Chuyện những người giữ 'hồn Tổ quốc' trên đỉnh Lũng Cú

Ít ai biết được rằng, lá cờ tung bay trên đỉnh Lũng Cú có khi phải thay hàng ngày vì gió giật rách, những lá cờ đó lại được bảo quản cẩn thận và đánh số thứ tự để quản lý.

Cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đây được xác định là điểm cực Bắc địa đầu Tổ quốc, nằm ở tọa độ 23 0 21’75’’ vĩ độ Bắc, 105 0 18’97’’ kinh độ Đông. Cột cờ nằm trên ngọn núi đá được gọi là núi Rồng có độ cao 1.468,73 mét so với mực nước biển.

Liên tục phải thay cờ

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn (hàng đầu) cùng đoàn công tác thực hiện nghi lễ chào cờ trong chuyến thăm và làm việc với đồn biên phòng Lũng Cú hồi cuối tháng 6/2016.

Đồn Biên phòng Lũng Cú là đơn vị có được vinh dự canh gác và bảo vệ cột cờ Lũng Cú. Theo Trung tá Nguyễn Hồng Phong, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, việc canh gác lá cờ được các cán bộ, chiến sỹ của đồn thực hiện suốt 24/24.

Theo chia sẻ của trung tá Nguyễn Hồng Phong, lá cờ trên đỉnh Lũng Cú phải thay mới khá thường xuyên tuy nhiên không định kỳ mà phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Do yếu tố thời tiết và địa hình nơi đây, gió thường rất mạnh và liên tục nên mỗi khi gió giật rách cờ, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú lại phải tiến hành thay cờ. Thông thường, nếu không có gì bất thường thì cứ 10- 15 ngày hoặc 1 tuần là phải thay cờ mới, nhưng có khi chỉ được 1 ngày đã phải thay để đảm bảo tính tôn nghiêm và hình ảnh Tổ quốc không được phép 1 giây nào vắng bóng trên điểm cực bắc của vùng biên cương này.

Tại Lũng Cú, mỗi lá cờ là một câu chuyện, một minh chứng cho hồn thiêng sông núi nơi địa đầu tổ quốc. Mỗi lá cờ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình lại được các chiến sỹ gấp lại, ghi mã số, ngày thượng cờ, ngày hạ cờ và được bảo quản một cách trang nghiêm. Những lá cờ này sẽ được các cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Lũng Cú tặng cho các đoàn khách đến thăm Lũng Cú như một món quà mang nhiều ý nghĩa tinh thần. Những lá cờ mang ý nghĩa lan tỏa lòng yêu nước, truyền thống bất khuất, kiên cường của quân và dân cho mỗi cơ quan, đơn vị được tặng.

Tuy nhiên, vì lượng khách đến thăm Lũng Cú rất đông, vào mua hoa tam giác mạch mỗi ngày có từ 6.000 – 7.000 du khách đến với Lũng Cú, nên không phải đoàn nào cũng có được may mắn có được lá cờ mang về làm kỷ niệm. Do vậy, với mỗi người dân Việt Nam, được đặt chân lên đỉnh cực Bắc của Tổ quốc, được ngắm nhìn lá cờ thiêng liêng của tổ quốc tung bay trong gió và đặt tay lên ngực hát quốc ca, cũng đã là vinh dự to lớn.

Trong chuyến thăm và làm việc tại đồn biên phòng Lũng Cú, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú trao tặng lá cờ được đánh số thứ tự là 206. Theo Trung tá Nguyễn Hồng Phong, việc đánh số bắt đầu được thực hiện từ năm 2010 trở lại đây, trước đó khi làm công tác lưu trữ, những lá cờ chỉ được ghi nội dung là lá cờ đã được treo trên cột cờ Lũng Cú.

Trung tá Nguyễn Hồng Phong trao tặng lá cờ số 206 cho Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Mỗi lá cờ ở đây thực sự mang giá trị và ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa và tâm linh. Với những cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú, việc canh gác, bảo vệ lá cờ cũng như bảo vệ biên giới là vinh dự vô cùng lớn lao.

Đồn Biên phòng Lũng Cú cũng đang lưu giữ lá cờ tổ quốc do cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa tặng.

Cột cờ có từ khi nào?

Tên gọi Lũng Cú có từ lâu đời, có nhiều giả thiết về tên gọi này và đến nay vẫn chưa có khẳng định nào chính thức. Có giả thiết cho rằng: Lũng Cú gọi theo tiếng Lô Lô phiên âm Hán Việt là Long Cư, có nghĩa là nơi rồng ở, xét về ý nghĩa tự nhiên cũng có thể hiểu là nơi con rồng cháu tiên sinh sôi nảy nở. Nhưng theo các sử liệu ghi lại, có giả thiết cho rằng: Địa danh Lũng Cú mang tên một người thủ lĩnh đứng đầu dòng họ dân tộc Lô Lô có công khai khẩn đất hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất, trải qua hàng nghìn năm lịch sử thì họ vẫn bám trụ nơi này và người Lô Lô ở các vùng khác như Mèo Vạc (Hà Giang) hay Bảo Lạc (Cao Bằng) luôn coi Lũng Cú – Đồng Văn là quê hương của mình.

Dưới bóng cột cờ.

Sử liệu cũng ghi lại, tiền thân của cột cờ Lũng Cú ngày nay xuất hiện từ thời Lý, khi Lý Thường Kiệt hội quân trấn ải biên thùy, ông đã cho treo một lá cờ tại nơi này để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Cũng chính nhờ lá cờ đó mà trong suốt quá trình lịch sử, vùng đất biên ải này luôn được giữ vững.

Đến triều đại nhà Tây Sơn, sau khi đại phá quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung cũng đã cho đặt một chiếc trống đồng nơi đây, cứ mỗi canh tiếng trống lại vang lên 3 hồi đĩnh đạc như một sự khẳng định chủ quyền của đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch sang tiếng H’Mong là Long Cổ, tức là tiếng trống của nhà vua.

Trước đây, đường lên cột cờ chỉ là con đường mòn, đến năm 2002, đường lên cột cờ được rải nhựa và dễ đi hơn.

Đường lên cột cờ Lũng Cú.

Từ trên đỉnh núi Rồng, chúng ta có thể quan sát được toàn bộ khung cảnh hùng vĩ nơi đây. Hai bên núi Rồng là hai hồ nước tự nhiên như hai con mắt, nằm đối xứng nhau theo trục Đông – Tây, nhân dân quanh vùng thường gọi là mắt rồng. Hai hồ này không bao giờ cạn nước và luôn có mực nước xấp xỉ bằng nhau, là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân quanh vùng.

Cột cờ ngày nay được xây dựng lại vào năm 2010, tổng số bậc từ dưới chân núi lên đỉnh là 839 bậc, trong đó bên trong thân cột cờ là 135 bậc. Tổng chiều cao cột cờ là 34,85 mét, trong đó phần chân bên lan can cao 20,6 mét, cán cờ cao 14,25 mét, đường kính ngoài cột là 3,80 mét, trong cột là 3 mét.

Hiên ngang ngự trị trên bầu trời là lá cờ tổ quốc thiêng liêng có diện tích 54 mét (chiều dài 9 mét, chiều rộng 6 mét) tượng trưng cho sự đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên khắp cả nước. Ngay dưới chân cột cờ có 8 mặt phù điêu tượng trưng cho nền văn hóa của từng vùng miền và 8 mặt của trống đồng.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chuyen-nhung-nguoi-giu-hon-to-quoc-tren-dinh-lung-cu-post202917.info