Chuyện kể của 'đội đặc nhiệm' chuyên bắt bệnh nhân điên

Cuộc điện thoại gọi đến với lời thiết tha khẩn cầu: “Bác sĩ làm ơn đến cứu giúp, đưa con (anh, chị, em) tôi đến viện để chữa trị, chúng tôi đã cố hết sức nhưng không thể đưa đi được”. Những cuộc gọi như thế sẽ được các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tiếp nhận, kèm với một số thăm dò ban đầu về tình hình người bệnh, chẳng hạn: Nam hay nữ, thể trạng khỏe hay yếu, biểu hiện thế nào, bệnh đã bao nhiêu năm rồi... từ đó sẽ lập ra một nhóm gồm 2 đến 3 y-bác sĩ lên đường đi “bắt” bệnh nhân.

Đội hình đi “bắt” bệnh nhân (Từ trái sang: Điều dưỡng Mạnh, Điều dưỡng Trần Lộ, BS Nguyễn Hiệp, Điều dưỡng Xuân Hòa - đã nghỉ).

“Anh đến đây làm gì, tôi có biết anh đâu?”

Có lẽ không nơi nào tất cả lại bình thản như ở bệnh viện dành cho những bệnh nhân tâm thần. Điều đáng nhớ kể lại cho nhau nghe bên ấm trà nóng trong lúc này là những chuyến đưa, đón bệnh nhân về viện để chữa trị của các y-bác sĩ nơi đây.

“Có rất nhiều trường hợp gọi điện đến nhờ chúng tôi đưa người nhà của họ vào bệnh viện điều trị, khi họ không tự đưa được. Trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bệnh nhân là chính. Gọi là đưa, đón, nhưng thực ra gọi đúng bản chất là đi “bắt”, vì người bệnh có biểu hiện chống đối, lẩn trốn hoặc kháng cự bằng mọi cách” TS-BS Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp tính nữ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (TTTƯ1) - cho biết.

Trên đường đi, cuộc trao đổi thăm dò lại được tiếp tục giữa nhóm bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Bác sĩ yêu cầu người nhà phải “âm thầm” cất những dụng cụ sắc nhọn như dao, kéo, gậy gộc xung quanh nơi ở và tuyệt đối không được đánh động người bệnh để tránh sự sợ hãi, chống đối. Đó là tất cả những đối thoại ban đầu được cho là rất cần thiết trong một chuyến đi “bắt” bệnh nhân.

Tôi có dịp cùng đi với đoàn bác sĩ của Bệnh viện TTTƯ1 lên Ba Vì (Hà Nội) để chữa cho một bệnh nhân bị trầm cảm nặng, đang chuyển sang giai đoạn loạn thần. Trường hợp này là nhân vật “người cá” trong bài viết của tôi trên Lao Động mà lãnh đạo Bệnh viện TTTƯ1 đã nhận chữa trị miễn phí. Dẫn đầu là TS-BS Tô Thanh Phương, cùng với Phó khoa Cấp tính nữ Phùng Thanh Hải, thêm bác sĩ Huy và điều dưỡng Mạnh đi cùng.

Thông thường nhóm đi “bắt” sẽ gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và một hộ lý. Nguyên do của việc “tốn” người này bởi đặc thù của người bệnh tâm thần khác với những người bệnh bình thường. Người tâm thần không kiểm soát được lý trí, hành vi của mình cho nên dễ xảy ra trường hợp hoảng loạn, chống đối nếu người lạ đến gần. Thậm chí chống đối cả người nhà một cách quyết liệt và họ bị xã hội gọi với cái tên vừa hợp lý, vừa lạnh lùng là “người điên”.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh - người có hơn 10 năm đi “bắt” bệnh nhân - kể: “Có những trường hợp mình đến, họ bảo: Anh đến đây làm gì thế, tôi có biết anh đâu. Rồi họ cầm dao đuổi, họ không có ý thức mà”. Cách chống đối thường là chửi bới, vùng vẫy, đánh đấm, thậm chí vớ được vật gì là sử dụng vật đó để chống trả lại bác sĩ. Chẳng hạn như gậy gộc, gạch đá, dao kéo, xoong nồi, bát đũa... có những trường hợp có thể trạng tốt thì dùng sức đánh trả, xô đạp.

Để đối phó với những trường hợp như thế, theo kinh nghiệm của các bác sĩ là tìm cách tiếp cận rồi dùng biện pháp nghiệp vụ như tiêm thuốc an thần, gây mê rồi đưa lên xe. Làm sao để tiếp cận người bệnh tâm thần, lúc này trở thành điểm mấu chốt của công việc.

Muôn dạng hóa trang để tiếp cận

Với 40 năm trong nghề, điều dưỡng Trần Quốc Lộ là một người có khiếu hài hước. Người ở viện hay gọi ông với cái tên hóm hỉnh: Trần Lộ. Trần Lộ xưa kia là lính đặc công chính gốc, khi rời quân ngũ đi học ngành y rồi vào bệnh viện ông cũng làm “lính đặc công” cho những chuyến đi “bắt” bệnh nhân. “Công việc này lúc nào cũng vui vẻ, vì sống cùng những con người không bao giờ biết buồn là gì cho nên phải vui” - ông khà khà, hề hề rồi lại lắng giọng: “Vui nhưng phải yêu nghề thật sự mới làm được công việc này”.

Không nhớ hết số lần đi “bắt” bệnh nhân, mỗi lần là một câu chuyện bi hài như ông kết luận. Nhưng kỷ niệm mà ông khó quên nhất là khi hóa trang vào những vai diễn khác nhau như làm thợ sửa điều hòa, người bán rau, hay thậm chí lội ruộng đi cấy... để tìm cách tiếp cận với bệnh nhân.

Có trường hợp ở ven thị xã Hà Đông, nay là Hà Nội, người bệnh là nam giới, chống đối vô cùng quyết liệt. Trước khi ông và đồng nghiệp của mình đến hỗ trợ đã có hai người bị đánh phải băng đầu, băng chân nằm ở đấy rồi. Hôm đó lực lượng tham gia gồm hai cảnh sát 113 và thêm hai bảo vệ của bệnh viện 103 nữa, nhưng vẫn bất lực.

“Tôi từng là lính đặc công nên có chút kinh nghiệm, tôi tập hợp mọi người lại, một mặt yêu cầu tất cả phải đội mũ bảo hiểm và đi lùi để né tránh gạch ném tới của người bệnh. Gã này có lợi thế là đứng trên một đống gạch vỡ của ngôi nhà đang xây, nên sẵn gạch ném tới tấp vào đoàn người đang muốn bắt giữ mình. Mặt khác, tôi xem xét kết cấu của ngôi nhà, lối ra vào, trần nhà, cửa chính, cửa hậu, rồi phân công mọi người đứng về phía cửa chính để dụ. Tập trung sự chú ý gã này về một phía, còn phía kia tôi lẻn xuống từ trần nhà và từ đằng sau đã khống chế được gã” - điều dưỡng Lộ cho biết.

Một trường hợp khác có tính chất giết người rất ghê gớm, cũng là nam giới, nhà chỉ cách bệnh viện độ 2km. Gã này trong lúc lên cơn đã ném đứa con mới được 3 tháng tuổi của mình xuống sàn nhà, khiến đứa bé chết lịm ngay tức khắc. Trường hợp này ông đã đóng vai thành người thợ điện, đến hỏi sửa điều hòa mới tiếp cận được. Sau khi tiêm thuốc an thần, trói được tay lại phía sau, cùng với một đồng nghiệp khác đưa lên xe máy kẹp về bệnh viện.

“5 năm trước, tôi và các đồng nghiệp xuống TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đưa một người bệnh về bệnh viện. Người này là nam giới, chừng hơn 30 tuổi, là một giáo viên dạy karate, nặng khoảng 80kg, thể trạng rất tốt. Hôm đó chúng tôi huy động một nhóm y-bác sĩ gồm 3 người, sau gọi luôn cả anh lái taxi to khỏe vào giúp nữa, nhưng vừa ôm được chân thì anh tài bị đạp một phát bắn ra mấy mét. Chúng tôi hoảng quá, lấy chăn trùm kín lại rồi tiêm thuốc an thần, tiêm rồi mà mãi thuốc mới ngấm” - anh Mạnh chia sẻ. Anh tài xế bị đạp trúng phần mềm nên may không sao. Trường hợp đó đưa lên xe rồi, tiêm thuốc an thần rồi, nhưng khi đi dọc đường lại tỉnh và buộc phải tiêm thêm một lần nữa.

Anh Mạnh cho rằng: “Để dẫn được những trường hợp này vào bệnh viện chữa trị, nếu không có nghiệp vụ thì sẽ rất khó, kể cả người nhà, hoặc công an cũng không làm gì được. Tuy nhiên yếu tố bất ngờ luôn đến, kể cả trong những trường hợp đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Chẳng hạn có trường hợp, dù đã căn dặn người nhà cất dao kéo, vật sắc nhọn đi rồi, nhưng người bệnh giấu kỹ hoặc thủ trong người thì không thể biết được nên khó tránh khỏi những rủi ro”.

Giống như “tay không bắt giặc”

Điều dưỡng Trần Lộ thành thật và trăn trở: “Đây thực ra không phải là công việc của chúng tôi, công việc của bác sĩ là mặc áo blouse và ở phía sau cánh cổng bệnh viện. Còn đi ra ngoài là để hỗ trợ người dân khi họ gặp vấn đề cần đến bác sĩ. Với việc “bắt” bệnh nhân, khống chế, trói, và “giải” về bệnh viện như thế không phải là công việc của chúng tôi, thực tế là chúng tôi đang sai luật. Nhưng còn cách nào khác để giúp người bệnh tâm thần, điều mà công an với vai trò của mình cũng khó có thể làm được, vì họ không có kiến thức về bệnh tâm thần, cũng không thể có nghiệp vụ như chúng tôi”.

Có rất nhiều rủi ro của công việc đi “bắt” bệnh nhân, ngoài những nguy hiểm như nam giới thì chống trả quyết liệt, đánh đấm, đâm chém. Nữ thì chửi bới, nhổ nước bọt vào người, vào mặt, thậm chí khỏa thân rồi lu loa om sòm. Đấy là chưa nói đến những trường hợp nghiện ngập, nhiễm HIV mà bác sĩ không được người nhà cho biết trước. Tuy nhiên, vẫn còn một khó khăn lớn hơn, đó là về mặt pháp lý, điều luật nào sẽ bảo vệ các bác sĩ trong trường hợp xảy ra những rủi ro như thương tích, kiện cáo, thậm chí là chết người (?!).

Trong một lần đi nỗ lực giải cứu người bệnh ở Bắc Ninh, nhóm đã bị công an xã phạt 1.200.000 đồng về tội áp tải người đi mà không có giấy phép. Rồi lại có trường hợp gia đình người bệnh kiện cáo lẫn nhau vì đằng nội đưa đi chữa bệnh, nhưng đằng ngoại thì không đồng ý, kiện luôn cả bệnh viện và bác sĩ.

Có bệnh nhân, gia đình không muốn đón về, đến khi bác sĩ phải đưa về nhà họ cũng không nhận. Như trường hợp ở Bệnh viện Việt-Đức vừa qua. Bệnh nhân trong tình trạng bó bột 2 chân, đặt ống thông bàng quang do bị tai nạn ôtô, khi điều trị tỉnh rồi và nhớ quê quán. Bệnh viện gọi cho gia đình thì không ai đến, khi đưa bệnh nhân về người nhà trốn hết, buộc phải đưa ra ủy ban xã giải quyết.

Lại có trường hợp, mẹ của phó giám đốc một công ty tư nhân ở Hà Nội gọi điện đến nhờ bác sĩ đưa con mình vào bệnh viện chữa trị. Sau khi ra viện, chính người mẹ này lại đâm đơn kiện bác sĩ, thuê cả luật sư làm đình đám trên báo chí. TS-BS Tô Thanh Phương bức xúc: “Họ nhờ mình giúp rồi lại viết đơn kiện tụng cả phó giám đốc, cả trưởng khoa của chúng tôi. Họ đi nhờ bệnh viện khác chụp tim, gan, phèo phổi của người bệnh rồi đưa luật sư ra cãi là con họ bình thường. Nhưng bệnh nó ở trong đầu, trong não họ, tại sao họ không đến hỏi những người có chuyên môn hay chuyên gia trong lĩnh vực của chúng tôi rồi hãy kiện cáo?”.

“Công việc này không có ai cấp phép, cấp kinh phí cho chúng tôi. Thông thường chúng tôi yêu cầu người nhà viết cam kết nhưng chờ đợi để viết được một văn bản thì rất mất thời gian, cho nên hầu như là “tay không bắt giặc”. Chi phí đi lại có khi cũng mất, vì nhiều gia đình người bệnh nghèo quá” - anh Mạnh chia sẻ.

Những bác sĩ làm công việc âm thầm, đi “bắt” người bệnh tâm thần này thậm chí tự trang bị võ nghệ cho mình, tự chia sẻ kinh nghiệm, nghiệp vụ cho nhau để đi hỗ trợ người nhà của bệnh nhân. Thế nhưng họ không hề được bảo vệ, cô đơn và dường như họ xem công việc là nghĩa vụ của người làm ngành y thực hiện lời thề Hippocrates
tối thượng.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/suc-khoe/chuyen-ke-cua-doi-dac-nhiem-chuyen-bat-benh-nhan-dien-536074.bld