến tranh là nguồn động viên và là kỷ vật vô giá. Tôi nhớ mãi một bức thư anh viết, có đoạn: “Chúng ta xa nhau tạm thời để gần nhau mãi mãi, khắc phục khó khăn tạm thời để hạnh phúc mãi mãi”. Lời dặn dò của anh đã đem lại niềm tin, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn và cả nỗi đau khôn tả khi biết tin anh hy sinh".

Tổ công tác TTXVN cùng người dân địa phương trong chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của TTXVN tại Cam-pu-chia, năm 2002. Ảnh tư liệu.

Chị Đỗ Mai Khanh ở quận Đống Đa, TP Hà Nội, con gái của nhà báo, liệt sĩ Đỗ Văn Nhân (hy sinh tại chiến trường Khu 5), xúc động chia sẻ: "Bố tôi ra đi khi tôi còn rất nhỏ. Thấu hiểu khó khăn đó, hằng năm, cơ quan TTXVN vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên. Nhờ sự hỗ trợ của cơ quan mà hài cốt của bố tôi cũng đã được tìm thấy, đưa về với quê hương, gia đình".

Bà Bích Ngân và chị Mai Khanh là hai trong số rất nhiều thân nhân các nhà báo-liệt sĩ thường xuyên nhận được sự quan tâm, đùm bọc của cơ quan TTXVN suốt hàng chục năm qua. Trong lịch sử 72 năm xây dựng và phát triển, TTXVN đã đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt. Hơn 260 nhà báo của TTXVN đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; gần 30 đồng chí bị thương; nhiều đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học. Trong đó phải kể đến nhà báo Trần Kim Xuyến, lãnh đạo đầu tiên của TTXVN, đại biểu Quốc hội khóa I, đã hy sinh ngay trong những tháng đầu tiên Toàn quốc kháng chiến (tháng 3-1947) khi tuổi đời còn trẻ. Đồng chí Bùi Đình Túy, Phó giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, hy sinh anh dũng tại Bình Long năm 1967. Nhà báo Lương Nghĩa Dũng hy sinh trong Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, với những tác phẩm ảnh để đời, vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 5 (năm 2017). Hai anh em nhà báo Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn, là những phóng viên thông tấn xã duy nhất có mặt trong trận Ấp Bắc (tháng 1-1963); hai cha con nhà báo Trần Bỉnh Khuôl (tức Hai Nhiếp) và Trần Văn Dũng, phóng viên ảnh, đều hy sinh vì sự nghiệp thông tấn. Nhà báo Trần Ngọc Đặng được tuyên dương “Dũng sĩ diệt xe tăng” trong trận chống càn Gian-xơn Xi-ti. Nhà báo Trương Thị Mai là cán bộ được đào tạo ở Liên Xô về, từ Tổng xã Hà Nội được cử vào chiến trường Trung Nam Bộ, dù bị địch bắt và tra tấn dã man vẫn kiên quyết không khai báo, chấp nhận hy sinh...

Tri ân những người con đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc nói chung, cho ngành thông tấn nói riêng, trong nhiều năm, TTXVN đã cử nhiều đoàn cán bộ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ suốt từ Bắc vào Nam. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, TTXVN đã quy tập được 30 hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2000 đến nay, có thêm 9 phần mộ được tìm thấy và đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Riêng địa bàn Cam-pu-chia, TTXVN đã ba lần cử cán bộ sang tìm kiếm. Danh sách liệt sĩ của TTXVN đến nay vẫn đang tiếp tục được cập nhật, bổ sung.

Hằng năm, TTXVN đều phát động quyên góp một ngày lương trong cán bộ, viên chức để xây dựng nhà tình nghĩa, lập sổ tiết kiệm tặng các gia đình thương binh, liệt sĩ (TB-LS). Từ năm 1995 đến nay, TTXVN đã vận động xây dựng được 10 nhà tình nghĩa, trao gần 600 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng tặng các gia đình TB-LS của ngành; góp tiền xây dựng bia tưởng niệm các nhà báo tại miền Trung, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ xây, sửa nhà, xây nhà thờ tộc để hương khói cho liệt sĩ; chăm lo, động viên các đồng chí thương binh, các cán bộ là con liệt sĩ…; đóng góp cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương gần 2 tỷ đồng. Quỹ "Vì nỗi đau da cam" của TTXVN đã trao hàng nghìn phần quà, 110 xe lăn, hơn 50 nhà tình nghĩa tặng các gia đình TB-LS, nạn nhân chất độc da cam, với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Ngày 17-6-2017, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS, tên của nhà báo-liệt sĩ Trần Kim Xuyến được đặt tên cho một đường phố mới tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Như vậy đến nay, trong số 4 con đường mang tên các nhà báo của TTXVN trong cả nước, có ba con đường mang tên các nhà báo-liệt sĩ là: Phố Trần Kim Xuyến ở Hà Nội; đường Trần Kim Xuyến ở Hà Tĩnh và phố Bùi Đình Túy ở TP Hồ Chí Minh. Nhân "Tháng đền ơn đáp nghĩa" năm 2017, TTXVN đã phát động trao 60 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 180 triệu đồng tặng các gia đình TB-LS của ngành thông tấn; đóng góp để xây tặng 2 căn nhà tình nghĩa tại Quảng Trị. Dịp này, lãnh đạo TTXVN cùng các đoàn thể, Ban biên tập, tòa soạn báo, các cơ quan khu vực, cơ quan thường trú tại các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức các đoàn thăm hỏi gia đình TB-LS; dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ địa phương...

CẨM LINH

Tổ công tác TTXVN cùng người dân địa phương trong chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của TTXVN tại Cam-pu-chia, năm 2002. Ảnh tư liệu

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/chuyen-tinh-nghia-o-thong-tan-xa-viet-nam-512966