Chuyện ly kỳ ở làng giếng cổ

'Đình không xà, trong làng có 73 cái giếng'. Đó là câu nói dân gian về quê mình mà từ đứa trẻ lớp 1 cho đến ông bà lão 80-90 tuổi ở Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội đều thuộc. Một điều ít ai có thể ngờ rằng những cái giếng cổ ở Yên Sở hiện nay có tuổi đời ngót 12 thế kỷ và mang trong mình nhiều câu chuyện lạ kỳ của ngày xưa và cả ngày nay.

Một ngày lang thang tìm kiếm và chứng kiến nhiều câu chuyện về giếng cổ ở đây đã cho chúng tôi nhiều điều thú vị pha lẫn ngạc nhiên.

Một thuật phong thủy của Cao Biền xưa

“Thứ nhất Cổ Bi (nay là một xã thuộc huyện Gia Lâm), thứ nhì Cổ Loa (một xã của huyện Đông Anh), thứ ba Cổ Sở” (gồm Yên Sở và Đắc Sở của huyện Hoài Đức).

Câu ngạn ngữ dân gian ấy chỉ địa danh 3 vùng đất cổ nhất của Hà Nội xưa, đều có những sự tích và tuổi đời nhiều hơn 1007 năm so với sự kiện Lý Công Uẩn lấy Thăng Long làm kinh đô. Là địa danh cổ thứ ba trong câu nói trên, Cổ Sở được tách thành Yên Sở và Đắc Sở từ thế kỷ 15. Ngày nay 2 ngôi làng này nằm bên bờ con sông Đáy hiền hòa, chứa trong mình 73 cái giếng cổ với rất nhiều giai thoại.

Chúng tôi tìm về Đắc Sở và Yên Sở để một lần hiểu thực hư những cái giếng truyền kỳ ấy ra sao. Hỏi người già và trẻ con ai cũng đọc được câu về quê mình “Đình không xà, trong làng có 73 cái giếng”, nhưng chẳng ai biết lai lịch về nó ra sao. Hỏi han mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một người, có lẽ là duy nhất ở 2 ngôi làng cổ này giải mã được bí ẩn lịch sử về giếng cổ. Người đó là cụ Nguyễn Bá Hân, năm nay đã 87 tuổi, làm nghề dạy học nên dân trong vùng gọi cụ là Đồ Hân.

Cụ Nguyễn Bá Hân (Đồ Hân) bàn luận về giếng cổ với ông bạn hàng xóm

Cụ Nguyễn Bá Hân (Đồ Hân) bàn luận về giếng cổ với ông bạn hàng xóm

Cụ Đồ Hân là anh, em họ đằng ngoại với giáo sư sử học nổi tiếng Phan Huy Lê. Vẫn giữ được đúng phong cách của những cụ đồ ngày xưa, ở nhà ngói 5 gian, vận quần áo nâu sòng, dạy chữ Hán cho các hòa thượng, viết câu đối… cụ Đồ Hân hồn hậu tiếp chúng tôi và ngỏ những lời đầu về lịch sử quê mình.

Cụ đồ râu tóc bạc phơ, đức cao vọng trọng cho biết: “ Làng quê Cổ Sở hay còn có tên gọi Kẻ Giá là một vùng đất địa linh nhân kiệt, ngay từ thời Lý Nam Đế, đã có người anh hùng Phạm Tu lập binh đánh đuổi quân Lương xâm lược”. Chính vì đây là một vùng đất có nhiều nhân tài từ sớm cho nên trong quá trình cai trị Giao Châu (tên gọi của Việt Nam xưa), nhà Đường đã tìm mọi cách để diệt trừ những mầm họa phản kháng. Vào thế kỷ thứ 9, viên tướng Cao Biền (821-887) được nhà Đường cử sang cai quản Giao Châu, từ năm 866 đến 875 với chức vị tiết độ sứ.

Cụ Đồ Hân nhớ lại: “Từ ngày bé tôi đã được ông, bố và các cụ cao niên kể lại rằng ở làng Kẻ Giá quê mình có một con đường mang tên Cao Biền. Con đường ấy dài 1, 2km thẳng tắp và chỉ rộng có 60cm. Cho đến năm 1964, khi nước ta cải cách phân chia lại ruộng đất theo dạng ô bàn cờ thì con đường Cao Biền mới bị mất. Có đường Cao Biền, thì chứng tỏ viên tướng này đã từng về đây điều quân cai quản dân chúng ở làng”.

Sự tích kể rằng Cao Biền đã từng yểm bùa thành Đại La (sau này là Thăng Long-Hà Nội). Theo cụ Đồ Hân: “Tên tướng Cao Biền rất giỏi thuật phong thủy và thường sử dụng phép thuật vào việc dụng binh, đánh trận. Chính vì thế trong thời gian cai quản Giao Châu, y đã sai quân lính và bắt dân Việt đào 73 cái giếng ở Cổ Sở để cắt đứng long mạch, chặn người tài nổi lên chống đối”.

Có giả thiết cho rằng 73 cái giếng ở Cổ Sở ngày xưa là do dân chúng vùng này sống văn minh vốn sạch sẽ, không dùng nước ao, nước sông nên đào giếng để tắm giặt, sinh hoạt. Cũng có giả thiết cho rằng những cái giếng này do quân giặc nhà Minh của Vương Thông (thế kỉ 15) đóng binh ở bến Cổ Sở đã cho lính đào giếng để lấy nước dùng…

Tất cả những giả thiết này đều được cụ Đồ Hân phản biện và đưa ra dẫn chứng để lí giải nó đều không có cơ sở. Nếu xét về cách dụng binh, khi quân giặc nhà Minh ở bến Cổ Sở có vài ngày mà cho đào 73 cái giếng rất quy mô, kiên cố thì sẽ bị tiêu hao nhân lực, thực sự không hợp lí. Hay gần 12 thế kỉ trước, con người chưa thể nào có nhận thức văn minh kiểu đào giếng để lấy nước ăn, nước tắm. Phong trào người dân đào giếng trong nhà để cho gia đình mình dùng mới chỉ có cách đây khoảng gần 2 thế kỉ.

Có thể nói những cái giếng ở làng Cổ Sở là lâu đời nhất còn sót lại tại Việt Nam hiện nay, với tuổi đời ngót 12 thế kỉ, gấp 2 lần những cái giếng cổ với thành hình vuông ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (mới được 6 thế kỉ).

Cụ Đồ Hân lý giải về giải thuyết Cao Biển cho đào giếng để cắt long mạch như sau: “73 cái giếng cổ ở đây đều được làm rất công phu, với độ sâu khoảng 5m, tất cả thành bao quanh lòng giếng đều được kè đá, hoàn toàn không có ít vôi, vữa hay các chất liệu nào khác. Đặt biệt ở tất cả đáy giếng đều đặt một tấm gỗ lim tròn có đường kính trên 1m và dày đến 20cm. Tấm gỗ lim này có tác dụng như để bịt đáy giếng không cho cát, bùn đùn lên. Mỗi cái giếng cổ ở đây phải tốn cỡ 12-13m3 đá để xếp thành, vậy thì 73 cái giếng phải tốn một lượng đá vô cùng lớn”.

Cụ Đồ cho biết ở đây không có rừng, cũng không có núi, vậy lấy đâu ra đá và nhiều gỗ lim đến thế. Chính vì vậy chắc rằng chỉ vì những mục đích thâm hiểm thì đội quân Cao Biền mới phải tốn công sức chở vật liệu từ nơi khác về để yểm vào long mạch của làng Cổ Sở đến như vậy. Hơn thế nữa, nếu dân đào giếng thì cũng chỉ cần mỗi xóm 1-2 cái, nhưng đằng này nhiều giếng chỉ cách nhau chừng 10-15m. Theo như thuật phong thủy mà cụ Đồ Hân cho biết thì nơi đặt giếng là những cái huyệt trên long mạch và Cao Biền là một tay tướng rất giỏi trong lĩnh vực này.

“Thần” giếng

Cho đến nay những lí giải và giả thuyết của cụ Đồ Hân về 73 cái giếng cổ có từ thời Cao Biền cai trị Giao Châu vẫn là hợp lí nhất. Trải qua gần 12 thế kỉ, đặc biệt là những năm Cổ Sở thuộc vùng tạm chiến của Thực dân Pháp thì nhiều giếng đã bị san lấp. Đến nay ở làng Đắc Sở còn hơn 12 cái và Yên Sở là 26 cái.

Để chúng tôi hiểu về giếng cổ quê mình, cụ Đồ Hân đã tận tình đưa chúng tôi đi xem một số cái. Cụ Hân kể: “Trong 26 cái giếng cổ còn lại ở Yên Sở tôi đã thống kê được và có lập hẳn sơ đồ và đã cho in sách. Có một số giếng tiêu biểu được gọi tên gắn với địa danh, con người nổi tiếng gần đó như: Giếng Ngõ Lấp, Giếng Đầu Điếm Đoàn, Giếng Ngõ Tre, Giếng Ngõ cụ Phó Đạt, Giếng Ngõ Chùa Tư…”.

Giếng cổ được xây một khung sắt trên miệng

Sau nhiều cái rẽ cụ Đồ Hân đã dẫn chúng tôi đến một cái giếng cổ. Cái giếng này không còn, mà ở đó chỉ tồn tại ngôi miếu thờ khá lớn, cỡ bằng 1 gian nhà. Đây được xem cái cái giếng chủ rất linh thiêng, không biết vì lí do gì giếng bị lấp, nhưng ngay trên vị trí đó người ta đã cho xây dựng 1 ngôi miếu.

Theo cụ đồ Hân, đây là một vị trí hiểm yếu trong làng Cổ Sở nên quân Cao Biền có lẽ đã cho đào cái giếng này đầu tiên. Hiện nay miếu thờ thần giếng này được người dân hương khói vào các ngày lễ, tết, tuần rằm, mồng một. Đặc biệt xung quanh giếng cổ bị lấp này còn được xây tường bao, lợp mái tôn và hàng rào, cổng sắt rất nghiêm trang.

Cụ Đồ Hân bảo rằng đất có thổ công, sông có hà bá, hồ có thần hồ và tất nhiên giếng cũng có thần giếng. Tất cả bọn trẻ con ở Cổ Sở từ xưa đến nay đã được giáo dục từ bé rằng quanh những khu giếng nước cổ tuyệt đối không được chơi đùa, vứt những thứ linh tinh, bẩn thỉu xuống. Giếng chỉ được phép múc nước để sinh hoạt, ăn uống chứ cũng không được thả cá xuống nuôi. Chính vì vậy dù thành giếng cổ có khi chỉ cao 40-50cm, nhưng từ bé đến giờ cụ Đồ Hân chưa bao giờ thấy có hiện tượng ai bị ngã xuống giếng.

Tương tự là giếng cổ trong vườn nhà bà Lê Thị Tám, ở khu Hạ, Yên Sở, Hoài Đức. Đó là một giếng cổ không có thành. Chính vì vậy để tránh vật nuôi và những đứa bé ngã xuống giếng, nhà bà Tám đã cho làm một tấm ván gỗ có lỗ thông khí để đậy miệng lại. Bà Tám tâm sự, dù hiện nay có nước máy, giếng khoan, nhưng gia đình thỉnh thoảng vẫn dùng nước giếng để ăn, rửa mặt, tắm.

Chiếc giếng cổ và miếu thờ nhỏ trong vườn nhà bà Tám

Nước giếng khoan và nước máy không thể nào trong, mát và sạch như nước giếng đá cổ này được. Đó là lời khẳng định của bà Tám. Để mong thần giếng phù hộ cho gia chủ, nhà bà đã cho xây một cái miếu nhỏ ngay sát bên giếng cổ để hương khói. Con cháu nhà bà Tám không ai dám phá phách hay nghịch linh tinh quanh cái giếng và miếu thờ.

Những chuyện ly kỳ

Trong chuyến tìm về những cái giếng đá ở Đắc Sở và Yên Sở, chúng tôi đã nghe được nhiều câu chuyện mà người dân kể. Giếng cổ đều có thần linh là điều ai ở làng cũng biết, nhưng không phải tất cả người dân đều tuần thủ việc không lấp giếng, san giếng.

Bà Trần Thu Hoa, người ở khu Trung, Yên Sở kể lại: “Đầu năm 2012, gia đình ông Thân và một số hộ gia đình đã hò nhau lấp cái giếng ở khu ngõ nhà mình đi, đồng thời phá bỏ miếu để mở rộng diện tích đất vườn cho các hộ dân gần đó. Nhưng thật kỳ lạ, sau khi lấp giếng được ít bữa, nhiều gia đình xung quanh giếng đều có người bỗng dưng ốm đau khi đang khỏe mạnh, làm ăn thất bát. Thậm chí có người còn dính vào lô đề, cờ bạc thua sạch phải bán nhà. Thấy sự chẳng lành, dân quanh khu giếng cổ gần nhà ông Thân rủ nhau đi xem thầy phong thủy. Thầy kết luận lấp giếng bị động đến phong thủy, động đến thần linh. Mấy hộ gia đình sợ quá lại hò nhau ra nạo vét đất, cát và làm sạch giếng để khơi thông dòng chảy trở lại”.

Bà lão ở khu Hạ, Yên Sở múc nước giếng cổ để rửa mặt và nấu cơm

Cái miếu thờ thần giếng có hẳn đèn lồng bên gốc cây si già và rèm che cửa mà chúng tôi được cụ Đồ Hân dẫn ra xem chính là nơi mà bà Hoa nhắc tới. Vậy là gia đình ông Thân và những người quanh giếng thấy sợ nên phải xây lại miếu, lắp cổng sắt và thờ cúng thường xuyên để mong bình an trở lại với gia đình mình. Không chỉ chiếc giếng ở khu Trung bị thần linh trách phạt sau khi lấp lại phải bới lên, mà nhiều giếng cổ khác cũng đã từng bị người dân san đi rồi lại phải đào lên như cũ, lập miếu thờ cho đến hôm nay.

Hải Dương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/chuyen-ly-ky-o-lang-gieng-co-320243.html