Chuyện kể của những phu vàng trở về (3)

* Kỳ cuối: Loay hoay tìm giải pháp

(Cadn.com.vn) - Có một thực tế đối với người dân ở một số huyện miền núi của tỉnh Nghệ An là chỉ quẩn quanh với nương rẫy và sản vật của rừng, khi mùa vụ qua đi, nhàn rỗi họ lại rời quê để tìm kiếm việc làm ở các nơi khác. Công việc mà họ lựa chọn không đòi hỏi phải có trình độ, kỹ thuật, quản lý theo khuôn khổ mà chỉ cần sức khỏe. Đổi lại, người lao động phải đối mặt với nguy hiểm, không được bảo hộ, khi xảy ra rủi ro phải tự gánh chịu...

Ông Ốc Văn Phương - Bí thư Chi bộ bản Xao Va, xã Bảo Thắng, H. Kỳ Sơn nhẩm tính: bản có hơn 40 lao động đi làm ăn xa, nghi là vào các bãi vàng làm thuê. Còn thống kê của UBND xã Bảo Thắng cho thấy toàn xã có gần 90 lao động rời khỏi địa phương. Đây chỉ là con số mà xã nắm được, còn cụ thể bao nhiêu người thì không rõ vì “họ đi chui, không báo cáo với địa phương”. Trong khi đó, số liệu mà UBND H. Kỳ Sơn cung cấp thì cả huyện hiện có khoảng 370 lao động đang làm việc tại các bãi vàng ở Quảng Nam, tập trung ở các xã có đông đồng bào Khơ Mú sinh sống như Bảo Thắng, Bắc Lý...

Đồng bào Khơ Mú sinh sống ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh. Người dân ở đây chỉ có nguồn thu nhập chính là phát rẫy trồng lúa, ngô, sắn hay bẻ măng, săn bắt các loại thú nhỏ, đánh cá ở các con suối... Không có sinh kế ổn định, trong khi hầu hết các gia đình người Khơ Mú đều sinh nhiều con nên tình trạng thiếu ăn diễn ra triền miên. “Thu hoạch xong rẫy thì người dân cũng không có việc chi để làm. Do không có trình độ, lại không thích gò bó trong khuôn khổ của các nhà máy, xí nghiệp; lại thích đi vài ngày hoặc vài tháng rồi về nên người dân nơi đây tìm tới các bãi vàng để làm thuê kiếm thêm thu nhập” - ông Ốc Văn Phương giải thích thêm.

Lên rừng bẻ măng kiếm thêm thu nhập.

Ông Phạm Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng tâm sự: “Mỗi năm xã cũng cử các đoàn cán bộ vào tận các bản để vận động người dân tham gia các lớp học nghề do huyện mở, hay đăng ký làm việc trong các doanh nghiệp có sự quản lý của Nhà nước nhưng không có kết quả khả quan. Chúng tôi cũng giải thích cặn kẽ cho người dân hiểu những rủi ro có thể gặp phải nếu đi vào các bãi vàng làm việc nhưng họ vẫn cứ đi và đi lúc nào chính quyền cũng không thể nắm được vì có ai khai báo đâu”.

Kỳ Sơn là huyện miền núi giáp biên giới Việt - Lào, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Là huyện nghèo, ít có doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh đóng chân nên việc làm theo đó cũng khan hiếm. Không có việc làm, người dân buộc phải rời quê đi tìm kiếm cơ hội ở các nơi khác. Các công việc mà họ lựa chọn không đòi hỏi phải có trình độ, quản lý theo khuôn khổ mà chỉ cần sức khỏe. Đổi lại, người lao động phải đối mặt với nguy hiểm, không được bảo hộ, khi xảy ra rủi ro phải tự chịu... Lý giải cho tình trạng này, bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND H. Kỳ Sơn cho biết: “Bên cạnh trình độ không đáp ứng được thì phần lớn bà con thiểu số không thích bó buộc trong khuôn khổ các nhà máy, xí nghiệp. Họ thích đi làm công việc tự do, công việc tay chân hoặc vào các bãi vàng. Có người bị lừa đưa đi, có người tự đi, có người biết bị lừa nhưng vẫn chấp nhận bởi vào các bãi vàng thì ít nhất họ còn có cái để ăn, có một ít tiền tích lũy gửi về cho gia đình”.

Thiếu việc làm, thanh niên bản chỉ biết tập trung ngồi buôn chuyện.

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm hiện nay là một bài toán chưa có lời giải, đặc biệt là vùng miền núi, nơi trình độ dân trí, đời sống của người dân còn rất khó khăn. Tất nhiên, Kỳ Sơn không phải là ngoại lệ. Hằng năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm H. Kỳ Sơn và một số doanh nghiệp vào tận các bản để tuyển học viên hay lao động nhưng phải thất vọng quay trở về. Ông Vi Văn Oanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH H. Kỳ Sơn cho biết: “Mỗi năm tỉnh Nghệ An cho H. Kỳ Sơn mở 3 lớp đào tạo nghề như sửa xe máy, may công nghiệp - dân dụng, mây tre đan và dệt thổ cẩm, mỗi lớp từ 25-30 học viên. Các học viên người dân tộc thiểu số sẽ được miễn phí hoàn toàn các khoản đóng góp, chi phí ăn ở trong thời gian học nhưng có khi chẳng tuyển đủ lớp để triển khai. Năm nay huyện mới chỉ mở được một lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm ở xã Keng Đu”.

Nói về những khó khăn này, ông Vi Văn Oanh giải thích, sở dĩ các lớp đào tạo nghề ít thu hút được học viên là do thời gian đào tạo quá ngắn, trong khi đó trình độ học vấn của phần lớn các học viên còn hạn chế. Theo quy định, thời gian cho mỗi lớp học nghề chỉ kéo dài 3 tháng. Từng đó thời gian không đủ để học viên trang bị được kiến thức, làm chủ được kỹ thuật để có thể áp dụng thực tiễn. Từ chỗ học nhưng không làm việc được hoặc không đủ bản lĩnh tự mình mở các cơ sở để phát triển kinh tế, dần dà học viên nảy sinh tâm lý chán nản. Một thực tế là đối với đồng bào miền núi, nếu không có nhiều mô hình đào tạo nghề, phát triển kinh tế thành công thì bà con sẽ không tin.

Được biết, vừa qua có một Cty khoáng sản về H. Kỳ Sơn để tuyển dụng lao động. Theo đó, các lao động sẽ được đào tạo 6 tháng trước khi được ký hợp đồng chính thức. Trong thời gian đào tạo nghề sẽ được miễn hoàn toàn chi phí ăn ở, sinh hoạt. Tuy nhiên, tuyển cả huyện cũng chỉ được 11 người đồng ý, nhưng cuối cùng chỉ có 7 người ra Cty học. Học giữa chừng thì có 2 người bỏ về, chỉ còn lại 5 người.

Mở các lớp đào tạo nghề thì èo uột học viên; học nghề xong thì không đủ năng lực làm việc, không có vốn để tự mở các sở sản xuất phát triển kinh tế. Vậy nên các lao động ở miền núi đã chấp nhận rủi ro trong các bãi vàng trái phép, để rồi bị đánh đập, quỵt tiền công, thậm chí là đánh đổi cả tính mạng của mình... Cái vòng luẩn quẩn này xem ra vẫn chưa có lời giải.

X.S

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_153728_chuye-n-ke-cu-a-nhu-ng-phu-va-ng-tro-ve-3-.aspx