Chuyện kể về anh hùng Thanh Minh Tám

Ngày 21-11-2016, Anh hùng lực lượng vũ trang Thanh Minh Tám, tên thật là A Núk đã từ trần. Ông sinh năm 1936, tại làng Kon Plông, thuộc sắc tộc Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), từ nhỏ đã tham gia các phong trào của người Thượng yêu nước chống thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ. Sự ra đi của một người con ưu tú nơi núi rừng Tây Nguyên khiến chúng tôi, những người đã có dịp gặp vị anh hùng khả kính này thổn thức!

Anh hùng Thanh Minh Tám. Ảnh: Tạ Sỹ

Anh hùng Thanh Minh Tám. Ảnh: Tạ Sỹ

Làng Kon Plông của ông thuộc xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Thời Pháp, tên xã là Măng La, đến khoảng năm 1959 có tên mới là xã Hiếu. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, Pháp đóng đồn ở gần đấy gọi là đồn Kon Plông để chốt chặn nút giao thông huyết mạch từ miền xuôi lên. Năm 1951, ta đánh bức rút đồn này (Nhà tưởng niệm liệt sĩ hiện được dựng trên nền đồn cũ, nơi đầu làng Vi Gơ Lơng). Làng Kon Plông có truyền thống đánh Pháp từ thời Bok Thuần, một người con của làng này, bắt liên lạc với phong trào Nước Xu của thủ lĩnh Săm Brăm nổi dậy gây nên phong trào lan ra cả một vùng rộng lớn trong nhiều năm về sau, như Bok Đăng ở vùng Đăk Tô, A Mét ở vùng Đăk Glei...

Năm 14 tuổi, A Núk được tuyển vào Đội thiếu niên bảo vệ cán bộ cơ sở. Hai năm sau, A Núk tham gia bộ đội địa phương đánh Pháp nhiều trận, trong đó có những trận nổi tiếng, như trận diệt đồn Kon Plông năm 1951, trận đánh công kiên diệt đồn Măng Đen đêm 27, rạng ngày 28-1-1954. Sau Hiệp định Geneve, A Núk tập kết ra Bắc trong đội hình Trung đoàn 120 Tây Nguyên. Ngày 25-8-1958, A Núk được tuyển vào khóa học đặc công tại trường Đội Dung ở Thanh Chương, Nghệ An. Ngày 25-8-1959, kết thúc khóa học, A Núk được trở lại chiến trường miền Nam tham gia thành lập đơn vị đặc công Tỉnh đội Gia Lai.

Trước khi về Nam, A Núk được Trung tướng Nguyễn Đôn đặt cho bí danh Thanh Minh Tám. A Núk bảo: Tám là số thứ tự của A Núk trong 8 người thuộc nhóm trở về chiến trường miền Nam lúc ấy, Thanh và Minh là tên hai cô gái cấp dưỡng ở trường đặc công mà A Núk rất có cảm tình và... hình như hai cô cũng rất quyến luyến anh nữa! Ông Nguyễn Đôn đã nhạy cảm thấy ra điều ấy nên ghép lại để ghi dấu tình cảm Bắc - Nam, tình cảm quân - dân, mong sau này A Núk nhớ mãi!

Về đến chiến trường Tây Nguyên, Thanh Minh Tám đã lập chiến công ngay từ trận mở đầu. Ấy là trận tăng cường cùng đặc công Tỉnh đội Phú Yên tập kích Chi khu Củng Sơn, tỉnh Phú Yên để giải cứu luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào đêm 18, rạng ngày 19-6-1961. Trận giải cứu này mang nhiều màu sắc "huyền thoại", bởi lâu nay có một số bài viết cho rằng Thanh Minh Tám là người đã cõng luật sư Nguyễn Hữu Thọ thoát ra khỏi nhà tù.

Thanh Minh Tám trải qua nhiều trận đánh đặc công táo bạo, dũng cảm, đáng nhớ. Đặc biệt là trận tập kích sân bay Pleiku (Mỹ gọi là trại Hô-lô-uây) vào đêm 6, rạng ngày 7-2-1965. Mũi tấn công của Thanh Minh Tám có nhiệm vụ thọc thẳng vào nơi ở của viên Đại tá Sư trưởng Sư đoàn 6 không quân, cho nổ tung nhà ở và phá hủy chiếc trực thăng công vụ. Sau khi thực hiện thành công, Thanh Minh Tám và đồng đội rút ra bãi đậu máy bay, dùng bộc phá đánh theo phương pháp cách quãng: Cho nổ 1 chiếc, bỏ 1 chiếc, lại cho nổ 1 chiếc... Như vậy, những chiếc máy bay nằm kế cận với nhau đều bị phá hủy khi bộc phá nổ. Ném được 8 khối bộc phá, phá hủy 16 máy bay thì Thanh Minh Tám bị thương ở chân, cố thoát ra ngoài hàng rào phòng thủ dày đặc mìn, rồi lết ra đồng cỏ tranh nằm ở đó để tránh địch phát hiện. Chừng 5 giờ sáng, Thanh Minh Tám mới lần về được vùng Chư Á. Khi gặp được đồng đội, Thanh Minh Tám kiệt sức, phải nhập viện với độc nhất mỗi chiếc quần xà lỏn trên người!

Kết quả trận đánh là 40 máy bay các loại của địch bị phá hỏng, hàng trăm cố vấn Mỹ bị thương vong. Sách "Lịch sử Bộ đội Đặc công Quân khu 5 (1952 - 1975)" có đoạn viết về người chiến sĩ đặc công thông minh gan dạ này: Đồng chí Thanh Minh Tám, một trong những cán bộ, chiến sĩ Đặc công lập nên chiến tích oai hùng trong trận đánh sân bay Pleiku đêm 6, rạng ngày 7-2-1965. Đồng chí được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 19-9-1967. Đây là đợt đầu tiên Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân toàn khu vực Tây Nguyên.

Có một chuyện ít được biết đến về người Anh hùng Thanh Minh Tám, đó là năm 1958, ông được kết nạp Đảng, nhưng bước chân chiến đấu dập dồn, chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia, hồ sơ Đảng tịch bị thất lạc lúc nào không để ý, rồi lãng quên luôn cho đến năm 1971 về lại quê nhà. Lúc này Thanh Minh Tám phụ trách Xã đội trưởng, rồi phụ trách Giao thông - Thủy lợi xã. Năm 1988, ông làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện. Đến đây thì chuyện "khó xử" nảy sinh! Tiếng là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà... chưa phải là "người của Đảng". Thế là, trong cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, 30-4-1988, ông Tánh, Chủ tịch xã Hiếu và ông Chương, Trung tá về hưu, ở cùng xã Hiếu, làm nhân chứng và bảo lãnh phục hồi "Đảng tịch" cho Thanh Minh Tám. Nhưng mãi đến 11 năm sau đó, ngày 30-4-1999, Thanh Minh Tám mới là đảng viên chính thức trở lại!

Xong thời "Áo vải chân không đi lùng giặc đánh", Anh hùng Thanh Minh Tám trở về làng làm một già làng uy tín, ông tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, được mọi người yêu mến. Ông là niềm tự hào, là biểu tượng của cả vùng đất Kon Plông.

Tạ Văn Sỹ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-ke-ve-anh-hung-thanh-minh-tam/