Chuyện ít biết về rước đèn Trung thu xưa ở Việt Nam

Tết Trung thu em rước đèn ông sao! Đèn Trung thu truyền thống của các em đều được làm bằng “giấy kiếng” màu hồng, đỏ, hoặc trong suốt, hoặc đục mờ, đủ kiểu dáng... Vài mươi năm trở lại đây, thị trường đèn rất phong phú, đa phần đều làm bằng những vật liệu mới, cả đến ánh sáng cũng dùng pin chứ ít dùng nến hay đèn cầy như trước.

Đèn lồng rực rỡ trong Tết trung thu. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Chiếc đèn lồng, nguyên sơ có lẽ là thứ xa xỉ của "giới thượng lưu" nhằm mục đích soi sáng cho sinh hoạt và còn để trang trí nhà cửa, ít khi được sử dụng trong giới bình dân người lao động, nhất là ở nông thôn.

Trước khi có đèn, thời xa xưa người ta đã biết dùng đuốc, ngay ở chốn cung đình cũng vẫn vậy (gọi đình liệu). Ngày trước, có thể nói, muốn chắn gió cho đèn khỏi tắt, chỉ có giấy và vải là hai vật liệu chủ yếu, hạng dân nghèo làm gì có được những thứ ấy. Cho nên, cũng vẫn với mục đích soi sáng, chiếc đèn lồng xuất hiện đầu tiên có lẽ là sản phẩm của những nhà "trâm anh thế phiệt", là vật để trang trí nội thất nhằm làm đẹp mắt các tiểu thơ ở chốn kinh kỳ, hay trong những ngôi nhà mà chủ nhân của nó thuộc giới thượng lưu hoặc quyền thế phóng đãng theo kiểu Tây Môn Khánh (trong Kim Bình Mai) bên Tàu, mới dám giăng mắc đèn lồng cùng đường cuối ngõ.

Tây Môn Khánh thời đó chơi sang thật, nhưng chưa nhất! Vừa sang vừa nhất trong món chơi này bên Tàu thời đó chắc phải thua ta. Bởi vào thời phong kiến nhà Lê ở Việt Nam đã có chuyện kể rằng, trước Trung thu độ vài tháng, chúa Tĩnh vương truyền lấy gấm trong kho giao cho các cung nữ làm hàng trăm nghìn chiếc đèn lồng cực kỳ tinh xảo (mỗi chiếc đáng giá đến vài chục lạng bạc!) để kịp phục vụ đêm vui theo ý chúa.

Lễ rước sẽ được tổ chức tại Bắc cung (quanh ao Long trì), nơi mà chúa đã tung ra không biết bao nhiêu tiền của, huy động hàng nghìn nghệ nhân và dân phu làm việc cật lực thâu đêm suốt sáng trong ngót mấy tháng liền để bài trí nên một cảnh quan cực kỳ đẹp mắt với những lối mòn đi ngang về tắt, đá núi chất chồng, tạo khe tạo vùng nối liền hàng chục hòn giả sơn. Khắp chốn đều được điểm xuyết bởi muôn nghìn đóa phù dung, nghiêng mình khoe sắc như cười cợt với hàng trăm nghìn chiếc đèn lồng giăng mắc đều khắp phía trên, ánh sáng soi xuống nước, lấp lánh như muôn ngàn ngôi sao hớn hở đến với đêm hội Long trì.

Để cuộc vui được trọn vẹn, số người dự phải là quan nội thị từ tam phẩm trở lên, số còn lại đều là cung nữ. Ai nấy đều chít khăn và đặc biệt là đều mặc áo đàn bà, giả làm kẻ mua người bán với đủ loại hàng hóa trong Nam ngoài Bắc, không thiếu thứ gì, chất cao như núi.

Do đã được cho đi vi hành, thâm nhập thực tế từ lâu, nên nay phải dùng toàn những ngôn ngữ của người bình dân để dựng thành một hoạt cảnh náo nhiệt chợ búa, vừa nhộn nhịp vừa hỗn độn của đời thường. Nghĩa là phải biết mua giành bán giựt, cố tạo ra những vụ gây cãi, rượt đuổi, nhưng với tinh thần trêu cợt, nô đùa vui vẻ.

Khoảng nửa đêm, chúa ngự kiệu đến nơi, xuống thuyền rồng, các quan hầu và phi tần bơi thuyền theo, lượn qua lượn lại, đàn hát và gõ nhịp khua từ ván thuyền, hòa cùng tiếng sáo, tiếng hát vút cao, tưởng chừng như một khúc nhạc trời trên cung Quảng. Chúa ngắm cảnh, rất hài lòng, mải vui cho đến gà gáy sáng mới trở về cung. Trong vương phủ, những cuộc vui như vậy được tổ chức hằng năm, thì bên ngoài, dân gian cũng không thể không hưởng ứng.

Cho nên lâu ngày thành lệ và cũng là thú chơi treo đèn trước cửa, vừa để soi sáng, vừa trang trí làm đẹp. Rồi cứ đến dịp Trung thu, hầu như mọi người, mọi nhà hễ có điều kiện đều thi nhau làm đèn treo ở cửa. Trẻ con thấy những chiếc đèn kéo quân sinh động, kéo nhau đến nhìn ngắm thỏa thích, bèn vòi vĩnh cha mẹ làm cho đèn khác để mang đi khoe với chúng bạn. Đèn kéo quân không tiện mang đi, do đó họ đã sáng tạo nhiều kiểu dáng khác, phần lớn đều mang hình những con vật quen thuộc như cá chép, sư tử, thỏ, voi, nai, ngựa v.v.

Ban đầu chỉ nhằm mục đích vui, đẹp, dần dần các bậc phụ huynh sáng tạo thêm mẫu “đèn Tiến sĩ” để cùng vui chơi nhưng có thêm ý hướng giáo dục. Đó là những chiếc đèn tạo hình một ông Tiến sĩ – người đỗ đạt học vị cao nhất, vinh hiển nhất – gương mặt thư sinh, vừa sáng sủa tinh anh, vừa trang nghiêm chễm chệ, với nào là áo, mão, tàn, lọng thật uy nghiêm… tạo cảm giác tác động ước mơ trở thành tiến sĩ thật gần gũi – chỉ trong tầm tay mà các em đang cầm lấy!

Chiếc “đèn Tiến sĩ” được cả người lớn và trẻ con ham thích nên đã nhanh chóng lan truyền khắp từ kinh thành đến tận những miền thôn dã.

Đặc biệt, đèn Trung thu của các em ở miền Nam, tuy rất phong phú và đa dạng, nhưng không hề có đèn Tiến sĩ. Lý do khá dễ hiểu bởi ngoài một số rất ít thầy đồ biết đến danh từ Tiến sĩ qua sách vở thời nho học thì có thể nói không ai có vinh hạnh được thấy mặt mày ông Tiến sĩ (lúc vinh quy bái tổ) bao giờ. Không thấy thì làm sao tạo hình được! Và như chúng ta đều đã biết, cho đến năm Bính Tuất (1826), đời Minh Mạng, ông Phan Thanh Giản (1796 – 1867) mới là người đầu tiên của Nam kỳ được chấm đậu Tiến sĩ (đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân). Chuyện hy hữu, ít người biết (huống chi thấy!).

Chiếc đèn lồng hẳn đã có từ rất lâu đời, nhưng chuyện thiếu nhi xách đèn đi chơi thành từng đoàn, kết hợp với lời ca, tiếng hát nhịp nhàng trong đêm Trung thu, phải chăng có sự sáng tạo, kết nối từ ý tưởng đèn lồng thời phong kiến nói trên (thông qua sự hưởng ứng của người lớn và “chuyển giao” lại)?. Nhưng rõ ràng chính các em càng về sau này đã tự tạo nên một sắc thái chơi Tết riêng mà trước đó chỉ có người lớn mới thấy lòng rộn rã, bày ra mâm trà, mâm rượu để chuyện trò, tận hưởng cái thú êm đềm thơ mộng đầy quyến rũ của cả một không gian trăng thanh gió mát.

Trung thu thời nay đã thực sự trở thành nét đẹp truyền thống, ngày hội trăng rằm dành riêng cho các em.

Trăng thu sáng vằng vặc, chan hòa khắp nẻo. Ánh trăng không phân địa giới, cũng chẳng luận sang hèn. Các em vui tết Trung thu đều vô tư như trăng.

Thùng thình thùng thình/ Trống rộn ràng ngoài đình

Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh/ Trung thu liên hoan

Trăng sáng ngập đường làng/ Đoàn em cất tiếng hát vang.

Xuân thu nhị kỳ. Nếu Tết Nguyên đán là tết của mùa hoa thì tết Trung thu chính là tết của mùa sai quả. “Đơm hoa kết trái” là lý sinh tồn của vạn vật. Do vậy, Tết Trung thu vẫn mãi mãi là ngày hội trông trăng truyền thống đầy bản sắc văn hóa của dân tộc và cũng đầy tính sáng tạo của tuổi nhỏ Việt Nam.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/que-nha/chuyen-it-biet-ve-ruoc-den-trung-thu-xua-o-viet-nam-471989.html