Chuyện kỳ thú điền kinh Thanh Hóa: Ngôi đầu sau 40 năm và trung tâm 'chuẩn quốc gia' mới

Tại giải vô địch quốc gia vừa kết thúc, sau 39 năm, điền kinh Thanh Hóa đã lần đầu tiên bước lên ngôi cao nhất toàn đoàn.

Tại giải vô địch quốc gia vừa kết thúc, sau 39 năm, điền kinh Thanh Hóa đã lần đầu tiên bước lên ngôi cao nhất toàn đoàn. Cách đây 2 năm, đơn vị này cũng nhất tuyệt đối ở Đại hội TDTT toàn quốc. Họ cũng đang sở hữu 3 trên 4 tài năng sáng giá nhất nước, nổi bật là hai anh em ruột Quách Thị Lan - Quách Công Lịch.

Số 1 tuyệt đối

Cách đây 10 năm, điền kinh Thanh Hóa dù luôn được đánh giá cao về tiềm năng, tố chất con người mới chỉ đứng thứ 10 tại giải vô địch quốc gia với vài tấm huy chương. Kỷ lục gia nhảy xa Lê Thị Phương hay chuyên gia nội dung 3.000m chướng ngại vật Nguyễn Thị Phương là hai trường hợp ngoại lệ và đột xuất vươn được tới tầm khu vực. Thế nhưng đến giờ, xứ Thanh đã trở thành một hiện tượng ngoạn mục không chỉ của môn điền kinh mà cả TTVN, mà như đánh giá của giới chuyên môn thì “cái gì cũng nhất”.

Ở sân chơi trong nước, tại một cuộc đấu thể hiện rõ nhất nền tảng và diện mạo theo chu kỳ 4 năm là Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Thanh Hóa đã vượt mặt các “đại gia” truyền thống như Hà Nội, Quân đội để giành ngôi đầu một cách đầy thuyết phục. Họ đã đoạt tới 9 HCV mà đáng ra phải là 12 nếu như tài năng trẻ Quách Thị Lan không chấp nhận hi sinh thành tích vì nhiệm vụ quốc gia. Hay vừa mới đây, sau 40 năm, họ lần đầu bước lên ngôi đầu tại giải vô địch quốc gia cũng với 9 HCV.

Đến đấu trường quốc tế, sự vượt trội càng được thể hiện. Quách Thị Lan đã mang về tấm huy chương duy nhất, đáng nói hơn còn là một tấm huy chương màu Bạc cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2014. Tại SEA Games 2015, Thanh Hóa tiếp tục góp công lớn, trong đó nổi bật là tấm HCV lịch sử trên đường chạy tiếp sức 4x400m và 200m cá nhân nam. Chiến tích của họ còn có thể ngoạn mục hơn nhiều chỉ cần 2 hay 3 trong số 5 tấm HCB đổi màu.

Anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan.

Sở hữu 3/4 tài năng sáng giá nhất nước

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tương lai của điền kinh Việt Nam, nhất là với các mục tiêu quốc tế tầm cao sẽ phụ thuộc lớn vào xứ Thanh. Đơn giản vì trong số 4 tài năng trẻ đặc biệt, Thanh Hóa đóng góp tới 3 gồm Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Lê Trọng Hinh, bên cạnh ngôi sao Nguyễn Thị Huyền của Nam Định. Thậm chí, nếu Nguyễn Thị Huyền đang chạm ngưỡng thì cả Lịch, Lan, Hinh mới đang bước vào thời kỳ tăng tốc phát triển.

Bộ ba này đã đạt tới đẳng cấp hàng đầu khu vực, tiếp cận đỉnh cao châu lục. Riêng Quách Thị Lan từng về nhì nội dung 400m ASIAD 2014 và được đầu tư để tranh chấp sòng phẳng HCV ASIAD 2018 cũng như giành suất Olympic 2020. Họ cũng đang sẵn sàng cho một kỳ SEA Games 2017 đại thắng khi hoàn toàn đủ sức để đoạt tới 7 HCV.

Đáng nói hơn, ngoài Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Lê Trọng Hinh, điền kinh Thanh Hóa còn đóng góp 3 tuyển thủ quốc gia xuất sắc khác là Nguyễn Thị Phương, Lê Trọng Giang và Lương Văn Thao.

Bí quyết đột phá và mẫu hình đặc sắc

Thành công ngoạn mục của điền kinh Thanh Hóa không dừng lại ở một môn thể thao cụ thể mà còn minh chứng cho một cách nghĩ, cách làm mang tính đột phá của cả TTVN trong mô hình sáp nhập ngành.

Đội điền kinh Thanh Hóa đang phát triển theo mô hình 4 tuyến, trong đó tuyến 1 gồm 10 VĐV. Đây là những gương mặt đều thuộc lứa tuổi 9x, được tuyển chọn và tập trung đầu tư cách đây 5 năm. Ngay từ đầu, họ đã được hưởng chế độ dinh dưỡng, tiền công rất cao, ngang với mức của ĐTQG. Thấy rõ hạn chế lớn về đội ngũ HLV và cơ sở vật chất tại chỗ, các nhà quản lý huấn luyện đã đưa ra một giải pháp đột phá: Đưa quân lên tập huấn cùng ĐTQG. Ngoài chuyện phải tự bỏ kinh phí, xứ Thanh còn phải rất nỗ lực, tích cực mới thuyết phục ngành thể thao dành cho sự ưu tiên đặc biệt này. Nhờ thế, khi tài năng mới phát lộ, những Lan, Lịch hay Hinh đã được ăn tập theo đúng tiêu chuẩn của một tuyển thủ quốc gia. Và họ đã nhanh chóng phát huy tối đa tố chất, sức vươn hiếm có trong một môi trường lý tưởng.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến điền kinh Thanh Hóa ngày càng chứng tỏ sự vượt trội chính là việc luôn có thể đưa quân ra nước ngoài luyện tài, cả theo diện ngắn hạn và dài hạn. Trong vài năm trở lại đây, các VĐV trụ cột đã liên tục có các đợt tập huấn tại một số cường quốc như Thái Lan, Trung Quốc và Mỹ. Riêng 2 anh em Quách Công Lịch - Quách Thị Lan hiện đang rèn giũa dài hạn trên đất Mỹ và theo kế hoạch tới đây có thêm Lê Trọng Hinh. Thanh Hóa cũng đều đặn “hợp sức” cùng ngành thể thao để cử quân dự tranh các giải đấu quốc tế.

Lãnh đạo ngành thể thao xứ Thanh khẳng định, bất cứ VĐV chứng tỏ được khả năng và triển vọng, ở tầm mức HCV SEA Games, sẽ nhận được sự chăm lo cao nhất về mọi mặt. Sở dĩ Thanh Hóa có thể thực hiện các giải pháp đột phá là nhờ họ có một quỹ xuất ngoại với mức tối thiểu 10 tỷ đồng mỗi năm phục vụ việc tập huấn thi đấu quốc tế. Quỹ này được UBND tỉnh cấp riêng, thậm chí không bị giới hạn về định mức.

Xuyến Chi

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chuyen-ky-thu-dien-kinh-thanh-hoa-ngoi-dau-sau-40-nam-va-trung-tam-chuan-quoc-gia-moi-n125462.html