Chuyện kể của người lái taxi

Minh họa của họa sĩ Đỗ Dũng

Một tài xế taxi ở New York đã viết trên trang Facebook của mình:

Tôi lái xe đến địa chỉ đó và bấm còi báo hiệu. Đợi vài phút tôi lại phát tín hiệu lần nữa. Bởi đây là chuyến cuối cùng của mình nên tôi nghĩ sẽ bỏ đi, nhưng thay vì điều đó, tôi lại đóng cửa xe, bước đến gần cửa ngôi nhà và gõ cửa… “Đợi một chút”, giọng nói yếu ớt của một phụ nữ có tuổi trả lời. Tôi nghe thấy như có thứ gì đó đang được kéo lê trên sàn.

Sau một hồi lâu thì cửa mở. Một bà cụ nhỏ bé chừng 90 tuổi đứng trước mặt tôi. Bà mặc chiếc áo khoác hoa và đội mũ có mạng che giống như trong những bộ phim từ những năm 1940 vậy. Bên cạnh bà là một chiếc vali nhỏ. Căn phòng trông giống như không có người ở đã nhiều năm. Tất cả đồ gỗ đều đã phủ một lớp bụi. Không có một chiếc đồng hồ nào trên tường cả, không có những món đồ trang trí hoặc đồ dùng trên giá. Trong góc phòng là một chiếc hộp carton để đầy ảnh và đồ thủy tinh.

“Cậu có thể mang giúp chiếc túi của tôi vào xe được không?”, bà nói.

Tôi nhấc chiếc vali bỏ vào xe rồi sau đó quay lại để giúp người phụ nữ.

Bà nắm lấy tay tôi và chúng tôi chậm rãi bước đến chiếc xe.

Bà lại cám ơn tôi đã có lòng tốt. “Điều đó có gì đâu ạ”, tôi nói với bà “Cháu chỉ cố đối xử với hành khách của mình giống như với mẹ của mình thôi”.

“À, cậu đúng là một cậu bé tốt”, bà nói.

Khi chúng tôi đã ngồi vào xe bà đưa cho tôi địa chỉ rồi sau đó hỏi: “Cậu có thể đi qua trung tâm thành phố được không?”.

“Đó không phải là con đường ngắn nhất đâu”, tôi nói nhanh…

“Ồ, tôi không phản đối”, bà nói. “Tôi không vội đâu. Tôi đi đến trại dưỡng lão”.

Tôi nhìn vào chiếc gương đằng trước. Đôi mắt của bà đang sáng lên.

“Gia đình tôi đã đi từ lâu rồi”, bà nói tiếp với giọng khẽ khàng… “Bác sĩ nói rằng, tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa”. Tôi bình thản đưa tay bấm số đồng hồ.

“Bà muốn đi qua quãng đường nào?”, tôi hỏi.

Trong suốt hai tiếng sau đó chúng tôi đã đi khắp thành phố. Bà chỉ cho tôi ngôi nhà, nơi có thời bà đã từng làm người điều khiển thang máy. Chúng tôi đi qua con phố nơi bà đã sống cùng với chồng mình khi họ còn trẻ. Bà chỉ cho tôi nhà kho bằng gỗ có thời từng là phòng khiêu vũ, nơi đó bà đã nhảy múa khi còn là một cô bé.

Thỉnh thoảng bà yêu cầu tôi đỗ lại trước một ngôi nhà nào đó hoặc là một ngõ nhỏ rồi bà ngồi lặng lẽ trong bóng tối mà chẳng nói gì cả.

Sau đó bỗng nhiên bà nói: “Tôi đã mệt rồi, bây giờ thì chúng ta đi thôi”.

Chúng tôi đi xe trong im lặng đến địa chỉ mà bà đã đưa cho tôi. Đó là một khu nhà thấp có vẻ như là một trại điều dưỡng nhỏ với lối đi dọc theo hàng hiên hẹp.

Có hai điều dưỡng viên bước lại gần chiếc xe ngay khi chúng tôi vừa tới. Họ cẩn thận giúp bà ra khỏi xe. Chắc chắn là họ đã đợi bà. Tôi mở cốp xe và lấy chiếc vali nhỏ ra. Bà cụ đã được ngồi vào chiếc xe lăn.

“Tôi phải trả cậu bao nhiêu tiền?”, bà hỏi khi lấy ra một chiếc xắc nhỏ.

“Không đáng là bao ạ”, tôi trả lời.

“Cậu phải kiếm tiền để sống chứ”, bà nói.

“Vẫn còn có những hành khách khác nữa ạ”, tôi trả lời.

Gần như không suy nghĩ, tôi cúi xuống và ôm bà, bà siết tôi thật chặt.

“Con đã mang đến cho già này một chút hạnh phúc” - bà nói - “Cám ơn con”.

Tôi nắm lấy tay bà rồi quay bước đi. Cánh cửa sau lưng tôi đóng lại. Đó còn là âm thanh của một cuốn sách cuộc đời đang dần khép lại…

Trên đường về tôi không đón thêm hành khách nào nữa. Tôi sẽ không thể nào mà trò chuyện với ai được nữa trong ngày hôm đó. Tôi cứ lái xe đi mà tâm trí thì lạc vào trong những suy tưởng của mình... Sẽ ra sao, nếu như bà cụ đó gặp phải một người tài xế nóng tính hoặc đang vội kết thúc ca làm việc của mình? Sẽ ra sao, nếu như tôi từ chối thực hiện yêu cầu của bà, hoặc sau khi bấm còi xe đôi lần không được tôi liền bỏ đi? Cuối cùng tôi muốn được nói rằng, không có gì quan trọng hơn những điều mà tôi còn chưa làm trong cuộc đời mình.

Chúng ta đã đã quen với suy nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta đang xoay quanh những thời điểm quan trọng. Song những khoảnh khắc ý nghĩa đó thường đến với ta một cách bất chợt và đẹp đẽ, được ẩn sâu trong những thứ mà có thể những người khác chỉ coi là điều nhỏ nhặt.

HẢI YẾN

(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

Robert Turner là nhà hoạt động xã hội và văn hóa người Mỹ. Ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình cho Quỹ Boston Globe, giữ cương vị Chánh văn phòng Nhà nước, đồng thời là biên tập viên, nhà văn, nhà phê bình văn học.

R. Turner có bằng cử nhân báo chí của Columbia College. Ông cũng từng giảng dạy tại Học viện Báo chí Stonehill, và là trưởng nhóm nghiên cứu tại Trường Harvard Kennedy, ngôi trường ông từng theo học.

Truyện ngắn của Robert Turner

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chuyen-ke-cua-nguoi-lai-taxi-604212.bld