Chuyện ở xã nghèo Đồng Ruộng

Chỉ chưa đầy 10 km đường liên xã mà phải mất hơn ba giờ, từ thị trấn Đà Bắc xe chúng tôi mới tới được Đồng Ruộng - một xã vùng sâu của tỉnh Hòa Bình.

Đường rải bằng đá hộc, lồi lõm, nhấp nhô khiến người tinh ý mới nhận ra đó là đường đi, và cũng không khó để đoán ra rằng, điểm đến của con đường này là một địa phương còn nghèo khó...

Xã nghèo nhất của huyện nghèo

So với nhiều địa phương khác của tỉnh Hòa Bình, Đà Bắc là huyện nghèo. Trong đó, xã Đồng Ruộng lại là một xã vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn của huyện. Toàn xã có tổng diện tích 4.200 ha, trong đó 84% là đất lâm nghiệp, 13% diện tích là núi đá, sông suối, còn lại vỏn vẹn 3% diện tích đất để 523 hộ, gồm 2.144 nhân khẩu trong xã trồng cây lương thực. Sống ở vùng đất khó nên mức thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt khoảng năm triệu đồng một năm, trong đó số nhân khẩu có mức thu nhập dưới 400 nghìn đồng là 1.219 người. Áp dụng theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ thì phần lớn số hộ của xã này thuộc diện nghèo và cận nghèo. Và, nếu lấy mức sống trung bình của tỉnh Hòa Bình (gồm 60.206 hộ nghèo, chiếm 31,5% và 29.303 hộ cận nghèo, chiếm 15,34% tổng số hộ trên địa bàn) để so sánh, thì Đồng Ruộng hiện có tới gần 60% số dân thuộc diện nghèo.

Trước đây, cứ đến kỳ giáp hạt, trong xã phải có tới hàng chục hộ thiếu đói đứt bữa. Cái ăn thiếu khiến cái mặc, cái văn hóa cũng vì đó mà "xa lánh" người dân vùng cao này. Gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh đã đầu tư nhiều dự án, trong đó có các dự án sản xuất nông nghiệp cho xã, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nên cơ bản đã chấm dứt được tình trạng thiếu ăn triền miên của nhiều hộ gia đình. Xác định được hướng đi lấy sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế địa phương, ngay từ nhiệm kỳ 2000-2005, Đảng bộ xã đã chỉ đạo đưa các loại giống lúa, ngô mới cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai vào sản xuất. Nhờ đó, 100% số hộ trong xã đã được áp dụng và có được thu nhập tốt hơn từ đồng ruộng so với trước đây. Năm 2001, toàn xã có 86 ha trồng lúa nước với năng suất đạt 42 tạ/ha, sản lượng cả xã đạt 361 tấn, nâng tổng sản lượng lương thực đạt 710 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 366 kg/năm. Đến năm 2011, tổng diện tích các loại cây trồng toàn xã là 283 ha, trong đó so với 10 năm trước, diện tích lúa nước chỉ tăng 10%, nhưng năng suất đã tăng gấp hai lần, đạt hơn 80 tạ/ha. Ngoài ra, Đồng Ruộng có thêm gần 280 tấn ngô và 765 tấn sắn hằng năm phục vụ đời sống người dân. Tuy vậy, trước đây, Đồng Ruộng chỉ có 1.190 nhân khẩu, với 426 hộ. Nay, sau mười năm, số nhân khẩu của xã đã tăng gấp hai lần, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng tăng gấp nhiều lần, nên số lương thực tăng như vậy, khó xóa được tỷ lệ hộ nghèo như kỳ vọng. Nhiều gia đình trong các thôn, bản hiện nay, dù thu nhập vào diện khá của xã cũng chưa thể mua sắm được máy thu hình, xe máy, với các hộ nghèo thì những thứ đó lại càng trở nên xa lạ, may chăng chỉ có được trong ước mơ của những người dân lam lũ nơi đây...

Khó thoát nghèo nếu không được hỗ trợ

Chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Lường Văn Hậu, ở xóm Hạ, anh cho biết, gia đình anh vừa mới tách hộ, hiện có ba nhân khẩu với mức thu nhập bình quân hằng tháng khoảng 500 nghìn đồng/người. Anh là lao động chính trong nhà nên thường xuyên phải ngược xuôi lo có thêm thu nhập để nuôi gia đình. Tuy vậy, theo anh, khả năng kiếm thêm việc làm của đồng bào dân tộc thiểu số khó hơn người miền xuôi rất nhiều, do không được đào tạo, không có nghề phụ để làm thêm. Do đó, ngoài cây trồng, vật nuôi của nhà mình, người dân ở đây không biết đầu tư hay làm thêm việc gì để nâng cao hơn mức sống. Đó chính là cái khó mà nhiều năm nay, các hộ dân trong xã cứ loay hoay đi tìm lời giải mong thoát khỏi cảnh nghèo. Cùng bản, có hộ anh Hà Văn Tháo cũng thuộc diện nghèo đói, với mức thu nhập đầu người hằng năm đạt khoảng bốn triệu đồng. Anh cho biết, gia đình anh hiện có hơn hai nghìn m2 rừng luồng hơn 13 năm tuổi. Gia đình trông chờ vào số luồng này để cải thiện cuộc sống, nhưng hiện giá luồng bán tại chỗ chỉ từ năm đến mười nghìn đồng một cây to nên thu nhập từ diện tích luồng này rất thấp. Nếu chuyển ra thành phố để bán, giá luồng cũng như một số nông sản khác có thể tăng lên gấp hàng chục lần, song phương tiện không có, đường sá đi lại rất khó khăn nên bà con đành chịu. Không riêng gì các hộ anh Hậu, anh Tháo, tại Đồng Ruộng, hiện có tới hơn 50% số hộ trong các thôn, bản cùng chung cảnh khó khăn như vậy. Chăm chỉ làm ăn nhưng đất chỉ có vậy, cây, con giống cũng luôn được chính quyền quan tâm lựa chọn chuyển đổi nhưng năng suất chẳng khá lên mấy, khiến người dân nơi đây vốn sẵn khó khăn, nay lại càng thêm khốn khó.

Khi xây dựng Nhà máy thủy điện, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 4.600 hộ dân với gần 19 nghìn nhân khẩu phải di chuyển đến nơi ở mới; một khối lượng tài sản lớn với 519.661 m3 nhà cửa, công trình kiến trúc, giao thông, trường học của nhân dân, tập thể và Nhà nước phải di chuyển hoặc bỏ lại dưới vùng ngập lòng hồ sông Đà. Một số nơi, bà con nông dân đã dần ổn định được sản xuất, đời sống được cải thiện từng bước, song cũng có rất nhiều nơi, trong đó có nhiều xã của huyện Đà Bắc do không thể trở về nơi ở cũ, trong khi lại phải làm quen với tập quán canh tác mới, nhiều hộ dân đã không thể tự mình thoát nghèo. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng cho biết: Do dự án tái định cư cho đồng bào thiếu tập trung, triển khai chậm, một số loại cây trồng, vật nuôi mặc dù đã được đầu tư song không phù hợp với điều kiện canh tác và chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Hạ tầng giao thông ở vùng tái định cư quá kém nên dù có sản xuất tốt, song các sản phẩm hàng hóa của nông dân rất khó tiêu thụ, từ đó giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vùng tái định cư với các nơi khác cũng không phát triển, đã kìm hãm sự đi lên của địa phương, từ đó làm cho thu nhập của người dân rất thấp. Đây cũng chính là mối quan tâm lớn nhất của Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị của địa phương nơi đây.

Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày Nhà máy Thủy điện Hòa Bình khởi công xây dựng (6-1-1979), thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng với các xã tái định cư khác của huyện Đà Bắc, Đồng Ruộng đã đón nhiều hộ dân di cư từ lòng hồ sông Đà. Đến nay, sau ngần ấy năm, điện của Nhà máy đã hòa vào lưới điện quốc gia, cung cấp tới hơn 30% tổng sản lượng điện, góp phần CNH, HĐH đất nước thì người dân nơi đây vẫn còn nghèo khó, thậm chí nhiều thôn bản vẫn chưa có điện thắp sáng hằng ngày. Đây chính là sự trăn trở lớn nhất mà bất cứ ai có trách nhiệm khi đến thăm Đồng Ruộng đều thấy day dứt trong lòng...

VŨ THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/20577902-.html