Chuyện Quế Ngọc Hải và sự ưa chuộng vẻ đẹp phù phiếm

Quế Ngọc Hải lại đang trở thành tâm điểm của sự chỉ trích của giới hâm mộ bóng đá Việt Nam, nguyên nhân là bởi cú vào bóng được cho là quá mức cần thiết đối với cầu thủ Kenta Furube trong trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Aviska Fukuoka FC. Nhưng ở một góc nhìn khác, thực ra Quế Ngọc Hải không phải đang chịu sự chỉ trích từ một pha bóng, mà đang chịu hệ quả từ sự phù phiếm của bóng đá Việt.

Quế Ngọc Hải là trung vệ hàng đầu Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Xét riêng về pha bóng của Quế Ngọc Hải, vậy Quế Ngọc Hải có phạm lỗi không? Người có quyền quyết định trên sân bóng ở thời điểm đó là trọng tài đã nhận định Quế Ngọc Hải không phạm lỗi, xem pha bóng đó là một pha va chạm bình thường trong bóng đá. Nếu đã không phạm lỗi, vậy thì pha bóng của Quế Ngọc Hải có đáng bị người hâm mộ bóng đá lên án như vậy không? Nói cho cùng, thì một phần nào đó Quế Ngọc Hải đã hơi quá trong pha vào bóng, bởi xét về tính chất của trận đấu, cũng không cần thiết Quế Ngọc Hải phải vào bóng quyết liệt đến như vậy. Nhưng tất cả chỉ nên dừng ở mức độ nhắc nhở tiết chế lại cảm xúc, cân nhắc hơn trong từng pha vào bóng để tránh những án phạt không đáng có, hơn là lên án một cách kịch liệt, đưa ra rất nhiều ý kiến quá khích, bởi trên thực tế, những cầu thủ kiểu như Quế Ngọc Hải lại là một phần không thể thiếu của một đội bóng.

Có thể khẳng định một điều, bất cứ huấn luyện viên nào lên nắm đội tuyển Việt Nam, đều sẽ trọng dụng một cầu thủ như Quế Ngọc Hải. Đầu tiên, xét về chuyên môn, ở vị trí trung vệ hoặc tiền vệ trung tâm, với thể hình lý tưởng, trình độ chuyên môn cao, nhãn quan chiến thuật tốt, khả năng tranh chấp tốt và những đường chuyền dài với độ chính xác cao, Quế Ngọc Hải có thể xem như là cầu thủ hàng đầu Việt Nam ở vị trí đó. Thứ hai, xét về tinh thần thi đấu, chắc chắn bất cứ huấn luyện viên nào cũng muốn có trong đội hình một cầu thủ luôn khát khao cống hiến, luôn ra sân với tinh thần chiến đấu cao nhất, thi đấu với hết khả năng dù cho đối thủ là ai, và Quế Ngọc Hải chính là mẫu cầu thủ như vậy. Và cuối cùng, mẫu trung vệ có thể xem như là “dữ dằn” như Quế Ngọc Hải, luôn cần thiết để tạo nên một hàng phòng thủ chắc chắn.

Có rất nhiều trung vệ, tiền vệ trung tâm hàng đầu thế giới cũng “dữ dằn” có tiếng như Quế Ngọc Hải, thậm chí họ còn là trụ cột của hàng phòng ngự. Chẳng hạn như Sergio Ramos, trung vệ đội trưởng của câu lạc bộ Real Madrid, luôn có lối chơi khá rắn, nhận không ít thẻ đỏ trong sự nghiệp. Hoặc Pepe, linh hồn hàng phòng thủ của đội tuyển Bồ Đào Nha, có lối chơi dữ dằn tới mức có biệt hiệu “gã đồ tể”. Hoặc John Terry, trung vệ đội trưởng của câu lạc bộ Chelsea, cũng có lối chơi rắn có tiếng. Ngoài ra có thể kể đến Claudio Gentile, Gennaro Gattuso, Nigel De Jong… rất rất nhiều những “máy chém” trong lịch sử bóng đá thế giới. Họ được các huấn luyện viên trọng dụng, đơn giản chỉ vì… tiền đạo đối phương sợ họ, điều đó đồng nghĩa với khung thành đội nhà được an toàn.

Điều đó có nghĩa là, những cầu thủ có lối chơi cứng rắn, máu lửa ở một mức độ nào đó vẫn được có huấn luyện viên xem trọng, miễn sao chuyên môn họ tốt. Và điều đó cũng có nghĩa, Quế Ngọc Hải tuy có hơi quá trong những pha phòng thủ của mình, những vẫn có thể chấp nhận được. Vậy tại sao khán giả bóng đá Việt Nam lại có phản ứng thái quá như vậy, thậm chí còn muốn kỷ luật, muốn loại cầu thủ này khỏi môi trường bóng đá? Rất đơn giản, bởi người hâm mộ bóng đá Việt Nam đa số… yêu cái đẹp, và thậm chí, yêu tới mức thái quá, yêu tới mức phù phiếm.

Cứ xem bóng đá Việt Nam từ thời học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG mở ra, và được tung hô như biểu tượng của bóng đá đẹp Việt Nam. Rồi cho tới thời huấn luyện viên Toshiya Miura đặt nền móng sửa chữa khuyết điểm của bóng đá Việt Nam, đó chính là thể lực và tính kỷ luật thì lập tức nhận vô số lời chê bai, bới móc khuyết điểm, chỉ bởi lối đá mà huấn luyện viên Miura xây dựng được xem là… không đẹp. Định nghĩa bóng đá đẹp của người hâm mộ Việt Nam đã được định hình là lối chơi bóng đập nhả ngắn, để phù hợp với… thể lực và thể hình yếu kém của cầu thủ Việt Nam. Tư tưởng theo đuổi cái đẹp một cách phù phiếm như vậy, để rồi mặc định cầu thủ Việt Nam là yếu thể lực, thể hình thấp bé đã góp phần đưa bóng đá Việt Nam cũng… thấp bé theo không kém.

Cho đến khi câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, với những lứa cầu thủ đào tạo theo mô hình của học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG vẫn lẹt đẹt ở cuối bảng xếp hạng V-League; những Công Phượng, Anh Tuấn chỉ có thể đóng vai dự bị của dự bị tại giải hạng 2 Nhật Bản; đội tuyển Việt Nam liên tiếp thua mất mặt với lối đá đẹp phù phiếm ấy… Tư tưởng về cái đẹp phù phiếm ấy vẫn chưa thay đổi, bởi những câu nói “đá đẹp là được, thắng thua không quan trọng” vẫn xuất hiện nhan nhản. Thậm chí, U19 dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn theo đuổi lối đá giàu thể lực, chặt chẽ, kỷ luật đã bị chê bai không tiếc lời trong giai đoạn đầu còn chệch choạc. Dù cho sau đó U19 Việt Nam đã làm nên lịch sử với thành tích giành vé tham dự World Cup U20, thì chỉ cần họ thua một trận, dù cho là đối thủ mạnh hơn rất nhiều, thì những sự chỉ trích về lối chơi vẫn tiếp tục xuất hiện, chỉ bởi vì họ dám cả gan… không đá bóng đẹp, dù chỉ là vẻ đẹp phù phiếm.

Bởi vậy, mẫu cầu thủ như Quế Ngọc Hải, hoặc xa hơn như Công Vinh, Mạc Hồng Quân … luôn không được lòng người hâm mộ, bởi họ không phải là mẫu cầu thủ có thể… biểu diễn những đường bóng đẹp mắt làm hài lòng người hâm mộ. Dù cho tính hiệu quả, nhiệt huyết thi đấu họ không hề thua kém, thậm chí là hơn hẳn. Một nền bóng đá mà vẫn chỉ ưa chuộng những vẻ đẹp phù phiếm, thích ảo tưởng mà không đề cao tính hiệu quả, những giá trị thực tế, thì những mẫu cầu thủ như Quế Ngọc Hải thực sự… khó sống. Nếu không thay đổi nhận thức, suy nghĩ một cách lý trí hơn, e rằng ngày mà bóng đá Việt Nam vươn lên tầm cỡ châu lục vẫn còn xa lắm.

Duy Duy (BKH)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/ngoi-sao/chuyen-que-ngoc-hai-va-su-ua-chuong-ve-dep-phu-phiem-204-206374.html