Chuyện ít biết về quán “chè ma” Châu Giang xưa nhất Sài Gòn và ký ức của những ngày chạy loạn...

“Chè nhà đèn”, “chè cột điện” hay giờ đây trở thành “chè ma” là những cách gọi dân dã, hài hước nhưng chứa chan tình cảm mà người ta mến mộ dành tặng cho quán chè có tuổi đời thuộc hàng xưa nhất Sài thành: 70 năm tuổi.

Quán chè Châu Giang nằm lọt thỏm giữa thương xá Đồng Khánh (Q.5) cổ kính, nơi mỗi ngày chợ vải Soái Kình Lâm nhộn nhịp kẻ bán người mua. Nếu không chú ý, người ta dễ dàng lướt qua căn nhà nhỏ thó với những mảng tường rêu phong bong tróc, độ dài cánh cửa chỉ vừa cho một chiếc xe đẩy hàng rong. Ấy vậy mà hơn 70 năm trước, ngôi nhà ấy đã sản sinh ra một thương hiệu chè có một không hai, đi qua biết bao thế hệ người Sài Gòn bằng cái vị ngọt thanh và trong mát.

Quán chè nhỏ xíu, cũ kỹ nhưng mới vừa dọn ra đã rất nhiều người chạy đến ăn.

Chị Lý Thanh Hà, người trực tiếp quản lý quán chè hiện tại đã bước sang tuổi 40. Và người phụ nữ ấy cũng là hậu duệ đời thứ tư tiếp nối cái nghề bất đắc dĩ trở thành truyền thống của gia đình, dòng họ.

Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi bà cố của chị Hà, cụ Phùng Hạnh Phan một mình chạy loạn trong chiến tranh, trôi dạt từ Quảng Đông (Trung Quốc) qua khắp các tỉnh miền Bắc. Trên đường đi, bà vô tình phát hiện và nhận một đứa trẻ làm con nuôi, đặt tên Lý Ái Quỳnh. Từ đó, trên bước đường tha phương cầu thực, hai mẹ con bà Phan nương tựa lấy nhau, làm đủ thứ nghề mà vẫn trầy trật đói khổ. Điều gì đến cũng đến, theo sự đẩy đưa của số phận, họ lưu lạc vô đất Sài Gòn.

Những nguyên liệu của các chén chè hoàn toàn được người chủ tự tay làm để đảm bảo ngon lành sạch sẽ nhất.

Ngoài chị Hà, chỉ những anh chị em trong dòng họ mới được truyền nghề.

Những ngày đầu lê lết vỉa hè, cuộc sống của hai mẹ con chẳng khá khẩm hơn là bao. Số tiền dành dụm cứ cạn dần trong chuỗi ngày lang thang hết hàng quán này đến hàng quán khác. Ngày chỉ còn vài đồng bạc lẻ, đột nhiên bà Phan nhớ lại món chè đậu xanh ngày nào người mẹ nấu cho mình ăn. Cái vị ngòn ngọt đậm đà cùng đôi bàn tay vỗ về của mẹ đã khiến tuổi thơ của bà đắm chìm trong hạnh phúc. Và tại sao, bà không nhờ món chè yêu dấu khi xưa cứu mình qua cơn túng quẫn.

Vậy là bà Phan liều mạng gom hết số tiền còn sót lại nấu một nồi chè đậu xanh, ngồi bán ngay góc đường Tổng Đốc Phương (nay là ngã tư Châu Văn Liêm – Nguyễn Trãi). Kỳ lạ thay, chỉ là vài hạt đậu với mớ bột, tí đường cùng những sợi khổ tai nhưng bằng công thức bí truyền quê nhà, nó khiến người Sài Gòn ngây ngất. Những nồi chè cứ dọn ra là hết sạch, từ chỗ “được ăn cả ngã về không”, hai mẹ con bà Phan thoát nạn, sắm luôn một xe đẩy chè đi bán.

Những chén hột gà chưng được bỏ trong khay nóng hổi.

Củ năng ngào bằng loại đường cát trắng tinh khiết.

Và bàn tay tỉ mẩn, nâng niu từng món ăn của người chủ quán đã tạo nên ấn tượng mạnh trong lòng thực khách.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, khi chính quyền Pháp thời bấy giờ ban hành lệnh truy quét gắt gao gánh bán hàng rong, sau những ngày bị rượt đuổi, một buổi tối trời, bà Phan kiệt sức, đẩy liều chiếc xe vào một trạm biến áp ở quận 5, trước trạm có một cây cột điện lớn, dựa vào góc khuất ấy đặt mấy cái bàn tiếp tục hành nghề. Chè ngon không kén chỗ ăn, người ta cứ tìm đến rồi truyền tai nhau về cái vị trí đắc địa của quán chè. Cái tên “chè nhà đèn” hay “chè cột điện” trở thành câu cửa miệng của thực khách từ khi nào chẳng biết.

Thực khách của quán chè ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Giá chè khá bình dân, chỉ từ 12.000-18.000 đồng cho một chén chè, loại đặc biệt giá 25.000 đồng.

Thời thế đổi thay, thắm thoắt mà quán chè ấy đã đi qua hơn nửa thế kỷ cuộc đời. Từng thế hệ người Sài Gòn cứ sinh ra, trưởng thành và đi muôn nơi, mang theo cái hương vị đậm đà của những chén chè ngọt ngào ký ức... Bà Phan già đi, truyền lại nồi chè cho con gái nuôi nối nghiệp. Rồi bà Lý Ái Quỳnh tiếp tục mang tâm huyết cả đời của mẹ truyền cho con gái lớn. Và đến hiện tại, chị Lý Thanh Hà, đời thứ 4 của gánh chè gia truyền, đã có hơn 10 năm giữ gìn vật báu mà gia đình đã gầy dựng.

Chị Hà mỉm cười: “Quán nay đã cũ kỹ lắm rồi, lại chật hẹp. Có đủ điều kiện để thuê một mặt bằng khác nhưng mình không muốn chuyển. Người ta quý quán chè Châu Giang là quý cái sự thủy chung, cái tình xưa cũ. Mỗi lần bỏ chè vào chén, mình như thấy bà cố và bà nội cận kề, mỉm cười chung vui cùng thực khách”.

Chị Hà ngồi trước cửa, nhìn khách đến ăn. Bên trên, mái tôn được kéo ngang qua để đón gió trời, một điểm cũng rất độc đáo của quán chè Châu Giang.

Cứ mỗi lần thay đổi chủ, lớp kế cận lại tìm cách phát triển thực đơn chè. Từ vỏn vẹn vài món chè đậu ban đầu, đến nay chè Châu Giang đã có trên dưới 20 loại khác nhau. Người ta quen thuộc, xuyến xao với chè đậu đỏ, đậu xanh, củ năng, hạt sen bao nhiêu thì lại lạ lẫm, thú vị với quy linh cao, đu đủ tiềm, hoài sơn, bạch quả… bấy nhiêu. Chính vì thế, để tránh việc khách ăn không quen, thấy ai mới đến lần đầu, chị Hà đều tận tình tư vấn. “Vừa khiến khách ngon miệng lại giúp chén chè không bị “bỏ mứa”, với tôi đó là một niềm hạnh phúc” – Người chủ quán tâm tình.

Thực đơn với nhiều món chè độc đáo.

16 giờ, những chiếc bàn nhỏ lại được dọn ra như bao buổi chiều mây trôi lãng đãng. Không phải đợi lâu, những vị khách đầu tiên như chực chờ sẵn, từ đâu phóng xe ngồi xuống.

Đó là bạn Phước Thiện, sinh viên năm cuối, đèo cậu bạn thân từ quận Bình Thạnh đến đây ăn. Ba năm qua, chàng trai mê mẩn cái vị lạ lẫm, ngất ngây của chén táo đỏ nấu kèm hạt sen và bạch quả.

Phước Thiện (phải) ăn chè cùng bạn thân.

Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, nhà tận quận Tân Phú, lại mang bầu 6 tháng nhưng vẫn cố nài nỉ chồng tạt qua đây mua chén chè mát ngọt về cho “con nó khỏe mạnh, đẹp da”. Mà có nài nỉ gì đâu, họ đã tự nguyện đi cùng nhau đến chốn hẹn hò này từ thuở còn yêu đương nồng cháy.

Hai vợ chồng chị Trúc vui vẻ mua chè.

Đó là chị Thi Thục Phấn (38 tuổi, người gốc Hoa), dẫn con gái đi ăn chè củ năng, xì xào thứ tiếng quê nhà để nhớ về hương xưa nguồn cội. Đứa bé ăn ngon lành, uống từng giọt nước chè như nâng niu cả tuổi thơ vào kẽ miệng.

Con gái chị Phấn ăn chè ngon lành.

Cũng chính vì bán từ chiều đến tận 12 giờ khuya, khi Sài thành náo nhiệt hòa vào màn đêm lung linh huyền ảo, những nam thanh nữ tú đến ăn chè rồi hài hước gán luôn biệt danh “chè ma” cho cái quán đáng yêu. Vâng, chè ma – quán chè của những linh hồn đồng điệu muốn tìm về nguồn cội.

Khi thành phố lên đèn, một vị khách đặc biệt xuất hiện. Bà Tạ Ỷ Phượng (75 tuổi, Việt kiều Pháp) đến nhấm nháp chén chè thanh. Đang cười nói, bà bỗng dưng xúc động: “Quán chè đã sống cùng tôi cả thời thơ ấu, mãi cho đến khi xa quê hương, tôi vẫn nhớ mãi cái vị ngọt ngào thuở nào. Tôi trở về đây từ năm 2009, mọi thứ đã thay đổi nhiều. Nếu không có nơi này, chắc tôi không thể nhận ra Sài Gòn được đâu”.

Ngồi ăn chè, bao bộn bề lo toan dường như tan biến.

Cô Tạ Ỷ Phượng vui vẻ gặp lại quán chè gắn với cuộc đời mình.

Vậy đó, “chè ma” Châu Giang đã đi vào tiềm thức người Sài Gòn bằng sự giản dị như thế. Nhưng mấy năm gần đây, biệt danh “chè ma” dần trôi vào quên lãng, khi đêm Sài Gòn ngày càng tĩnh lặng, khách đến ăn đêm vắng dần. Biết đến sau này, người ta có còn nhớ cái mảng tường cũ rích bên cạnh trạm biến điện, nơi có một quán chè ngon bao lần để thương để nhớ.

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/chuyen-it-biet-ve-quan-che-ma-chau-giang-xua-nhat-sai-gon-va-ky-uc-cua-nhung-ngay-chay-loan-201609261148194.chn