Chuyến tàu từ Hà Nội đi Nam Ninh Trung Quốc: Càng chạy càng tụt dốc

Ra đời đúng vào lúc nền kinh tế suy thoái, tuyến tàu từ Hà Nội đi Nam Ninh giúp nối liền hai vùng kinh tế trọng điểm của hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên với số hàng khách giảm dần từ 322 khách tháng 1( tại ga Gia Lâm) xuống còn 97 khách tháng 5 năm 2009. Nhà đầu tư sẽ phải tìm ra giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Chị Thơm ở Vĩnh Tuy tỏ ra mừng rỡ vì có tuyến tàu chạy thẳng từ Hà Nội sang Nam Ninh, bởi con chị đang theo học tại Trung Quốc. Chị cho biết, nếu đi bằng máy bay, thời gian có rút ngắn đi nhưng giá cả lại không hợp với túi tiền của người bình thường như chị. Đặc biệt giờ tàu đi vào ban đêm, chỉ cần “kiếm” một chiếc vé nằm, sáng hôm sau con chị có thể lên giảng đường ở tận Trung Quốc. Tuy nhiên mới đi một lần sang thăm con, chị Thơm đã tỏ ra rất thất vọng vì phải mất quá nhiều thời gian cho chuyến đi này. Chị Thơm còn cho biết thêm, chị không lựa chọn các loại hình vận tải khác bởi đi tàu an toàn hơn, tuy nhiên đi một chặng đường chưa đến 400 km mà mất hơn 10 tiếng ngồi tàu quả là “ngốn” quá nhiều thời gian của hành khách. Hơn nữa, trên tàu không có dịch vụ phục vụ ăn uống, riêng điều đó cũng khiến hành khách khó chịu. Ngoài ra, phải bỏ số tiền trên 1 triệu cho 400km là rất đắt! Tuyến tàu từ Hà Nội đi Nam Ninh, Trung Quốc, bắt đầu khởi hành lúc 19 giờ 25 phút tại ga Gia Lâm và đến Nam Ninh, Trung Quốc vào lúc 5 giờ 30 phút sáng hôm sau. Sở dĩ phải mất nhiều thời gian như vậy là bởi, khoảng thời gian bỏ ra để làm thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh quá dài. Ông Xuân Thành trưởng ga Gia Lâm cho biết: Hành khách phải làm thủ tục xuất cảnh ở Đồng Đăng từ 23 giờ 38 phút đến tận 3 giờ, còn ở Bằng Tường thủ tục nhập cảnh cũng kéo dài tương tự (khoảng 2 tiếng) đó là thực tế vì ông đã từng bị kiểm tra một cách nghiêm ngặt trong chuyến đi Trung Quốc vài tháng trước. Cũng theo ông Thành, so với ô tô, giá vé trên 1 triệu cho một hành khách quả là quá đắt, đó cũng chính là lý do khiến hành khách lựa chọn loại hình dịch vụ khác cho việc di chuyển của mình. Theo ông Thành, ga Gia Lâm là điểm xuất phát đầu tiên của đoàn tàu, qua theo dõi số lượng hành khách từ lúc mới khai trương tháng 1 bán được 322 vé, tháng 2: 205 vé, tháng 3: 98 vé và thấp nhất là tháng 5 chỉ bán được 97 vé, trong khi sức chứa tối đa của chuyến tàu khoảng 300 chỗ nếu đi 7 toa; thì mới thấy các toa tầu chủ yếu là chỗ trống. Theo ghi nhận của phóng viên Đại Đoàn Kết, thái độ của nhân viên bán vé và đội ngũ phục vụ trên tàu tỏ ra rất chu đáo, các phiên dịch sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu giao lưu của hành khách đến từ mọi quốc gia. Nhưng đến 12 giờ ngày 14/7 vẫn chưa có hành khách nào đặt mua vé. Theo phản ánh của một số hành khách từng đi chuyến này, tàu có thể có lượng khách đông hơn, nếu tìm cách giảm giá vé, cũng như giảm thời gian đi trên đường, bằng cách rút ngắn các thủ tục kiểm tra rườm rà (bằng visa, hộ chiếu) mà thay vào đó nên áp dụng hình thức giấy thông hành. Anh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=18590