Chuyện lớn, chuyện nhỏ đều phải xử theo luật pháp

Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện buồn, chuyện mất đến chuyện băng hoại đạo đức đều phải tuân thủ và xử theo luật pháp.

Sáng ra hồ Đền Lừ tập thể dục, anh bạn đồng niên thông báo ngay tin nóng: “mất xe đạp rồi”

- Ở đâu?

- Quán Cà phê

- Lúc nào?

- Nhập nhoạng chiều qua.

- Thôi, của đi thay người ông ạ.

- Chí phải. Hơ… hơ… hơ.

- Mất của mà cười à?

- Câu của ông là giải tỏa rồi. Phải vui chứ. Cứ như bà vợ tôi ấy, suốt ngày than vãn, nẫu cả ruột gan lòng mề.

Ảnh minh họa.

Vui mồm, ngứa nghề, tôi kể cho ông bạn già nghe một loạt “khoảnh khắc mất xe”.

Đầu tiên là mùa hè năm 1970. Khóa Văn thứ 11 của chúng tôi ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa kết thúc. Tôi, Phạm Văn Thạch, Cao Xuân Phách cùng ngủ một đêm cuối cùng trên tầng 4 nhà ngoài cùng khu Mễ Trì. Phòng chật, trời nóng nên cả ba quần đùi, ở trần, thẳng cẳng trên sàn xi măng. Cao Xuân Phách cẩn thận nhắc tôi với Phạm Văn Thạch gấp quần áo dài gối đầu, phòng mất cắp. Ngủ say như chết.

Sáng ra, hỡi ôi, ba bộ quần áo gối đầu không cánh mà bay. Ba thằng nhìn nhau "khỏa thân nửa trên” mà không nhịn được cười. Nguy nhất là tôi. Mất ví, mất luôn “Giấy đăng ký xe đạp”. Hồi ấy, loại giấy này quan trọng không kém giấy đăng ký xe máy, ô tô bây giờ. Gay cấn hơn nữa, tờ giấy quan trọng và quý báu này là của bố vợ tương lai cho tôi mượn theo xe đạp. Cha đã dặn đi dặn lại là đừng để mất. Mất là nguy to. Vậy mà…

May quá, đang lấn bấn chuyện quần áo thì Đinh Minh Trọng, quê Quảng Bình, học sau tôi một khóa cho mượn quần dài. Trọng thì cao, tôi thì thấp nên phải lên hai lai. Tôi vừa đi vừa chạy ra đồn công an ở Đường Láng báo mất cắp và được cấp giấy chứng nhận.

Về quê người yêu, tôi cố bình thản, nhưng không thể tươi tỉnh được. Cha hỏi ngay “Có chuyện chi à?” Tôi nhỏ nhẹ kể lại đầu đuôi câu chuyện. Cha thoáng lo buồn rồi cười đôn hậu :”Không lo. Cha lên xã xin cấp lại giấy xe là được thôi mà. Thôi, của đi thay người, đừng buồn con ạ”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi cười tươi. Hồi ấy trẻ trung nên nụ cười sáng láng.

Ra trường. Năm 1970 tôi về làm việc ở CP90 (mật danh của Đài Phát thanh Giải phóng A) ở 56 Quán Sứ, Hà Nội chưa được bao lâu thì cơ quan mất chiếc xe máy “Con cò ma”, già nua, gầy còm, lêu nghêu. Các anh Đào Quang Cường, Phạm Tăng, Trần Quang Khải buồn chốc lát rồi cười phớ lớ.

Tôi mới về nên chẳng hiểu gì. Thì ra “cụ xe” này lụ khụ quá rồi, nhưng là con ngựa sắt chí thân của mấy anh liên lạc, chuyên đưa văn bản phát thanh sang phòng thu thanh ở Bà Triệu. Xe đi suốt ngày, nhưng nổ máy 2 lần, tắt máy 2 lần. Nghĩa là sáng nổ máy, xe dừng ở đâu cũng không được tắt máy. Tắt là chết máy luôn. Chiều nổ máy lại, chạy vô hồi kỳ trận cho đến chiều tối, tắt máy. Vậy mà có kẻ lấy cắp. Thì ra các anh ấy cười vì mất “Cụ Cò ma” này thì cơ quan mới mua xe mới. Chỉ có Thủ trưởng cơ quan là buồn.

Rồi nửa đêm rét ngọt, giữa tháng cuối năm, đang trực đêm, anh Quang Cường bật dậy: “Ôi, tiếng “Con cò ma”. Mấy anh khác chạy theo dọc đường Tràng Thi. Kẻ cắp bỏ của chạy lấy người. “Cụ Cò” được dắt bộ về. Vui vì lấy lại xe, nhưng buồn ngay, vì không được mua xe mới. Riêng Thủ trưởng cơ quan cười như được của, liền thưởng nóng cho nhóm truy bắt kẻ trộm, đoạt lại “Cụ cò ma”. Thì ra vui buồn tùy lúc, tùy cảnh và cũng vì lợi ích của mỗi người.

Cuối năm 1971, đang ăn cơm trưa ở nhà ăn tập thể nhà Đài, số 5 Trần Phú, anh Dương Quang Minh, phóng viên Ban Miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin buồn: “Mình vừa mất chiếc xe đạp xong.” Đoạn, anh cười phớ lớ. Tôi ớ người:

- Mất xe đạp, như đứt ruột mà anh cười được à?

- Xe cũ nát lắm rồi. Mất xe cũ mới được phân phối xe mới anh bạn ạ.

Anh lại cười xả láng, nói tiếp:

- Chỉ thương ai đó lấy cắp xe đạp của mình thì khổ to. Không đi được, chỉ dắt với vác thôi.

Xe đạp của anh Minh thuộc loại như nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình mô tả: “Tất cả đều kêu trừ cái chuông.”

Sự đời là thế. Buồn vui lẫn lộn. Ứng xử là do tâm thế, hoàn cảnh, lợi ích của từng người.

Chuyện nhỏ của từng người là vậy. Chuyện lớn, người có vị trí lớn, ảnh hưởng lớn trong xã hội thì không thể ứng xử vui buồn tùy hứng được. Tỷ như ông Tổng Giám đốc công ty Nhà nước làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của dân phải chịu sự trừng trị của pháp luật, chứ không thể an ủi nhau: “Thôi, nghĩ làm chi cho hao người, cứ cho là của đi thay người anh ạ”.

Phải thượng tôn pháp luật, không thể khác. Nhà nước và mỗi công dân đang tham gia sâu rộng vào đời sống quốc tế lại càng tôn trọng luật quốc gia và luật quốc tế. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện buồn, chuyện mất đến chuyện băng hoại đạo đức đều phải tuân thủ và xử theo luật pháp. Luật có nghiêm thì đức mới cao đẹp mới có nền văn hóa văn minh./.

Vĩnh Trà

Nguồn VOV: http://vov.vn/doi-song/chuyen-lon-chuyen-nho-deu-phai-xu-theo-luat-phap-557506.vov