Chuyện không nhỏ như cây tăm

Hàng ngàn tấn tre nguyên liệu không kể non hay già đã được thương lái Trung Quốc tận thu tại các vùng trồng tre vào năm 2010, ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty Tăm tre Bình Minh (Hà Nội), cho biết. Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ tre trong nước như tăm tre, đũa tre... khi ấy đã rơi vào tình cảnh đói nguyên liệu.

Cùng thời gian trên, báo Hải quan đưa tin, 1.118 tấn tăm tre được nhập qua các cảng vào Việt Nam, chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan. Các doanh nghiệp trong nước lúc này lại đau đầu với một khó khăn khác: tìm đầu ra cho sản phẩm khi phải cạnh tranh khốc liệt với tăm tre nhập khẩu giá rẻ.

Mất cả đầu vào lẫn đầu ra

Hơn 10 năm trước, Bình Minh đã nhập máy móc trị giá 5-6 tỉ đồng và đầu tư xây nhà xưởng chế biến ngay tại các vùng có nguyên liệu. Thời điểm năm 1998, Bình Minh cùng các doanh nghiệp trong nước đã chiếm lĩnh thị trường, tăm Trung Quốc hầu như không xuất hiện ở Việt Nam. Tăm tre Việt Nam còn xuất sang Malaysia, Ấn Độ, Đông Âu...

Từ năm 2010, việc thương nhân Trung Quốc tận thu tre nguyên liệu rồi xuất khẩu tăm giá rẻ vào Việt Nam như đã nói trên đã khiến doanh nghiệp trong nước lao đao.

Trong khi giá mua nguyên liệu của Bình Minh là 19.000 đồng/kg và giá bán tăm ra thị trường là 35.000 đồng/kg thì giá tăm Trung Quốc khi đó chỉ 19.000 đồng/kg. Không ít doanh nghiệp đã chuyển từ sản xuất sang nhập tăm ngoại về dán nhãn của mình để bán kiếm lời. Tăm ngoại nghiễm nhiên được bày bán trên các kệ của siêu thị, chợ, điểm bán lẻ, trực tiếp cạnh tranh với tăm nội.

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Công ty Tăm tre Á Đông, cho biết trong khi tiểu thương mua tăm trong nước về bán lẻ chỉ lời được 20%, bán tăm nhập khẩu có thể lời tới 50%. Từ khi có tăm nhập khẩu, lượng tăm tiêu thụ của Công ty chỉ đạt 60-70% chỉ tiêu đặt ra.

Tại Bình Minh, tình hình bi đát hơn khi công nhân của 4 xưởng sản xuất phải nghỉ gần hết. Từ 274 người, nay cả giám đốc, công nhân chỉ còn 23 người. Thậm chí, Bình Minh phải bán cả dàn máy 280 triệu đồng để có tiền trả lương công nhân. Doanh nghiệp này gần như phá sản khi chưa kịp hoàn vốn.

Hiện nay, Bình Minh chỉ hoạt động cầm chừng, chờ thời cơ. Lãnh đạo doanh nghiệp này không còn chút hứng khởi nào khi chia sẻ với báo chí về tình hình kinh doanh.

Tìm hướng đi mới

Hiện nay, diện tích tre nứa trên toàn quốc đạt gần 1,4 triệu ha (chiếm 10,5% diện tích rừng cả nước). Ngành trồng và sản xuất các sản phẩm từ mây tre đang là công việc kiếm sống của hơn 1 triệu người.

Thế nhưng, với việc doanh nghiệp Trung Quốc tận thu cả tre non, vùng nguyên liệu sẽ bị tổn hại lâu dài. Lãnh đạo Công ty Tăm tre Bình Minh cho hay, nếu tre chưa già đã bị chặt, ít nhất 6 tháng sau măng mới mọc và phải đợi cả năm mới có tre già làm nguyên liệu sản xuất.

Đó là chưa kể, trồng tre cũng là trồng rừng, có tác dụng bảo vệ môi trường, khí hậu. Khai thác tre quá mức cũng không khác nào tàn phá rừng.

Đã đến lúc, các doanh nghiệp trong nước phải tìm cho mình hướng đi mới, chủ động hơn về nguyên liệu. Hiện nay, đã có doanh nghiệp sản xuất tăm nhựa thay cho tăm tre, như Công ty Công nghiệp Việt Úc. Bà Võ Anh Đào, Giám đốc Công ty cho biết, nguyên liệu làm tăm là nhựa nguyên sinh, không độc hại và đã được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 kiểm nghiệm. Nguồn nguyên liệu này có sẵn trong nước và rất dồi dào.

Mới tung ra thị trường từ năm 2010 nhưng tăm nhựa của Việt Úc đã được khách hàng có thu nhập cao đón nhận. “Những ai đã dùng sản phẩm này đều hài lòng và tiếp tục sử dụng”, bà Đào cho biết.

Hiện nay, tăm nhựa của Công ty đã được bày bán ở các siêu thị. Có đơn vị còn ngỏ ý đặt hàng xuất khẩu. Bà Đào cho biết, doanh thu quý I/2012 của Công ty đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ. Dự đoán doanh thu cả năm 2012 sẽ tăng trên 200% so với năm 2011 do Công ty đang khai thác thêm các kênh bán hàng và xuất khẩu sang nước ngoài.

Có thể tăm sẽ tìm được lối thoát theo những cách như vậy. Tuy nhiên, vấn đề là chuyện thừa vẫn nhập và thiếu vẫn xuất đã quá quen thuộc ở Việt Nam. Vẫn còn đó các nghịch lý tương tự như nhập muối trong khi diêm dân không bán được hàng, nhập đường trong khi hàng ngàn tấn mía nguyên liệu bị ngập úng vì không có người mua...

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=12017