Chuyện thứ Ba: Chặt chém, ăn xổi và nỗi đau không chỉ của bóng đá

Hôm qua là ngày làm việc đầu tiên sau kì nghỉ Tết, cũng là dịp người ta chia sẻ với nhau các câu chuyện năm mới. Tiếc rằng trong những chuyện được kể ấy có nhiều điều không vui.

1. Một cậu em của tôi phàn nàn rằng cậu chàng phải trả tới 30.000 đồng tiền cho khoảng 2 tiếng gửi xe máy tối ngày Valentine .

Sự ấm ức này ngay lập tức được an ủi bằng việc số tiền gửi xe bằng gần chục lần ngày thường ấy đã là gì. Ở chợ Viềng, vào tối mùng 7 Tết người ta thậm chí còn thu tới hơn 200 nghìn đồng cho một giờ để xe ôtô.

Trên thực tế, những câu chuyện “chặt chém” ngày Tết ấy đã trở thành chuyện nhan nhản, đến hẹn lại lên.

Người ta “chặt chém” trên đủ mọi “mặt trận” từ ăn uống cho đến trông giữ xe hay vận tải…Đơn giản là cứ cái gì có cơ hội bắt chẹt người dùng là người ta “chặt chém”.

Có thể nói, “chặt chém” gần như đã trở thành vấn nạn ở nước ta. Gần như năm nào cứ đến dịp lễ tết là “bóng ma” ấy lại nghiễm nhiên “đội mồ” sống dậy, bất chấp mọi nỗ lực hay chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

Tại sao lại như vậy? Có người đổ lỗi cho sự yếu kém của cơ quan quản lý. Có người lý giải là do sự xuống cấp của đạo đức nói chung và đạo đức kinh doanh nói riêng. Còn tôi thì cho rằng bản chất vấn đề nằm ở tư duy chộp giật và tầm nhìn của người kinh doanh.

“Chặt chém” chủ yếu xảy ra ở những ngành dịch vụ mà người ta kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí là mùa vụ (ví dụ như trông xe lễ hội).

Thế nên, nhiều người mang sẵn trong đầu tâm lý chẳng cần xây dựng thương hiệu bền vững, cứ “thu hoạch” được lúc nào hay lúc đấy.

Đây thực sự là kinh doanh theo kiểu “tiểu nông”, khó lòng tạo ra sự phát triển cho cả bên kinh doanh lẫn cộng đồng.

Nhưng ở khía cạnh nào đó, cũng khó lòng chờ đợi hơn ở những “ông chủ”, “bà chủ” tự phát, không được đào tạo học hành, bài bản này.

Bởi ở nước ta, ngay cả những doanh nghiệp, tập đoàn có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, hoành tráng cũng vẫn còn tồn tại tư tưởng chộp giật.

2. Ai cũng biết đây là giai đoạn hẩm hiu của V-League . Các cầu thủ vừa có một cái Tết mất mùa, khi mà số tiền thưởng Tết chẳng là bao.

Nó khác hẳn cách đây tầm dăm năm, khi tiền với các ngôi sao quần đùi áo số là thứ không phải nghĩ. Đấy chính là thời điểm cực thịnh của V-League với rất nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào bóng đá .

Vào lúc đó, làm bóng đá giống như một cái mốt thời thượng của những ông chủ lắm tiền nhiều của.

Họ mua một đội bóng giống như một thứ đồ trang sức, tiêu tiền cho đội bóng như để thể hiện đẳng cấp và mức độ giàu có hoặc thực dụng hơn là dùng bóng đá làm con bài để đánh đổi lấy một lợi ích, một dự án béo bở nào đó.

Tất cả tạo ra một V-League phát triển nóng theo kiểu bong bóng. Ngay cả các quan chức VFF khi ấy cũng bị mờ mắt bởi những đống tiền được tiêu vô tội vạ ấy, để rồi tự huyễn hoặc mình bằng một phát biểu để đời: “V-League là giải đấu số một khu vực”.

Cách làm bóng đá kiểu “ăn xổi ở thì” ấy giờ đã cho thấy hậu quả nhãn tiền. Khi mà các ông chủ không còn dễ kiếm tiền như trước, với việc bất động sản và chứng khoán cùng đi xuống, ngân hàng thì thắt chặt tín dụng, lập tức bóng đá cũng “chết” theo.

Những doanh nghiệp ồ ạt rút khỏi V-League hệt như lúc họ rầm rộ đổ bộ vào, để lại những đội bóng và một giải đấu lay lắt, ốm yếu.

Chỉ có điều, ai cần bận tâm đến thực trạng đáng buồn ở thì hiện tại. Bởi ngay từ điểm bắt đầu đâu có mấy doanh nghiệp hướng tới sự phát triển của nền bóng đá nước nhà giống như HAGL , T&T hay Đồng Tâm Long An.

Hầu hết đều chỉ coi bóng banh là một cú áp phe chộp giật. Xét cho cùng cũng phải thôi. Bóng đá hay bất kì lĩnh vực hẹp nào đấy cũng chỉ là một lăng kính phản chiếu xã hội.

Xã hội nào thì bóng đã ấy, không khác được. Cũng giống như chuyện chỉ riêng những ngày Tết đã đến hơn 5000 người nhập viện vì đánh nhau thì làm sao trông chờ một giải đấu ít bạo lực được?

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/the-thao/chuyen-thu-ba-chat-chem-an-xoi-va-nen-bong-da-yeu-ot-vat-va-20160216111841517.htm