Chuyện làng 'Nhô' ở Đắk Lắk: Dân khai một đường, huyện báo một nẻo

Mặc dù phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã điều tra, xác minh rõ việc cán bộ thôn Thác Đá (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) có nhiều sai phạm trong lập khống hồ sơ cấp sổ hộ nghèo, cận nghèo trục lợi chính sách của Đảng, Nhà nước gây bất bình trong nhân dân. Thế nhưng sau khi các bài báo được đăng tải, UBND huyện Cư M’gar tiến hành xác minh lại cho rằng các hộ dân trong bài báo nêu đều nghèo đúng đối tượng.

Bà Đặng Thị Hiện ở nhà Đại đoàn kết, tuổi cao sức yếu nhưng thôn,
xã vẫn xếp vào cận nghèo như ông ông Kha.

Dân khai một đường

Theo phản ánh của người dân thôn Thác Đá, để nắm rõ thực hư chuyện làng “Nhô”, chúng tôi phải vào vai cán bộ ngân hàng mới tiếp cận và thu thập được thông tin chính thức từ người những người khá giả của thôn nhưng vẫn được cấp sổ hộ nghèo và cận nghèo; cũng như được nghe tận tường lời vị thôn trưởng khẳng định cách lách luật để cho người dân trong thôn trục lợi những chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tại cuộc tiếp xúc với gia đình ông Nguyễn Trung Kha từ Thái Bình vào lập nghiệp ở thôn Thác Đá từ năm 2002, ông cho biết: Hiện gia đình ông có 3 héc ta đất (trong đó có 2 héc ta cà phê, 1 héc ta điều và cả 3 héc ta này đều trồng xen tiêu) mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.

Do có con vào đại học nên ông được thôn, xã xếp vào hộ cận nghèo để hợp thức hóa thủ tục vay vốn theo diện hộ cận nghèo, từ năm trước đến nay và hưởng các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước.

Ông Kha cũng cho biết, hiện trên địa bàn xã hễ hộ nào có con vào đại học, cao đẳng thì xã sẽ xác nhận cho hộ nghèo, cận nghèo để tạo điều kiện cho vay vốn.

Tiếp cận với ông Văn Đức Tuấn - Trưởng thôn Thác Đá chúng tôi được ông cho biết, mặc dù trong thôn có nhiều hộ kinh tế khá giả nhưng muốn các gia đình, các hộ có con cái đi học đại học, cao đẳng, trung cấp được hưởng các chế độ ưu tiên của Nhà nước và chế độ BHYT cho người nghèo và cận nghèo nên ông mới ưu tiên lập danh sách gửi lên cho xã xác nhận.

Ông Tuấn thừa nhận, việc lập khống hồ sơ để vay tiền Ngân hàng Chính sách “thì dù làm sai một tí” nhưng ngân hàng thu được vốn nhanh và chắc hơn nếu cho các hộ nghèo vay.

Không chỉ vậy, qua 5 năm làm trưởng thôn, ông còn biết rõ năm 2016, nếu hộ nào thuộc diện cận nghèo thì sẽ được cấp BHYT và được khám chữa bệnh ưu tiên trong 6 tháng từ nguồn ngân sách của tỉnh, còn các năm trước thì chế độ này không có. Ông Đức cho biết ông làm nhẹ tay (lập khống danh sách hộ nghèo, cận nghèo) là vì người dân trong thôn.

Huyện báo cáo một nẻo

Mặc dù người dân cho biết như vậy, thế nhưng UBND huyện Cư M’gar lại ra Báo cáo với thông tin trái ngược hoàn toàn.

Tại buổi Họp báo định kỳ tháng 11/2016 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, ông Y Wem Hwing-Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar khẳng định nội dung bài báo viết không đúng và vị Phó Chủ tịch huyện này lý giải là thời điểm kiểm tra, xác minh là thời điểm tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tháng 12/2015; còn những tài sản mới mua và mới xây dựng như: đất sản xuất, ti vi, tủ lạnh, nhà xây… sau thời điểm tổng điều tra không tính cho các hộ mà chỉ để diễn giải thêm và được tính cho năm 2016 khi tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2016.

Về vấn đề này chúng tôi có danh sách các hộ nghèo, cận nghèo do thôn Thác Đá lập, trình lên xã và có chữ ký của ông Văn Đức Tuấn, trưởng thôn, trong đó ghi rõ “Danh sách hộ nghèo của thôn Thác Đá năm 2016”.

Dẫn chứng một vài trường hợp cụ thể mà UBND huyện Cư M’gar báo cáo. Theo Báo cáo của UBND huyện Cư M’gar về kết quả xác minh trường hợp gia đình ông Nguyễn Trung Kha thuộc hộ cận nghèo: Thời điểm tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2015, gia đình ông Kha có 6 khẩu, ông có 1 ha đất trồng cà phê, xen tiêu, 8 sào đất (tỷ lệ đá lẫn trong đất tương đối nhiều) trồng mùa hàng năm và có khoảng 300m2 đất vườn, thu nhập (sau khi trừ chi phí) của năm 2015 khoảng 50 triệu đồng và thu nhập từ làm đậu phụ bán năm 2015 khoảng 10 triệu đồng.

Qua năm 2016, gia đình ông xây được căn nhà khoảng 270 triệu đồng, trong đó số tiền vay để làm nhà là 200 triệu đồng. Kết quả kiểm tra, xác minh tại phiếu B (phiếu khảo sát xác định hộ nghèo) thì gia đình ông thuộc hộ nghèo (N2).

Kết quả của thôn sau tổng điều tra, xếp hạng, lấy ý kiến người dân và kết quả chính thức của xã thì gia đình ông thuộc hộ cận nghèo. Như vậy bài báo phản ánh gia đình ông Kha không đúng với thực tế.

Theo điều tra của phóng viên thì những thông tin Báo cáo của UBND huyện Cư M’gar về trường hợp ông Nguyễn Trung Kha là thiếu thuyết phục và không đúng với sự thật như ông Kha đã cung cấp với phóng viên. Đồng thời xin xác nhận lại rằng ngôi nhà mà UBND huyện cho là ông Kha vừa mượn tiền Ngân hàng Xây dựng năm 2016, thì được gia đình ông này khởi công móng vào ngày 10/11/2013 và cuối năm 2013 thì ông đã làm xong ngôi nhà này và vẫn còn có tiền mua thêm đất để sản xuất.

Thậm chí nhiều người dân thôn Thác Đá cũng tỏ ra ngạc nhiên khi bài báo của chúng tôi đã nêu lên danh sách 73 hộ nghèo và cận nghèo của thôn này trong đó gần một nửa số hộ nghèo và cận nghèo lại thuộc những hộ gia đình khá giả của thôn.

Người dân khẳng định với chúng tôi, việc lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo này đều do cán bộ thôn và xã tự thỏa thuận với nhau, chứ không hề tổ chức họp dân để bình bầu đúng người đúng đối tượng.

Nhiều người dân cho biết một héc ta đất ở khu vực thôn này nếu thuộc loại đất xấu (có nhiều đá) sang nhượng qua tay đã có giá bán từ 400 đến 500 triệu đồng; còn đất tốt ít đá thì mỗi héc ta có giá từ 800 đến 1 tỷ đồng. Mặc dù có giá khá cao nhưng nhiều hộ nằm trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo vẫn đủ tiền mua để trồng cà phê và hồ tiêu.

Theo chúng tôi việc xác định lại diện tích các hộ dân nơi đây không khó bởi xã Ea Kuêh đang tiến hành đo đạc và đề nghị UBND huyện cấp sổ đỏ cho người dân.

Về việc cấp sổ hộ nghèo và cận nghèo thì danh sách hàng năm đều có ở Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội của huyện Cư M’gar; đồng thời phía Ngân hàng Chính sách huyện Cư M’gar cũng lưu trữ danh sách hộ nghèo, cận nghèo của các gia đình trong thôn này để thực hiện cho vay vốn nên việc xác nhận lại những thông tin này không mấy khó khăn.

Từ những bằng chứng nêu trên chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk sớm vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những người của thôn Thác Đá và xã Ea Kuêh cố tình làm sai để trục lợi chính sách Nhà nước và gây bất bình trong nhân dân cũng như dư luận.

Nguyễn Tuấn Anh

Từ khóa

Làng Nhô Đắk Lắk

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/chuyen-lang-nho-o-dak-lak-dan-khai-mot-duong-huyen-bao-mot-neo/135822