Chuyện kéo pháo ở chiến dịch Điện Biên Phủ

Sau 11 ngày trăn trở và 1 đêm mất ngủ, cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi đến quyết định, bằng mọi giá phải lui quân và kéo pháo ra...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” được đánh giá là có ý nghĩa quyết định thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, để đưa ra quyết định lùi quân và kéo pháo ra giữa lúc quân ta vừa trải qua những ngày gian khổ để kéo pháo vào trận địa và đang sẵn sàng chờ lệnh tiến công là rất khó khăn. Câu chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra thắng lợi đã lý giải rất nhiều điều về sức mạnh của quân đội ta, cả về trí, lực và tinh thần tất cả cho chiến thắng. Một cuộc gặp giữa hai người lính, một pháo binh, một bộ binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa giữa TP.HCM. Cả hai đều không thể quên đoạn đường 15 km thấm đẫm mồ hôi và máu khi kéo những khẩu lựu pháo 105 ly với sức nặng 2,2 tấn. Trời mưa, đường trơn, đồi dốc, nhưng gian khổ không ngăn được ý chí của hàng vạn chiến sỹ quyết tâm kéo 24 khẩu lựu pháo và 36 khẩu pháo cao xạ kịp thời gian tấn công. Thế nhưng, khi pháo vừa vào đến trận địa thì lại được lệnh phải lui quân và kéo pháo ra. Đại tá Bùi Văn Nghĩa, Nguyên đại đội phó, đại đội 39, tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, đại đoàn 312 nhớ lại: “Lúc bấy giờ, mọi người rất hoang mang, đồng thời rất thắc mắc vì kinh qua một thời gian được giáo dục, rèn luyện để lập công trong dịp này để giải phóng Tây Bắc, giải phóng Điện Biên Phủ, nhưng Đại tướng lại ra lệnh rút quân và kéo pháo ra, chúng tôi sẵn sàng làm nhiệm vụ, mặc dầu trong tư tưởng cũng có nhiều vấn đề, từ cán bộ, chiến sỹ thắc mắc lo lắng tại sao lại như vậy”. Đại tá Hoàng Minh Phương, Nguyên Trợ lý Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nhớ hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải quấn lá ngải cứu trên đầu sau 1 đêm mất ngủ. Mặc dù thời điểm tấn công đã lui lại 5 ngày và lui tiếp thêm 1 ngày nữa, nhưng yếu tố chắc thắng vẫn chưa có. Các báo cáo từ chiến trường mặc dù cho thấy quyết tâm rất cao, nhưng đã xuất hiện nhiều bất lợi. Đại tá Hoàng Minh Phương: “Đêm 25/1, Đại tướng thức trắng không ngủ, trăn trở bởi vì đa số bảo đánh nhanh, thắng nhanh, nhưng bây giờ pháo vào trận địa rồi, bao nhiêu mồ hôi và xương máu đã đổ của hàng ngàn con người trên đường kéo pháo. Không đánh, bảo anh em lui quân kéo pháo ra. Đây là sự rất bất ngờ, một sự trái ngược hẳn với chiều hướng của ta, nhất là bộ đội kéo pháo. Chưa nói bộ binh cũng gian khổ. Kéo pháo phải trả bằng máu”. Sau 11 ngày trăn trở và 1 đêm mất ngủ, cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi đến quyết định, bằng mọi giá phải lui quân và kéo pháo ra. Quyết định này như một gáo nước lạnh dội vào khí thế tiến công đang lên rất cao. Nhưng với tinh thần: Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuyết phục được các cán bộ trong Đảng ủy đồng ý lui quân để bảo toàn lực lượng. Đại tá Hoàng Minh Phương: Nhà sử học Bularen năm 1982 có viết tác phẩm “Tướng Giáp suýt thua trận ở Điện Biên Phủ” và ông nói, quyết định đó Tướng Giáp đánh cược cả sinh mệnh chính trị của mình… Con đường kéo pháo ra gian khổ hơn lúc kéo pháo vào. Lá ngụy trang bị héo, địch đã nắm được tình hình nên bắn phá dữ dội. Sức người đã suy giảm sau 1 quãng đường dài kéo pháo vào. Nhưng vượt lên trên tất cả, việc kéo pháo ra đã thành công đúng kế hoạch. Đại tá Huỳnh Đãi Chiếu sau đó đã sáng tác một bài hát mang tên “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, trong đó, ông hát về vị Tổng tư lệnh, hát về tình cảm giữa lực lượng pháo binh và bộ binh trong những ngày kéo pháo. Tác giả : Kim Oanh

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/chuyen_keo_phao_o_chien_dich_dien_bien_phu_53615b4953.html