Chuyện tin thờ thần tài hài hước của Tưởng Giới Thạch

(Thâm cung bí sử) - Lúc bấy giờ Tưởng Giới Thạch là tổng tư lệnh quân Bắc phạt, nắm quyền sinh quyền sát của hàng triệu con người, còn Ngu Hiệp Khanh chẳng qua chỉ là Hội trưởng Thương hội Thượng Hải, thế nhưng, Tưởng vẫn dành cho Ngu sự cung kính nhất mực, tới mức những người thân cận với Tưởng cảm thấy hết sức kỳ quái.

Mãi tới sau này, khi Trương Tịnh Giang, một “cận thần” của Tưởng Giới Thạch tiết lộ, mọi người biết rõ nguồn cơn sự cung kính kỳ quái mà Tưởng dành cho Ngu Hiệp Khánh…

1. Sau khi quân Bắc phạt chiếm được Vũ Hán, năm 1927, chính phủ và trung ương Quốc dân đảng quyết định dời đô về Vũ Hán. Đây cũng là thời điểm Tưởng Giới Thạch, tổng tư lệnh quân Bắc phạt bị lôi kéo bởi chủ nghĩa đế quốc và các tập đoàn tài phiệt Giang Tô, Chiết Giang lôi kéo và bắt đầu đi vào con đường phản lại nhân dân.

Đầu tiên, Tưởng Giới Thạch phản đối dời đô về Vũ Hán, muốn đặt kinh đô ở Nam Xương. Sau khi công hạ Nam Kinh và Thượng Hải, Tưởng Giới Thạch đã phát động cuộc chính biến ngày 12 tháng Tư, sát hại các đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thượng Hải.

Quá trình trở mặt của Tưởng nhận được sự ủng hộ của một người, đó chính là Ngu Hiệp Khanh, Hội trưởng Thương hội Thượng Hải, một thành viên của Ban quản trị Cục Công bộ Tô giới Thượng Hải.

Cục Công bộ thực chất là tên gọi của chính quyền tô giới Thượng Hải lúc bấy giờ. Cục Công bộ ra đời vào năm 1854 do các nước Anh, Mỹ, Pháp thành lập để cùng nhau quản lý tô giới của mình. Ban quản trị của Cục Công bộ cũng tăng dần, ban đầu chỉ có 5 người, sau đó tăng dần lên 7, 9 rồi 12 người.

Tới năm 1930 thì số lượng thành viên của Ban quản trị này đã lên tới 14 người, bao gồm cả người Trung Quốc, người Anh, người Mỹ và Nhật Bản. Tất cả những sự vụ hành chính của Cục Công bộ đều do Ban quản trị này giải quyết. Quyền lực của Cục Công bộ ở Thượng Hải rất lớn.

Rất nhiều việc trong tô giới đều là những quyết sách của ban quản trị của Cục Công bộ. Tuy nhiên, các thành viên của ban quản trị chỉ là những thành viên danh dự, hoàn toàn không có lương. Ngu Hiệp Khanh tham gia ban quản trị này với tư cách là Hội trưởng Thượng hội Thượng Hải.

Tưởng Giới Thạch

Ngu Hiệp Khanh tự là Hòa Đức, sinh năm 1867 tại Trấn Hải, Chiết Giang. Năm 15 tuổi, một thân một mình, Ngu Hiệp Khanh tới học nghề nhuộm tại hãng nhuộm Thụy Khang Thượng Hải, sau đó vì lanh lợi nên Ngu trở thành nhân viên giao dịch cho hãng này.

Tới năm 1894, nhờ có sự giới thiệu của một người đồng hương là Ngu Hương Sơn giới thiệu, Ngu Hiệp Khanh tới làm nhân viên mối giới cho một công ty buôn bán của người Đức.

Năm 1903, Ngu Hiệp Khanh lần lượt trở thành nhân viên giao dịch tại ngân hàng Hà Lan và ngân hàng Đạo Thắng Hoa Nga. Không lâu sau đó, khi đã “đủ lông đủ cánh”, Ngu tự mở ngân hàng của riêng mình, lấy tên là Huệ Thông ngân hàng. Sau đó ít lâu, Ngu mở rộng cơ sở làm ăn, thành lập hẳn một hệ thống ngân hàng với tên là Tứ Minh ngân hàng.

Vào năm 1905, khi phòng trào đình công phản đối đế quốc phát triển rầm rộ ở Thượng Hải, chính Ngu Hiệp Khanh là người đã tích cực vận động các cửa hàng, nhà máy, công ty ngừng đình công và phục hồi sản xuất. Sau sự kiện này, Ngu rất được sự tín nhiệm của lãnh đạo tô giới.

Năm 1906, Ngu tổ chức Vạn quốc thương đoàn. Tới năm 1908, Ngu hợp vốn với Nghiêm Tiêu Hàng thành lập công ty tàu thủy Ninh Thiệu. Năm 1913, Ngu lại mở thêm một công ty tàu thủy nữa tên là Tam Bắc.

Với số tài sản kếch xù, tham gia kinh doanh trên rất nhiều lĩnh vực, năm 1924, Ngu Hiệp Khanh trở thành trở thành Hội trưởng Thương hội Thượng Hải. Năm 1925, Ngu Hiệp Khanh trở thành một thành viên của ban quản trị Cục Công bộ của tô giới công cộng Thượng Hải.

Để ăn mừng sự kiện này, Ngu Hiệp Khanh đã mở tiệc mời các nhân sĩ cả trong lẫn ngoài nước tới tham dự, thể hiện thái độ bợ đỡ, nịnh hót người phương Tây.

Báo chí thời bấy giờ viết về bữa tiệc mừng đình đám của Ngu Hiệp Khanh như sau: “Tối ngày hôm qua, Hội trưởng Thương hội Thượng Hải đã đặt tiệc tại khách sản Đại Hoa mời lãnh tụ các giới trong và ngoài nước. Tổng số người tham dự lên tới hơn 45 người, trong đó có đầy đủ những nhân vật tai to mặt lớn ở Thượng Hải lúc bấy giờ.

Trong bữa tiêc, Ngu hội trưởng đã đứng lên nói: ‘Hôm nay, kẻ hèn này lấy danh nghĩa cá nhân, đặt tiệc mời các thành viên ban quản trị Cục Công bộ, Thương hội, Hội nộp thuế của người Hoa cho tới các thành viên của Hội liên hợp thương giới tụ họp tại đây, trước là muốn tạo cơ hội để các bên có thể tiếp xúc với nhau, sau là tạo ra mối liên hệ cảm tình giữa các bên.

Trước kia, người nước ngoài với người Trung Quốc thường xa lánh và không hiểu nhau mà một trong những nguyên nhân chính là hai bên không thực sự tiếp xúc với nhau, dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.

Kẻ hèn này hy vọng những người có mặt trên bữa tiệc ngày hôm nay có tinh thần hợp tác dựa trên mối quan hệ hữu hảo giữa các bên, có như vậy, sự nghiệp của tô giới chẳng phải sẽ ổn định và phát triển hay sao?

Đồng thời cũng hy vọng những lần gặp gỡ như thế này sẽ được tổ chức hàng năm và những khó khăn của tương lai sẽ biến mất. Kẻ hèn này xin được nâng chén chúc các vị một ly!’

Sau khi Ngu hội trưởng phát biểu, chủ tịch Ban quản trị Công hội Phí Tín Đôn đáp lời nói: ‘Kẻ hèn này thay mặt cho Cục Công bộ rất cảm ơn thịnh tình của ông Ngu đây.

Ông Ngu nói về việc giữa người Hoa và người nước ngoài thường xuyên có hiểu lầm rất đúng. Kẻ hèn này làm việc tại Cục Công bộ đã lâu, cho rằng nếu như Cục Công bộ có thể hợp tác với người Hoa thì lợi ích mang lại cho các cư dân trong tô giới sẽ không hề ít…’.

Tiếp đó, Hội trưởng Hội liên hợp thương giới Ô Chí Hào đứng lên nói: ‘Ngu tiên sinh đây vô cùng bận rộn mà chúng ta vẫn có buổi tụ họp hôm nay, điều này cho thấy sự quan trọng của bữa tiệc này. Hy vọng Ngu tiên sinh và Hứa tiên sinh ngay lập tức thực hiện chủ trương đề ra, ngay từ tối nay’…

Sau đó, đại diện các ngành, hội đều đứng lên phát biểu, đại ý đều là đồng tình và cảm ơn. Bữa tiệc kéo dài cho tới 12 giờ mới kết thúc”. Từ đoạn miêu tả trên có thể thấy thái độ xu nịnh, bợ đỡ của Ngu Hiệp Khanh đối với người phương Tây ở tô giới lộ liễu tới mức nào.

2. Trở lại với câu chuyện của Tưởng Giới Thạch với Ngu Hiệp Khanh. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Tưởng đã ngưỡng mộ Ngu tới mới chỉ còn thiếu nước quỳ xuống trước mặt Ngu mà thể hiện sự cung kính của mình. Một “ông Ngu”, hai “ông Ngu”.

Thậm chí Ngu Hiệp Khanh bước xuống bậc thềm, Tưởng Giới Thạch cũng vội vàng chạy ra đỡ, chẳng khác gì cung phụng cha ruột của mình.

Lúc bấy giờ Tưởng Giới Thạch là tổng tư lệnh quân Bắc phạt, nắm quyền sinh quyền sát của hàng triệu con người, còn Ngu Hiệp Khanh chẳng qua chỉ là Hội trưởng Thương hội Thượng Hải, sự cung kính mà Tưởng Giới Thạch dành cho Ngu thậm chí còn khiến những người thân cận với Tưởng cảm thấy hết sức kỳ quái.

Mãi tới sau này, khi Trương Tịnh Giang, một “cận thần” của Tưởng Giới Thạch tiết lộ, mọi người biết rõ nguồn cơn sự cung kính kỳ quái mà Tưởng dành cho Ngu Hiệp Khánh.

Nguồn cơn của câu chuyện phải bắt đầu từ những năm cuối thời nhà Thanh ở Trung Quốc. Lúc bấy giờ, trong một con hẻm của phố Vọng Bình ở Thượng Hải có một hàng phẩm nhuộm kiêm ngân hàng tư nhân tên là Thụy Khang.

Ông chủ của cửa hàng này họ Xích tên là Phú Ngọc. Việc kinh doanh ngân hàng của Thụy Khang không lấy gì làm suôn sẻ, do vậy ông chủ Xích Phú Ngọc luôn cảm thấy lo lắng, buồn phiền.

Một ngày, mưa thu rả rích, lá ngô đồng rơi, ông chủ Xích Phú Ngọc ngồi ở cửa hàng cả ngày mà chẳng có vị khách nào tìm tới. Trời mưa, khách vắng càng khiến cho ông chủ họ Xích thêm phiền não.

Ông ngồi sau quầy hàng, nhìn mưa rơi ngoài hiên, nghĩ tới việc làm ăn hiện tại, cảm thấy tương lai của Thụy Khang thật mù mịt. Trong lúc tâm trạng buồn phiền nhất ấy, Xích Phú Ngọc bỗng nhiên nhìn thấy một vị thần tài đi chân trần bước vào trong cửa hàng của mình.

Vị thần tài chân đất này đầu đội mũ sắt, tay cầm roi sắt, mặt đen râu dài, vừa bước vào cửa hàng đã nói lớn: “Ta chính là thần tài chân đất. Hôm nay ta tới đây để mang tiền bạc tới cho người!”

Xích Phú Ngọc mừng lắm, vội vàng đứng dậy bước lại chỗ thần tài nhận tiền. Không ngờ vừa xoay người thì đầu đụng phải tựa ghế, Xích Phú Ngọc choàng tỉnh dậy. Hóa ra đó là một giấc mộng. Ngoài trời mưa vẫn rơi rả rích, buồn thê lương. Xích Phú Ngọc nghĩ: “Các thần tài trước nay đều cưỡi ngựa, sao ta lại nằm mộng thấy một ông thần tài đi chân đất nhỉ? Lại còn tự xưng mình là thần tài chân đất”.

Băn khoăn mãi về ông thần tài chân đất ấy, Xích Phú Ngọc bèn đem câu chuyện nằm mơ của mình kể với một thân tín của mình.

Người nay nghe xong câu chuyện của ông chủ nói: “Giấc mơ từ đầu óc mình mà sinh ra cả, tôi nghĩ rằng việc làm ăn của chúng ta không tốt, ông chủ lúc nào cũng nghĩ tới chuyện phát tài nên mới nằm mộng thấy ông thần tài chân đất ấy”.

Tuy nói là vậy, nhưng Xích Phú Ngọc vẫn tới chỗ tượng thần tài đặt trong góc nhà mình thắp hương rồi khấn vài liên hồi.

Từ khi con người bước vào xã hội tư hữu, tiền bạc trở thành một lực lượng chi phối rất lớn tới đời sống xã hội của con người.

Cho tới thời cận đại, khi chủ nghĩa tư bản bắt đầu hình thành và phát triển tại các quốc gia như Trung Quốc, quan niệm sùng bái tôn thờ vật chất và tiền bạc càng trở nên phát triển hơn bao giờ hết. Đây chính là lý do thờ thần tài trở thành một tín ngưỡng phổ biến trong hầu hết các tầng lớp nhân dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở mỗi vùng khác nhau, ở mỗi giai đoạn khác nhau cách tưởng tượng của dân gian về thần tài cũng hoàn toàn không đồng nhất.

Sách “Tập thuyết tuyên chân” có viết: “Về nguồn gốc của thần tài được thờ cúng trong dân gian, có người nói là một người Hồi ở phương bắc, có người nói là Triệu Lương người Hán, có người lại nói là Hà Ngũ Lộ người thời Nguyên, có người lại nói là con trai thứ 5 của Cố Hy Phùng, mỗi thuyết đều có cách giải thích khác nhau, cũng tỏ ra là thuyết phục, nhưng cuối cùng chẳng ai biết thần tài thực sự là ai”.

Tới thời cận đại, thần tài còn phân thành văn và võ. Văn thần tài chính là Tỉ Can thừa tướng, vị trung thần nhà Ân còn võ thần tài chính là Quan Vũ, vị võ tướng nổi tiếng thời Tam Quốc. Tuy nhiên, thần tài mà đại bộ phận người dân Trung Quốc thời cúng là Triệu Công Minhh.

Ngũ Hiệp Khanh

Sách “Tam giáo cửu lưu thám thần đại toàn” có ghi rõ về nguồn gốc của thần tài họ Triệu này: “Triệu Công Minh là người Chung Nam Sơn. Từ thời nhà Tần đã lánh thế vào trong núi tu đạo, sau khi thành công, tuân theo mệnh lệnh của Ngọc đế trở thành Thần tiêu phó soái”.

Sách “Phong thần bảng” cũng chép: “Sau khi nhà Chu tiêu diệt nhà Thương, Tử Nha tới cung Ngọc Hư ở núi Côn Luân lấy được Kim Sách Ngọc Phù Thiên Tốn nguyên thủ về Kỳ Sơn lập đài phong thần, sắc phong cho những người đã trung thành đã chết trận.

Phong cho Triệu Công Minh làm Kim Long Như Ý Chính Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Nhân, chỉ huy bốn vị thần tiên là Chiêu Bảo Thiên Tôn Tiêu Thăng, Nạp Trân Thiên Tôn Tào Bảo, Chiêu Tài Sứ Giả Kiều Hữu Minh, Lợi Thị Tiên Cung Diêu Di Ích cùng lo việc chiêu tài tạo phúc…”

Trong dân gian đều nói rằng ngày 5 tháng Giêng âm lịch chính là ngày sinh của thần tài do vậy từ những người làm ăn buôn bán giàu có cho tới những người nghèo khổ, trong ngày này đều thắp hương, đốt pháo để đón thần tài.

Vì sao thần tài lại sinh vào ngày mồng 5 tháng Giêng? Nguồn gốc của thuyết này bắt nguồn từ thời nhà Tống.

Lúc bấy giờ, gian tướng là Thái Kinh để lấy lòng Hoàng đế Tống Huy Tông nên tổ chức xây dựng không ít công trình, tiêu tốn không ít tiền bạc của quốc gia. Nhân dân lúc bấy giờ rất ngưỡng mộ Thái Kinh, cho rằng sở dĩ Thái có nhiều tiền như vậy là vì Thái là thần tài tái sinh.

Thái Kinh sinh ngày 5 tháng Giêng âm lịch, do vậy, mọi người đều cho rằng, ngày mồng 5 tháng Giêng chính là ngày sinh của thần tài.

Sau đó, Thái Kinh bị biếm trích tới đảo Hải Nam nhưng chưa tới được Hải Nam thì Thái đã chết ở trên đường. Tài sản, gia đình Thái Kinh cũng tiêu tán từ đó.

Lúc bấy giờ, người dân nghĩ rằng, kết cục của Thái Kinh bi đát như vậy, nếu coi ông ta là thần tài mà thờ thì thật chẳng ra sao, vì vậy, nhân vì họ của Hoàng đế nhà Tống là họ Triệu, dân gian mới nghĩ tới Triệu Công Minh để thờ phụng, đồng thời nói rằng Triệu Công Minh là nguyên soái.

Những người đời sau cũng chẳng truy xét nguồn gốc, vẫn cứ tới ngày mồng năm tháng Giêng thì lại thắp hương nghênh đón thần tài. Bắt đầu từ đó, việc thờ cúng thần tài Triệu Công Minh vào ngày mồng 5 tháng Giêng hàng năm được lưu truyền mãi cho tới ngày nay.

Thần tài lưu truyền trong dân gian cũng có nhiều loại, tuy nhiên, về đại thể có thể phân làm hai loại, một loại là văn thần tài một loại là võ thần tài. Văn thần tại lại phân thành Tài bạch tinh quân và Phúc Lộc Thọ tam tinh.

Trong tưởng tượng của dân gian, Tài bạch tinh quân là có hình dáng rất phúc hậu, là một ông lão mặt trắng, râu dài, trên người mặc áo gấm và đeo đai ngọc, tai trái cầm Kim Nguyên Bảo thay phải cầm một trục cuốn có ghi chữ “Chiêu tài tiến bảo” (hàm nghĩa mang tiền tài vào nhà). Phúc Lộc Thọ tam tinh là ba ông Phúc, Lộc, Thọ rất quen thuộc ở Việt Nam.

Ông Phúc bế một đứa trẻ, mang hàm nghĩa có con cháu là chính là điều phúc. Ông Lộc tay cầm ngọc như ý, mặc triều phục rất đẹp, tượng trưng cho việc thăng quan tiến chức, thêm tài thêm lộc.

Ông thọ tay cầm một trái đào trường thọ, khuôn mặt tươi cười, hạnh phúc, tượng trưng cho sự trường thọ, an khang. Vũ thần tài cũng chia làm hai loại, một là Triệu Công Minh, miệng đen, mặt đen. Một loại là Quan Công mặt đỏ, râu dài.

Việc sắp xếp vị trí thần tài cũng rất được chú ý. Văn thần tài và võ thần tài được sắp xếp khác nhua.

Văn thần tài thường được sắp đặt để quay mặt vào bên trong nhà chứ không nên quay ra bên ngoài, nếu không nó sẽ là mang tiền bạc ra bên ngoài chứ không còn là “chiêu tài” nữa.

Còn như võ thần tài thì nên quay mặt ra bên ngoài, hoặc có thể quay ra cửa chính. Như vậy, vừa có ý nghĩa là mang tiền tài vào nhà, vừa có thể trấn giữ cửa không để tà ma vào nhà.

3. Lại nói chuyện ông chủ hiệu ngân hàng tư nhân Thụy Khang nằm mơ thấy thần tài chân đất mang tiền tới cho thì choàng tỉnh dậy. Biết rằng chỉ là giấc mơ và người thân tín cũng hết lời khuyên nhủ, song Xích Phúc Ngọc vẫn không nén được tiếng thở dài ngao ngán. Lúc bấy giờ, trời mưa mỗi lúc một to.

Xích Phú Ngọc hết nhìn cảnh trời mưa tầm tã bên ngoài lại nhìn cảnh vắng vẻ buồn tẻ bên trong cửa hàng, càng cảm thấy tâm trạng nặng nề. Đúng lúc đó, bỗng nhiên, Xích Phú Ngọc nhìn thấy bên ngoài một thiếu niên chân trần, người ướt sũng nước mưa đang vội vã chạy vào cửa hàng.

Chẳng ngờ, do bậc thềm trước cửa hàng xây quá cao nên cậu thiếu niên khi bước qua cửa đã bị vấp ngã xuống sàn. Nước mưa trên người cậu ta đọng thành một vũng lớn trên nền đất.

Những người làm trong cửa hàng Thụy Khang thấy cậu thiếu niên rách rưới không dưng chạy vào cửa hàng thì định xông ra xua đuổi.

Tuy nhiên, Xích Phú Ngọc vừa nhìn thấy bộ dạng cậu thiếu niên này đã giật mình, nghĩ thầm: “Chẳng lẽ cậu thiếu niên chân đất này ứng với điềm báo trong giấc mộng?”.

Nghĩ vậy, Xích Phú Ngọc vội ngăn những người làm đang ra sức mắng chửi cậu thiếu niên làm bẩn cửa hàng, rồi bước tới trước mặt cậu thiếu niên, dùng hai tay nâng cậu bé dậy, hỏi tên tuổi, quê quán và lý do cậu bé tìm tới cửa hàng.

Cậu thiếu niên đó nói mình họ Ngu, tên là Hiệp Khanh, người Trấn Hải, Ninh Ba, Chiết Giang, năm nay 15 tuổi, tới Thượng Hải để học việc.

Khi tới đây, một người đồng hương đã viết cho cậu ta một bức thư giới thiệu cậu tới một ngân hàng làm việc.

Vừa nói, cậu thiếu niên vừa lấy trong người ra bức thư giới thiệu đã ướt đẫm vì nước mưa. Xích Phú Ngọc chẳng cần xem bức thư, không cần do dự tính toán, lập tức nhận cậu bé vào làm nhân viên học việc.

Cậu thiếu niên họ Ngu thông minh, làm mọi việc đâu vào đấy, lại là người chịu khó, chịu khổ vì vậy, rất nhanh chóng đã giúp Xích Phú Ngọc đưa công việc kinh doanh của ngân hàng vào quy củ.

Xích Phú Ngọc cảm thấy rất vừa lòng, thường khen với người ngoài rằng, cậu thiếu niên họ Ngu là một người lanh lợi, có cái nhìn sắc sảo và rất sáng tạo.

Điều khiến Xích Phú Ngọc vừa lòng nhất chính là kể từ khi Ngu Hiệp Khanh vào làm tại Thụy Khang, công việc làm ăn buôn bán của Xích Phú Ngọc ngày một phát đạt. Chẳng bao lâu sau, Thụy Khang đã trở thành một ngân hàng lớn.

Cũng vì thế, Xích Phú Ngọc càng quý trọng cậu thanh niên họ Ngu, cho rằng tất cả tài sản của mình có hiện tại đều là nhờ phúc khí của Ngu Hiệp Khanh đem lại.

Lúc bấy giờ Xích Phú Ngọc chỉ hận mình không có đứa con gái nào để gả cho Ngu Hiệp Khanh để có thể giữ chân Ngu, biến Ngu thành kẻ kiếm tiền cho mình.

Cũng từ đó, trong giới buôn bán bắt đầu truyền tai nhau về câu chuyện “thần tài chân đất” của ông chủ ngân hàng Thụy Khang Xích Phú Ngọc. “Thần tài chân đất” vì vậy, trở thành một biệt hiệu của Ngu Hiệp Khanh.

Tưởng Giới Thạch muốn thống nhất thiên hạ, thâu tóm quyền lực của Quốc dân đảng buộc phải có tiền, có súng và binh lính.

Ngu Hiệp Khanh khi đó là một trong những nhân vật giàu có và danh vọng bậc nhất trong giới buôn bán ở Thượng Hải, do vậy, Ngu Hiệp Khanh là một nhân vật không thể thiếu trong tham vọng thống nhất Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch.

Tuy nhiên, điều khiến Tưởng sẵn sàng khom người cung phụng Ngu Hiệp Khanh không chỉ là tiền tài và danh vọng của Ngu.

Bản thân Tưởng vô cùng mê tín, cũng như Xích Phú Ngọc, Tưởng Giới Thạch cũng muốn dựa vào “thần tài chân đất” để hoàn thành tham vọng của mình, do vậy, Tưởng mới hết lòng cung kính với Ngu Hiệp Khanh như vậy. Có thể nói rằng, Tưởng Giới Thạch cung kính không phải với bản thân Ngu Hiệp Khanh mà chính là hóa thân của Ngu: Thần tài chân đất.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/tham-cung-bi-su/201204/Chuyen-tin-tho-than-tai-hai-huoc-cua-Tuong-Gioi-Thach-2146996/