Chuyện thâm cung bí sử của chiếc ghế Tổng thư ký LHQ

Ông Antonio Guterres đã chính thức trở thành Tổng thư ký mới của Liên Hiệp Quốc, đồng thời cũng là Tổng thư ký đầu tiên là người thuộc quốc gia NATO.

Liên Hiệp Quốc có tổng thư ký đầu tiên thuộc một quốc gia NATO

Với 13 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không bị bất cứ nước nào trong số 5 Ủy viên thường trực là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc phủ quyết, ông Antonio Guterres đã vượt qua vòng bỏ phiếu của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, chính thức trở thành tổng thư ký đầu tiên là người thuộc 1 quốc gia NATO.

Được coi là một chính khách lão luyện, với kinh nghiệm chính trường phong phú và vốn kiến thức rất rộng, cùng với khả năng thông thạo 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, ông Guterres sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của mình từ ngày 1/1/2017.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái chiều về việc ông Antonio Guterres đắc cử Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trong đó hé lộ những tình tiết hết sức bất ngờ, có những vấn đề được coi là chuyện “thâm cung bí sử” của ngành ngoại giao và cơ chế hoạt động của Liên Hiệp Quốc.

Bình luận về vấn đề này, cựu Đại diện thường trực của Serbia ở Liên Hiệp Quốc là ông Vladislav Jovanovic đã tiết lộ rằng, việc ông Guterres đắc cử Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là điều rất kỳ lạ, bởi Nga sẽ không dễ dàng chấp thuận một ứng viên thuộc một quốc gia trong khối NATO.

Ông Jovanovic khẳng định rằng, Điện Kremlin và Nhà Trắng đã đạt được thỏa hiệp ngầm nhất định, nhưng chưa rõ là để Nga chấp thuận, Mỹ-NATO đã đưa ra đề nghị gì với Moscow. Có lẽ, để nhận được cái gật đầu của ông Putin, phương Tây đã phải nhượng bộ về một số vấn đề lớn khác.

Tồn tại một thỏa thuận ngầm trong việc bầu chọn Tổng thư ký LHQ?

Ông Jovanovic nhận định, có thể ông Guterres sẽ thể hiện sự bất bình khi một quốc gia đi ngược lại nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, nhưng vì là đại diện cho một nước là thành viên Liên minh NATO, nên ông này sẽ buộc phải điều chỉnh hành động phù hợp với chính sách của khối.

Chắc chắn vị tân tổng thư ký sẽ không phản đối lập trường của những “thế lực phương Tây” trong tổ chức này. Đừng nên hy vọng rằng ông Guterres sẽ phản đối hành động nào đó của NATO, ngay cả khi chúng không được sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc.

Vị cựu quan chức Serbia nhắc lại chuyện cũ, Liên minh NATO đã ném bom Liên bang Nam Tư vào năm 1999 mà không có quyết nghị trừng phạt tương ứng và ủy thác của Liên Hợp Quốc, còn Mỹ, Anh, Pháp cũng phủ quyết bất cứ quyết nghị phản đối nào mà Nga soạn thảo trình Liên Hiệp Quốc.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không là thành viên nòng cốt NATO, không thuộc 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an?

Lập luận của ông Jovanovic dựa trên cơ sở thực tiễn là dường như có một thỏa thuận ngầm, một luật lệ bất thành văn về chức vụ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Các ứng viên tranh cử ghế Tổng thư ký phải là người đại diện cho một châu lục. Quy trình lựa chọn ứng viên phải tuân theo quy ước bất thành văn tồn tại hàng chục năm qua rằng, mỗi châu lục luân phiên có người đại diện giữ chức vụ trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chuyen-tham-cung-bi-su-cua-chiec-ghe-tong-thu-ky-lhq-3320388/