Chuyện nghề, chuyện đời của những nữ nhà báo

Bên cạnh sự gian khổ, khắc nghiệt, nghề báo còn được biết đến là nghề nằm trong top 4 nghề nguy hiểm nhất. Càng vất vả hơn khi các nữ nhà báo vừa phải làm tròn vai trò làm vợ, làm mẹ, vừa phải cân bằng giữa gia đình và công việc. Thế nhưng, họ vẫn luôn mạnh mẽ, vượt qua tất cả, sống trọn với đam mê nghề nghiệp.

Nhà báo Hoa Mơ (thứ ba từ trái sang) nhận Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2014.

Vượt qua mọi thử thách

Nhà báo Hoa Mơ, Phó Trưởng phòng Chuyên đề, Đài PT-TH Nghệ An, hơn 15 năm gắn bó với báo truyền hình. Ngần ấy năm với nghề, không biết bao nhiêu là kỷ niệm, những buổi trưa trời nắng như đổ lửa, hay những đêm mưa, những ngày lũ mấy chị em vẫn đến hiện trường, đảm bảo hình ảnh chân thực nhất. Đó là chưa kể đến những trở ngại về tâm lý, khi hầu hết ekip sản xuất truyền hình phần lớn là nam giới. Đi công tác hầu như chỉ có mỗi chị là nữ (đạo diễn, quay phim, lái xe… nam giới hết). May mắn, chị luôn nhận được sự cảm thông, tin tưởng từ chồng, từ gia đình, nên mới có thể theo đuổi đam mê cho đến tận bây giờ.

Chị nhớ lại chuyến công tác đầu tiên khi mới bước chân vào nghề là đi vào bản Tân Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An. Phải đi bộ từ đường 7 vào trung tâm xã mất một buổi, từ trung tâm xã vào bản người Mông mất một buổi nữa. Là nữ duy nhất của đoàn, lại sợ vắt cắn, nên chị phải chạy thật nhanh để nó không kịp “ngửi” thấy hơi người. Thế mà vẫn bị cắn. Lúc đầu tay chân run rẩy, suýt ngất, sau rồi cũng quen. Hay năm 2009, chị đang mang bầu hơn 5 tháng nhưng vẫn hăng hái tham gia sản xuất chương trình dự thi Liên hoan PT-TH tỉnh Nghệ An. Đề tài mà ekip của chị thực hiện là làm phim về người nông dân đồng thời là giám đốc - Phan Văn Hòa, người có công làm nên thương hiệu của Gạo Xứ Nghệ. Gương mặt đầy cảm xúc, chị kể: “Phải nói trong thời gian sản xuất phim về anh Hòa, chúng tôi không gặp may cho lắm. Gần nửa đêm, khi đã chuẩn bị đâu ra đó, thì máy quay bị hỏng. Chạy đi, chạy lại từ Vinh ra Yên Thành không biết bao nhiêu lần. Nhớ nhất là lần tôi cùng quay phim và anh Hòa bắt xe khách từ Vinh đi ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội bắt xe đi Hải Dương để quay hình anh Hòa ở Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng. Quay xong lại bắt xe về Vinh ngay trong đêm. Mang bầu đã gần 6 tháng, đi và về gấp quá, nên về đến Thanh Hóa là bụng đau, cứ co cứng lại. Cậu quay phim được một phen hết hồn. Sau này, khi vừa sinh con được 2 tuần thì phóng sự của chúng tôi cũng được trao giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Vừa ôm con, vừa xem TV và nghĩ mình cũng thật liều ”.

Nhà báo Hàn Ni trao đổi về kỹ năng làm báo với sinh viên Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình.

Bản lĩnh nghề nghiệp

Với nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, tác giả loạt bài viết liên quan đến vụ quán cà phê Xin Chào gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua, nữ giới làm báo sẽ không bất lợi so với nam giới nếu có kiến thức, đam mê và bản lĩnh để vượt qua những áp lực của nghề.

Chia sẻ về những áp lực khi thực hiện loạt bài về quán cà phê Xin Chào, nhà báo Hàn Ni cho biết: “Để viết một bài báo với khoảng 1.900 chữ, tôi đã phải nghiên cứu bộ hồ sơ với 300 trang giấy đủ bút lục. Những ngày ấy, tôi gần như không ra ngoài, không có thời gian ăn cơm, nghỉ ngơi. Khi nắm rõ sự việc, chỗ nào còn thắc mắc liên quan đến các chuyên ngành thì tôi gọi điện thoại cho những người bạn học luật làm ở các cơ quan chuyên ngành để hỏi. Rồi chúng tôi cùng ngồi lại, tìm ra cơ sở pháp lý, thậm chí phân công một người giỏi nhất phản biện để làm sáng tỏ vụ án. Tranh luận xong, gần như tôi thuộc làu 300 trang tài liệu mới bắt tay vào viết. Mất ngủ nhiều ngày liền, tôi sút 2 kg. Rồi khi báo đăng, cộng đồng mạng xôn xao, các báo khác vào cuộc, quyền lợi của một số người bị đụng chạm cũng khiến tôi rất áp lực. Tuy nhiên, đã biết, đã nghe, đã thấy người dân bị oan mà không làm thì sẽ day dứt nên phải làm thôi”. Kết quả loạt bài này của chị đã đoạt giải Nhất giải Báo chí TP.HCM lần thứ 34 thể loại Phóng sự điều tra.

Hay khi thực hiện loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế GTGT” phản ánh các DN bán lẻ, trung tâm thương mại bán hàng không xuất hóa đơn, hàng hóa trôi nổi nhưng lại liên tục báo cáo lỗ, còn được hoàn thuế, chị Hàn Ni cho biết, từ khi có ý tưởng đề tài, chị đi tìm hiểu mỗi ngày, tìm đến những người đã làm ở các DN và đã nghỉ để hỏi chuyện. Lấy được thông tin rồi nhưng quan trọng là phải kiểm chứng được thông tin chính xác, muốn vậy phải có số liệu từ cơ quan chức năng. Nhưng đời nào các cơ quan chức năng chịu cung cấp để có cơ sở đối chiếu. Nếu thông tin đăng báo không chính xác thì chính nhà báo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bằng nhiều cách, cuối cùng chị cũng xác minh được các con số mình đang có là chính xác và lúc này loạt bài chính thức được đăng. Khi đó, ngành Thuế vốn là “lãnh địa” hiếm ai dám chạm tới vì tính đặc thù của nó nên bài viết cũng tạo nên một hiệu ứng đáng kể. Cũng như vụ quán cà phê Xin Chào, loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế GTGT”, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng vào cuộc chỉ đạo các đơn vị làm rõ. Từ đó, hoạt động thu thuế GTGT đã có nhiều cải tiến, hạn chế thất thu cho ngân sách nhà nước.

Không chỉ giỏi nghề, vốn là Thạc sĩ Luật và từng có thời gian làm luật sư, chị còn mở Văn phòng tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân tại Tây Ninh từ năm 2003 đến nay. Được gặp và tiếp xúc thực tế với nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời, do thiếu hiểu biết về pháp luật mà vướng vào những điều không đáng có, nhà báo Hàn Ni đã xuất bản cuốn sách “25 tình huống pháp lý đời thường”. Ngoài ra, chị cũng đã xuất bản 2 cuốn sách là “Viết báo và theo đuổi sự kiện” và “Hãy sống như hạt đậu nhăn nheo”. Được biết, chị đã dùng toàn bộ tiền tác quyền và bán sách để lập “Quỹ học bổng Thắp sáng tương lai” dành cho sinh viên. Ý tưởng này được các đơn vị làm sách, Hội sinh viên TP.HCM và thu hút được nhiều cá nhân, DN tham gia ủng hộ với tổng số tiền khoảng 800 triệu đồng. Quỹ sẽ được duy trì thường xuyên và mỗi năm sẽ tổ chức một Ngày hội học bổng để trao cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Phụ nữ làm báo với bao vất vả không thể nói hết nhưng với lòng yêu nghề, sự tâm huyết, họ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường của mình. Chỉ vậy thôi, những người phụ nữ yếu đuối cũng trở nên mạnh mẽ. Bởi vì, không thể phủ nhận sức hấp dẫn của nghề báo, bởi nó cho các nhà báo cơ hội được khám phá những miền đất mới, những con người mới và rèn cho họ bản lĩnh, và khát vọng đam mê nghề nghiệp.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chuyen-nghe-chuyen-doi-cua-nhung-nu-nha-bao.aspx