Chuyện nông dân dám làm, dám chịu

Người nông dân hiện đại thì khác, họ sáng tạo ra những cách làm ăn mới khiến ta ngạc nhiên thú vị.

Ảnh: Shutterstock

Nông dân là những người lao động cần cù ở nông thôn, những người trồng lúa hoặc làm vườn nuôi gia súc, gia cầm hay tôm cá, bán những sản phẩm thu hoạch được để xây dựng cuộc sống gia đình.

Hiểu như vậy là hoàn toàn đúng với người nông dân trong nền kinh tế nông nghiệp trước đây. Người nông dân hiện đại thì khác, họ sáng tạo ra những cách làm ăn mới khiến ta ngạc nhiên thú vị.

Trước hết, họ chịu khó học hỏi, cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến và áp dụng những kiến thức ấy vào trong những hoạt động sản xuất, chế biến của mình.

Xem những chương trình tập huấn canh tác lúa, cây trái, hoa màu, nuôi tôm cá của bà con đồng bằng sông Cửu Long, ta thấy người nông dân rất chịu học hỏi, đặt ra những vấn đề cụ thể cho các nhà nông học trả lời và làm theo đúng sự hướng dẫn của các nhà nông học ấy.

Ai cũng sợ nghề nuôi dê vì con dê dễ bệnh, thả lan đi ăn ở ngoài thì hay phá hoại hoa màu của người khác. Thế nhưng với ông Đoàn Văn Hồng, ở Gò Công Đông (Tiền Giang) thì khác. Mười năm qua, ông khởi nghiệp với một cặp dê lai, giữ cho chuồng nuôi thật sạch, cho ăn thức ăn công nghiệp phối hợp với thức ăn thô cỏ lá, áp dụng chủng ngừa các loại bệnh đầy đủ, đặc biệt là chứng sổ mũi ở dê.

Cứ vậy, đàn dê của ông phát triển lên trên 200 con, mỗi năm ông thu nhập trên 500 triệu đồng. Gò Công Đông là vùng chịu hạn mặn nặng nhưng đàn dê của ông Hồng vẫn thích ứng được với sự thay đổi khí hậu, môi trường và phát triển tốt.

Mùa lạnh về, người nông dân miền Trung thường lo lắng bệnh cúm gia cầm, nhiều nhà nông chăn nuôi gà vịt đã trắng tay vì H5N1. Thế nhưng với ông Trần Quang Vinh (ở Triệu Sơn, Triệu Phong, Quảng Trị) thì khác. Ông có một cơ sở nuôi vịt ta, 20 năm nay không một lần nào cơ sở vịt của ông bị dịch cúm.

Ông cho biết chuyện căn bản nhất là phải chích ngừa cho từng con vịt, giữ cho cơ sở nuôi thật tốt, vệ sinh chuồng trại thật nghiêm túc. Cơ sở của ông khép kín quy trình nuôi vịt, ấp trứng, nuôi vịt thịt, chọn vịt đẻ theo một “thời khóa biểu” nghiêm ngặt. Mỗi năm, ông thu lợi trên 500 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí.

Ai cũng nói vùng cát trắng ven biển miền Trung là đất khô kiệt, không trồng được cây gì, ngay đến cây dừa và cây phi lao vốn chịu đựng hạn mặn tốt mà vẫn vươn mình lên không nổi. Thế nhưng bà con nông dân H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì không nghĩ vậy.

Được các chuyên gia nông học trong và ngoài nước hướng dẫn cách làm đất, cách gieo mầm, cách chăm sóc, cách thu hoạch, bà con đã làm nên một vùng chuyên canh rau sạch bạt ngàn trên bãi ngang ven biển. Họ trồng từ tần ô, cải bẹ xanh, bầu, bí đỏ, bí đao, mướp đến cây măng tây; loại nào cũng tươi ngon, giống nào cũng sạch. Những người nữ nông dân trở thành công nhân nông nghiệp có kiến thức, làm ăn khá lên nhờ rau sạch.

Dám tìm, dám thử nghiệm, dám chịu thất bại để thành công là tác phong của người nông dân mới ngày nay. Sau khi mày mò trồng rau xà lách theo phương pháp thủy canh, bà Phạm Thị Thu Cúc (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tìm ra chìa khóa của công nghiệp thủy canh.

Bà nhập hạt giống từ Hà Lan về, trồng rau thủy canh trong nhà kính. Đến nay thì công nghệ trồng rau thủy canh theo phương pháp châu Âu của bà đã hoàn chỉnh; cứ 1.000 m2 trồng 25.000 cây, mỗi đợt thu hoạch đạt 5 tấn rau sạch, rau có thể ăn ngay tại chỗ mà không cần rửa.

Không riêng gì bà Cúc, các hộ khác ở TP.Đà Lạt cũng trồng rau thủy canh theo nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt là theo công nghệ Nhật Bản. Rau của họ được thu hoạch, đóng gói, vô bao có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, được chở đến những thị trường lớn để tiêu thụ. Loại rau này để được lâu mà không héo, người tiêu dùng hoàn toàn an tâm khi ăn sống hay chế biến các món canh. Tất nhiên, giá rau này cao hơn giá rau trồng bình thường theo kiểu truyền thống trước nay.

Tạo ra một loại nông sản thì tương đối dễ nhưng tìm cách để nâng giá trị loại nông sản đó lên mới là chuyện khó. Những bà con nông dân ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã nghĩ ra điều đó khi làm ra giá trị gia tăng cho trái xoài.

Cũng trái xoài nhưng khi ta để nó phát triển tự nhiên trên cành, nó có thể bị con ong chích, da vỏ sần sùi, màu sắc không đẹp. Bà con nghĩ ra cách bao trái xoài lại bằng một cái bao sinh học (không dùng bao ni lông). Kết quả là khi thu hoạch, trái nào trái nấy đều đẹp, da sáng và bóng. Chỉ chừng đó thôi đã khiến giá trị trái xoài tăng lên từ 80 đến 100% khi xuất khẩu (so với giá tiêu dùng nội địa).

Người nông dân có kiến thức thường nghĩ ra những chuyện tăng giá trị cho sản phẩm khá thú vị. Một lão nông ở Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) trồng khổ qua. Giá khổ qua trong mùa rộ chừng 12.000 đồng/ ký; mỗi ký khoảng 2 trái lớn. Khi trái khổ qua vừa tượng hình bằng ngón tay út, ông lấy vỏ chai nước loại nửa lít cho trái khổ qua vào và... treo chai cẩn thận.

Trái khổ qua lớn lên trong lòng chai rỗng, màu sắc khá đẹp. Ông đổ rượu vào chai, đóng nút và gọi đó là... rượu khổ qua. Chỉ có chừng ấy thôi mà hàng trăm chai rượu khổ qua của ông đã được bán sạch trong cái tết vừa qua với giá mỗi chai 100.000 đồng. Tính ra, tiền vốn mua chai, khổ qua và rượu chỉ là... 20.000 đồng. Chỉ một thay đổi nhỏ, ông đã làm cho trái khổ qua có giá trị gia tăng... quá khổ!

Lão nông Nguyễn Văn Tia (Q.Ô Môn, Cần Thơ) lại tìm cách tăng giá trị cho trái mận. Mỗi mùa mận chín rộ, giá mận rớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/ký khiến người nông dân buồn tình không muốn hái nữa, để cho mận rụng xuống đầy vườn.

Ông Tia đem mấy trái mận chín, ủ trong thau nước để vài ngày và thấy nước... sủi bọt. Ông kết luận: Mận lên men tự nhiên. Ông quyết định làm... rượu mận. Tại sao không nhỉ? Bà con Phú Quốc làm được rượu sim thì ông cũng làm được rượu mận vậy. Ông hái mận trong vườn, làm sạch, phơi ủ, rải men và nấu như người ta nấu rượu nếp.

Kết quả, ông có được một loại rượu mận thơm tho, trong veo rất đẹp. Cơ sở sản xuất rượu mận của giám đốc Nguyễn Văn Tia (Chín Tia) ra đời, rượu được bày bán trong cửa hàng có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý đầy đủ.

Phát biểu trên truyền hình, ông mong được nhiều người tham gia lập công ty lớn, đưa rượu mận vào siêu thị như một món hàng chính quy. Theo ông, có được đầu ra như vậy thì mới mong giải quyết được tình trạng mận rớt giá trong mùa rộ làm hàng ngàn bà con nhà nông lo lắng.

Ở Bến Tre, có một nhóm các bà các chị yêu việc bếp núc, quyết làm cho con tôm có thêm giá trị. Họ mua tôm nuôi loại thật tươi, làm sạch. Họ nạo dừa, vắt lấy nước cốt, cho tôm vào rang lên làm ra mặt hàng mới “tôm rang nước cốt dừa”.

Con tôm đỏ hồng, vỏ óng ánh, láng lẩy để lâu được ba tuần. Vậy là họ đặt làm keo ni lông, in nhãn mác, có ngày sản xuất, hạn sử dụng đầy đủ. Món tôm rang nước cốt dừa của các bà các chị được bán ra trong toàn tỉnh, đạt giá trị gia tăng khá cao!

Vũ Đức Sao Biển

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/chuyen-nong-dan-dam-lam-dam-chiu-819966.html