Chuyện thiếu nữ đốt trường vì ép buộc: Hãy dừng bấm like vô tội vạ!

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông nói: 'Tôi rất đau xót khi một bộ phận bạn trẻ đang hủy hoại mình bằng Facebook" và cho rằng cộng đồng mạng nên sử dụng nút like có trách nhiệm.

Ảnh Lê Nam

Theo vị tiến sĩ - hiện là Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - thì một bộ phận giới trẻ đang không ngần ngại tham gia vào trào lưu "nói là làm" bằng những hành động liều lĩnh.

Trưa 9.10 để thực hiện lời hứa "Status đạt 1.000 like" trên Facebook, nữ sinh 13 tuổi ở một trường trung học ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, đã châm lửa đốt ở trường học khiến bản thân bị bỏng hai chân. Đây là hệ lụy đau lòng của trào lưu "nói là làm" biến tướng đang phổ biến trên mạng xã hội.

VIDEO: Việt Nam nói là làm và khi trò ngớ ngẩn thành trào lưu - Thực hiện: Lê Nam - Hảo Hảo

Trước đó hàng loạt những sự việc có thể gây nguy hiểm đã xảy ra khởi nguồn từ nút like; như thách thức "đủ like sẽ khoe thân", "đủ like sẽ uống nước thải", thệm chí "đủ like sẽ tự thiêu".

Theo tiến sĩ Thông : “Đây là sự thiếu trách nhiệm của những người bấm like và thiếu ý thức tôn trọng bản thân của người "nhận like".

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến những "hành động thiếu suy nghĩ" như thế, ông nêu quan điểm: "Bắt nguồn từ nền tảng giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội và quan trọng hơn hết là cách nhìn nhận, suy nghĩ của người trẻ về mạng xã hội còn quá vô tư".

Nhiều trò câu "Like" gây sốc của giới trẻ Việt đi kèm từ khóa "nói là làm"

Theo tiến sĩ Thông thì chính những suy nghĩ "Đây chỉ là thế giới ảo", cùng với "những cái like đa nghĩa" của "cư dân mạng", đã như một cú hích thúc đẩy "cái tôi cá nhân lớn hơn". Dẫn đến những câu chuyện tưởng như vớ vẩn trên Facebook trở thành hành động tiêu cực trong thế giới thực.

"Những cái like mang rất nhiều ý nghĩa, có thể khen, chê hay chỉ đơn giản là sự quan tâm cho dòng trạng thái nào đó. Thế nhưng đôi khi người nhận like lại cho rằng mình đang được ủng hộ, đang được nổi tiếng. Đó là lí do vì sao chúng ta cần phải cân nhắc trong mỗi cú like" - Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông phân tích.

Mỗi cái like không nói lên được điều gì về suy nghĩ của người dùng mạng xã hội khác dành cho một chủ tài khoản. Tuy nhiên, hàng ngàn, hàng triệu lượt like, lượt chia sẻ và bình luận thì có thể khiến một lời nói đùa "ngớ ngẩn" trở thành hành động tiêu cực.

Tiến sĩ Thông nhấn mạnh: "Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc học lại những quy tắc hành xử trên mạng xã hội như một nền tảng. Từ những hành động nhỏ như bấm like, chia sẻ hay viết dòng bình luận, cho đến lớn hơn là chiến lược bộc lộ con người cá nhân trên mạng xã hội".

Theo ông, nhu cầu thể hiện cái tôi cá nhân của người trẻ là rất lớn, những thể hiện ra sao thì cần có sự dẫn dắt của một nền tảng giáo dục.

Vị trưởng khoa Báo chí và Truyền thông cho biết thêm hiện nay toàn thế giới đang có nhiều chiến lược xây dựng lối văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

Ông chia sẻ: "Vì hiện tại Facebook không hề ảo, nó đã trở thành một phần không thể tách rời với đời sống thực. Chúng ta đang sống trong hai môi trường. Chính vì thế, bản thân mỗi người dùng mạng xã hội cần có trách nhiệm hơn trong mỗi hành động like, chia sẻ hay bình luận về một dòng trạng thái nào đó".

Hảo Hảo - Lê Nam

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/chuyen-thieu-nu-dot-truong-vi-ep-buoc-hay-dung-bam-like-vo-toi-va-753730.html