Chuyện khó tin về nhà truyền giáo giúp 14 người hồi sinh

Vntinnhanh.vn – Sau khi Smith Wigglesworth qua đời năm 1947, nhiều người kể lại rằng các bác sĩ phát hiện thấy Wigglesworth bị thiếu mất một số mảnh xương ở phần xương bánh chè. Sau đó, những người khác lại thấy trong nhà ông ta có 2 vết lõm, cách nhau khoảng một bàn chân, trên sàn gỗ ở góc phòng.

Các tín đồ tại Đền Angelus ở Los Angeles, một trong số rất nhiều nhà thờ mà Wigglesworth từng ghé thăm

Người ta đoán rằng đó là do Wigglesworth thường xuyên quỳ rất lâu ở đó để cầu nguyện. Liệu câu chuyện này có thật hay không? Không ai có thể trả lời được. Nhưng nó nằm trong những câu chuyện về Wigglesworth, người đàn ông được cho là đã chữa lành cho rất nhiều người và giúp 14 người hồi sinh.

Từng là một thợ sửa ống nước và sau đó đã đi khắp thế giới để giảng đạo, Wigglesworth là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên của Phong trào Ngũ Tuần, trong đó các môn đệ của phong trào này được biết đến trong một số đoàn thể như “những con lăn thánh” – tên này được đặt dựa trên hành vi của các thành viên đầu tiên, những người thực sự lăn lộn trên mặt đất với thần trí mơ hồ.

Ngày nay, Wigglesworth vẫn là một nguồn cảm hứng quan trọng đối với phong trào Ngũ Tuần hiện đại và gần như toàn bộ ngành tiểu thủ công nghiệp vẫn bán các tác phẩm và tiểu sử của Wigglesworth. Ông đã giúp hình thành một trong những khía cạnh mang tính biểu tượng nhất của tôn giáo, đó chính là nói tiếng lạ.

Điều này có thể khiến một số người ngạc nhiên khi biết rằng khả năng đó, dường như là một đặc trưng của khu vực Nam Mỹ, lại được phổ biến bởi một người Anh. Hoặc như việc đặt tay lên đầu tín đồ để ban phúc của Wigglesworth cũng ẩn chứa yếu tố bất ngờ: đó là việc chữa lành bệnh của ông có thể vô cùng bạo lực.

Wigglesworth sinh năm 1859 tại Yorkshire, Anh quốc, trong một gia đình nghèo khó. Sau đó ông học nghề sửa ống nước và kết hôn với Polly Featherstone năm 1882. Có ít nhất 1 nguồn tin cho biết một trong những lần chữa bệnh đầu tiên của Wigglesworth là cho chính bản thân ông. Do đã quá mệt mỏi vì phải dùng muối để chữa bệnh trĩ của mình, ông đã xức dầu bản thân mình và cầu nguyện. Và bệnh trĩ đã biến mất.

Năm 1907, lần đầu tiên ông kể về khả năng nói tiếng lạ của mình, và dành 6 năm tiếp theo xây dựng một nhà thờ ở Yorkshire có tên là Bowland Street Mission. Năm 1913, vợ ông qua đời. Năm sau,Wigglesworth lần đầu tiên đặt chân tới Mỹ thực hiện thánh chức quốc tế của mình và việc làm này cuối cùng đã đưa ông đi khắp thế giới.

Tuy nhiên, vai trò thực sự của Wigglesworth là điều gì đó đã không còn tồn tại trong đức tin Phong trào Ngũ Tuần hiện đại: chữa lành bệnh – điều mà đối với ông là một sự kết hợp giữa cầu nguyện và bạo lực. Wigglesworth tin rằng bất cứ bệnh tật nào cũng đều thực sự là một con quỷ ẩn náu bên trong bạn – nghĩa là việc cầu nguyện là điều cần thiết nhưng cũng thường xuyên cần phải dùng sức mạnh tấn công nó.

Có khá nhiều câu chuyện như vậy: một lần Wigglesworth đã đấm vào dạ dày của người mắc bệnh ung thư dạ dày; hay nhiều lần ông lay những người bệnh nặng đang nằm trên giường một cách thô bạo; hoặc, cách làm phổ biến hơn là rất nhiều lần ông công khai chữa bệnh trước đám đông bằng những cái tát rất mạnh.

Smith Wigglesworth năm 1919

“Quan niệm cầu nguyện cho người bệnh của ông ấy giống như một hành động chiến đấu về mặt tinh thần giúp giải thích cho việc cư xử thô bạo với mọi người trong giai đoạn đầu thực hiện thánh chức của mình. Ông ta cho rằng việc đánh người bệnh ở vị trí đau ốm của người đó chính là đánh vào quỷ dữ. Tuy một số người nói kết quả cuối cùng là để chữa bệnh nhưng nhiều người khác vẫn nghĩ rằng tốt hơn hết là tránh chỉ rõ vị trí cơn đau của họ”, học giả nghiên cứu Phong trào Ngũ Tuần Gary B. McGee viết.

Lời giải thích này được trích từ Foursquare Crusader – tạp chí định kỳ đầu tiên về Phong trào Ngũ Tuần, trong đó miêu tả việc làm của Wigglesworth tại Đền Angelus ở Los Angeles, khi ông tới thăm nơi này vào tháng 7/1927.

“Khi người đàn ông này cầu nguyện cho người ốm ông ta cũng lập tức thực hiện việc chữa trị của mình. Ông ta cởi bỏ áo khoác của mình và xắn cao tay áo. Giơ tay lên trời và hét to: “Đã sẵn sàng chưa!”. Sau khi có được sự xác nhận của người bệnh, ông ta “đặt tay lên trên người bệnh” và cầu nguyện: sau đó, xoa bàn tay quanh vùng cơ thể bị bệnh hoặc tát mạnh vào đó đến mức mọi người xung quanh đều nghe rõ.

Rồi ông ta tuyên bố rằng họ đã được “tự do”, và ra lệnh cho họ phải khom lưng hay quỳ xuống hoặc chạy lên và xuống lối đi, tùy từng trường hợp. Phương pháp của ông ta rất độc đáo, khó khăn và thường buồn cười, nhưng những kết quả của nó dường như đã giải thích cho cách làm này, chẳng hạn như khi ông ta yêu cầu người bệnh đã được chữa lành đứng dậy và họ thực sự có thể nhảy hàng trăm lần trên đôi chân của mình”.

Dưới đây lại là một câu chuyện khác xảy ra vào tháng 12/1934 tại Washington D.C, được đăng trên Redemption Tidings:

“Ngay trước khi cuộc họp bắt đầu thì có một cô gái trẻ đi nạng tiến vào với sự trợ giúp của một người đàn ông và một phụ nữ. Chân của cô hoàn toàn không chạm đất với bàn chân được treo thẳng đứng. Từ phần eo trở xuống gần như hoàn toàn vô lực. Vị trí của cô ở hàng trước. Khi được mời lên để chữa trị, cô gái phải mất nhiều sức để đi lên cùng với 2 người hỗ trợ.

Khi nhìn thấy cô gái tu sĩ Wigglesworth nói: “Cô đã đến đúng nơi cần đến. Cô sẽ trở thành một người hoàn toàn khác khi rời khỏi nơi đây”. Sau khi được cho biết về tình trạng của cô gái, tu sĩ Wigglesworth quay sang nói với mọi người: “Cô gái này không có cơ bắp nào ở chân; trước đây cô ấy chưa bao giờ đi được”. Ông đặt tay lên trên đầu cô ấy và cầu nguyện và hét to: “Nhân danh Đức Chúa Giêsu, đi đi!”.

Tiếp theo ông nhìn vào cô gái và nói: “Có phải cô đang cảm thấy sợ hãi?” – “Vâng”, cô trả lời. “Không việc gì phải sợ. Cô đã được chữa lành!”, ông nói to. “Đi đi! Đi đi!” Và hãy cầu nguyện Chúa như cô đã làm – hãy học giống như một đứa trẻ! Cô ấy đã bước đi, theo cách đặc biệt đó! Vinh danh Thiên Chúa! Khi chúng tôi rời căn phòng này, đôi nạng của cô ấy vẫn đang nằm trên ghế, và chúng tôi thấy cô ấy đang đứng, như mọi người khác, và đang nói chuyện với hai người bạn gái”.

Wigglesworth làm lễ cho một người phụ nữ

Việc chữa bệnh như vậy đã trở nên quá phổ biến đến mức người ta không cần phải miêu tả chi tiết như trên. Trong Pentecostal Evangel năm 1935 có ghi lại:
“Một người đàn ông bị ung thư vùng mặt và tay đã được chữa khỏi gần như lập tức. Một người phụ nữ bị thoát vị 17 năm đã khỏi hoàn toàn. Một người đàn ông bị hen suyễn suốt 8 năm đã được cứu chữa và lập tức khỏi bệnh. Một quý bà đã được chữa khỏi bệnh điếc và nghe rõ mọi việc xung quanh”.

Điều gì đang xảy ra ở đây? Chắc chắn, trong nhiều trường hợp đây là một hiệu ứng giả dược phức tạp, nhưng đó cũng là một kiểu tiếp thị cũ. Hầu hết tất cả những ấn phẩm ban đầu theo dõi các hoạt động của Wigglesworth (và 3 trích đoạn bên trên) đều được viết ra để thu hút thêm nhiều tín đồ mới cho Phong trào Ngũ Tuần đang nổi lên, và điều này đã trở nên quen thuộc hơn đối với người dân Mỹ trong nhiều thập kỷ tiếp theo dưới hình thức của các nhà truyền giáo như Jim Bakker, Paul Crouch, và Jimmy Swaggart.

Và trong những ngày trước khi điện thoại di động có chức năng chụp ảnh, tính hợp lý về đức tin chữa khỏi bệnh chỉ giới hạn trong sự tưởng tượng của bạn. Liệu Smith Wigglesworth có phải là một đại diện đặc biệt được xức dầu của Chúa? Thật khó để nói nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ rằng ông ta không phải.

Đức tin chữa bệnh cũng có thể là một điều mạnh mẽ. Wigglesworth cuối cùng đã đưa hoạt động của mình đến Australia, Ấn Độ, Thụy Sĩ và Phần Lan và được đám đông hàng trăm người tung hô. Huyền thoại về ông cũng được lan truyền mặc dù những sự kiện tập trung đông đảo mọi người của ông hầu hết đều bị báo chí chính thống bỏ qua, điều này cũng có nghĩa rằng có rất ít những chuyên gia đánh giá khách quan đồng hành cùng những sự kiện này.

Người hiểu rõ nhất về cuộc đời của Wigglesworth là Stanley Fordsham, một người bạn và người viết tiểu sử, tác giả của cuốn sách “Smith Wigglesworth: Tông đồ của Đức tin” được xuất bản năm 1948. Đây cũng là tài liệu chủ yếu về truyền thuyết Wigglesworth.

Wigglesworth không thể chữa trị cho tất cả mọi người xung quanh mình. Trong những năm đầu, các tín đồ của Phong trào Ngũ Tuần từ chối y học hiện đại, thay vào đó họ giao sức khỏe của mình cho Chúa, và Wigglesworth cũng không ngoại lệ.

Có lẽ do vậy, đã có nhiều chứng bệnh trong cuộc đời ông mà cho dù có cầu nguyện nhiều bao nhiêu cũng không đủ, giống như bệnh điếc của con gái ông và cuộc chiến của chính bản thân ông với căn bệnh sỏi thận.

Tất nhiên, ông cũng không thể ngăn được cái chết của chính mình. Ông đã qua đời ở tuổi 87, ngày 12/3/1947, trong khi đang tham dự đám tang của một người bạn thân. Hay ít nhất là truyền thuyết kể lại như vậy.

Kim Chi (theo Atlas Obscura)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/chuyen-kho-tin-ve-nha-truyen-giao-giup-14-nguoi-hoi-sinh-137799