Chuyện tình Hung - Việt

Mối tình đẹp như thơ của họ bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đang leo thang khốc liệt.

Khi Attila còn bé, cậu không khỏi ngạc nhiên thấy mình có đôi mắt và mái tóc đen trong khi bố mẹ và hai đứa em trai đều tóc vàng óng và cặp mắt xanh. Dù vậy nhưng cậu không dám hỏi ai. Cậu không biết rằng mình là con của mẹ với một người đàn ông Việt Nam ở rất xa mẹ con cậu. Mãi tới năm 21 tuổi, Attila mới được gặp cha ruột mình tại Việt Nam và được nghe kể về câu chuyện tình của “ba Thành, mẹ Judit”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và mẹ con Sáli Judit. Ba của Lê Mỹ Attila là ông Lê Mỹ Thành, người gốc Quảng Ngãi và mẹ là bà Sáli Judit, một phụ nữ Budapest. Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên Thành nhà nghèo, mồ côi mẹ sớm. Nhưng anh học rất giỏi và được Nhà nước gửi sang Hungary du học vào năm 1967. Còn Sáli Judit, cô gái tóc vàng xinh đẹp của TP Budapest, năm ấy mới 15 tuổi. Đó là những năm tháng Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam và đất nước nhỏ bé ở Đông Nam Á trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng trong mắt bạn bè quốc tế. Judit có một cô bạn gái người Việt, cô thường được rủ đến chơi ký túc xá của các bạn Việt Nam. “Họ kể nhiều cho tôi nghe về tổ quốc Việt Nam của họ đang chìm trong khói lửa chiến tranh” - bà Sáli Judit hồi tưởng trong một “câu chuyện qua thư” với Pháp Luật TP.HCM. “Tôi học được một điệu múa Việt Nam và cũng mò mẫm học tiếng Việt. Rồi tôi học đan vì như tôi còn nhớ, các cô gái Việt Nam luôn đan áo len. Họ còn để tóc dài và búi lên, và vì tóc tôi cũng dài, tôi cũng bắt chước họ búi tóc...”. Một bận, một ký túc xá tổ chức chiếu phim cho sinh viên và Judit tham dự. Phim về đề tài chiến tranh, khi xem, nhiều lần Judit bật khóc vì xúc động. Lê Mỹ Thành - một trong các khán giả - đã để ý đến cô và lại gần chỗ cô ngồi. Cả hai cùng trò chuyện và tình yêu đã đến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Lúc đó là cuối năm 1968, Thành 19 tuổi, Judit mới 16. Chia cắt Judit đưa Thành về nhà và bố mẹ cô cũng rất yêu mến chàng trai trẻ Việt Nam. “Tôi tiếp xúc nhiều với các bạn Việt Nam, học được của họ nhiều thứ và biết nhiều thông tin về cuộc chiến, về những đau khổ mà đất nước này phải chịu trong chiến tranh” - Judit kể lại. “Vì thế, tình yêu của tôi với một chàng trai Việt Nam đến rất bình thường, không có gì khó hiểu”. Và Thành cũng vậy, anh có lý do gì để không yêu say đắm người con gái nhạy cảm, dễ thương, người đã yêu Việt Nam như yêu tổ quốc thứ hai của cô? Nhưng thời ấy Nhà nước quản lý sinh viên du học rất chặt chẽ. Họ bị cấm yêu đương, quan hệ tình cảm với người nước ngoài thì lại càng không. Judit và Thành buộc phải hoàn toàn giữ kín tình cảm của mình. Họ cũng may mắn được bạn bè ủng hộ, “bao che”. Thời gian trôi đi, đôi trai gái càng ngày càng cảm thấy muốn sống trọn đời với nhau. Họ nghe ai đấy nói rằng ở Liên Xô lúc đó có một chàng trai Việt Nam yêu một cô gái Xô Viết và khi cô gái có thai, họ đã được phép thành hôn với nhau. Judit bàn với Thành, họ sẽ có với nhau một đứa con và Đại sứ quán Việt Nam sẽ cho phép hai người kết hôn. Và với suy nghĩ ấy, họ trao cho nhau tất cả. Sau này, bà Judit kể lại: “Chúng tôi chờ cho đến khi đã “thấy bụng”, sau đó hai đứa lên Bộ Tư pháp Hungary và Đại sứ quán Việt Nam để xin được kết hôn. Bộ nói rằng sẽ cấp giấy cho phép anh Thành được cưới tôi làm vợ (đây là điều mà Việt Nam không cho phép anh ấy). Rồi chúng tôi qua Đại sứ quán Việt Nam, ở đấy mọi người bảo sẽ xét và giúp, v.v... Rất hạnh phúc, anh Thành về ký túc xá, còn tôi về với cha mẹ. Bộ còn nói rằng chúng tôi sẽ nhận được giấy phép qua đường bưu điện sau 2-3 ngày. Cha mẹ tôi cũng mừng rỡ vì thời đó việc có cô con gái có thai khi chưa làm lễ thành hôn là một nỗi hổ thẹn lớn. Nhưng rốt cục ông bà cũng hiểu rằng tôi yêu anh Thành”. Thế rồi, cả chiều 27-1-1972, Judit chờ Thành mãi mà không thấy anh. 7 giờ tối, cô điện thoại về ký túc xá nơi anh ở, người thường trực nói rằng một thanh niên Việt Nam đã bị đưa đi khỏi ký túc xá đêm hôm trước để chuyển về nước rồi. Khi đó, Judit đã có thai bảy tháng. “Con là con của ba Thành” Judit tìm đủ cách để giành lại người mình yêu. Tháng 6-1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Hungary. Biết được tin này, bất chấp tiết trời rất nóng nực, cô bế đứa con trai nhỏ ra tận sân bay Ferihegy (Budapest). Trước đám đông là một hàng rào cảnh sát, người chật như nêm cối. Và rồi khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất hiện ở cửa máy bay, Judit vẫn ôm Attila trên tay, lách qua hàng rào và chạy đến chỗ Thủ tướng đứng. Sáli Judit và con trai Lê Mỹ Attila thời còn bé. “Các vị nguyên thủ quốc gia Hungary cũng đều ở đấy, rồi Đại sứ quán Việt Nam v.v… nhưng tôi là người đầu tiên chạm vào Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi liến thoắng bằng tiếng Việt và kể cho ông nghe về câu chuyện của chúng tôi. Mọi người xung quanh, kể cả các cảnh sát đều sững sờ và không ai nói được câu gì!”. Thủ tướng tươi cười nắm tay người mẹ trẻ. Bức ảnh đó được một tờ báo, tờ Phụ nữ Hungary, số phát hành ngày 14-6-1973 ghi lại. Nhưng hoàn cảnh đất nước khi ấy - chiến tranh, tình hình chính trị, những khó khăn về liên lạc - đã không ủng hộ mối tình của họ. Ở Hungary ngày ấy, việc một phụ nữ “không chồng mà có con” là điều rất khó chấp nhận. Cả Judit lẫn bố mẹ cô đều phải chịu đựng nỗi đau và sự hổ thẹn. Năm 1974, cô cưới chồng, một người bạn học cũ. May mắn cho Attila, bố dượng và cả hai đứa em sau này đều rất yêu quý cậu bé. Còn Lê Mỹ Thành, trở về Việt Nam, anh cũng cố làm mọi cách để có thể trở lại Hungary. Nhưng bị kỷ luật và đuổi học, đối với anh, tương lai đã khép lại. Anh ra ga Hàng Cỏ làm bốc vác ba ngày để có tiền gọi điện thoại một lần cho Judit. Sau khi bán nốt chiếc xe đạp - tài sản cuối cùng sau chuyến du học đứt đoạn - để lấy tiền mua vé tàu hỏa sang Budapest, anh tuyệt vọng được cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết Judit đã lấy chồng. Hai người không thể tiếp tục liên lạc với nhau nữa. Bà Sáli Judit hiện nay. Rồi cuộc sống của một thanh niên không có bằng đại học bắt đầu: anh đi làm thợ, làm bốc vác, bán bánh mì, chạy xe ôm… đủ nghề để kiếm sống. Anh đã ở nhiều nơi: Hà Nội, Hải Phòng, Vũng Tàu rồi cuối cùng định cư tại Đà Lạt. Điều khủng khiếp nhất với anh là không một ngày nào anh không nghĩ tới Judit. Năm 1993, đứa con trai anh chưa một lần thấy mặt - Lê Mỹ Attila - trở về Việt Nam gặp “ba Thành”. Attila bồi hồi: “Nhìn vào gương mặt ông, tôi đọc thấy cả nỗi buồn, mệt mỏi lẫn sự thất vọng. Ông là một người không may mắn. Đối với ông, thời gian ở Hungary là quãng đời tươi đẹp nhất, nó là hiện thân của tình yêu, tự do, hạnh phúc, tuổi trẻ, hy vọng, tất cả. Và tất cả đã chấm dứt khi ông phải chia tay mẹ tôi. Ông nói 21 năm trời không ngày nào ông không nghĩ về mẹ. Tôi hiểu rằng ba tôi vẫn chưa ra khỏi quá khứ. Tôi thương ông lắm, ba Thành của tôi”. Đoạn kết có hậu Bây giờ Attila đã về hẳn Việt Nam sinh sống. Anh làm đại diện của Câu lạc bộ Văn hóa Hung-Việt và Hiệp hội Ahead Global của Hungary. Chàng trai có gương mặt đẹp của người châu Âu nhưng mắt đen, tóc đen rất Việt, biết chơi guitar, quay phim và nói được tiếng Việt nên được nhiều thiếu nữ để ý. Cũng lặp lại mối tình của ba mẹ mình khi xưa, anh đang yêu một cô gái Việt. Nhưng khác ngày xưa, giờ đây không có cuộc chiến nào chia cắt họ. Thỉnh thoảng ông Thành vẫn ra Hà Nội gặp con trai và trò chuyện với bà Judit qua Skype. Hai ông bà vẫn giữ tình cảm xưa cũ nhưng rồi cả hai đều quyết định: Giờ đây tất cả chỉ còn là một kỷ niệm buồn và trong đời chúng ta, Attila là quan trọng hơn cả, làm sao để Attila hạnh phúc. Thành công và hạnh phúc của đứa con chung sẽ bù đắp tất cả cho họ, cho câu chuyện tình năm xưa của họ - một cô gái Hungary và một chàng trai Việt Nam. ĐOAN TRANG

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20110209030322919p0c1015/chuyen-tinh-hung-viet.htm