Chuyện Huy Toàn bị loại khỏi AFF Cup 2016 chỉ là nhỏ nhưng nếu tương lai...

Mới chỉ năm ngoái thôi, Huy Toàn còn ngang dọc cùng U23 Việt Nam tranh tài ở SEA Games 28. Một năm trước nữa, cầu thủ SHB Đà Nẵng cũng nổi đình đám dù mới chân ướt chân ráo lên tuyển. Vậy mà bây giờ, anh phải ngậm ngùi ngồi nhà. Từ vị thế không thể thay thế, tiền vệ 23 tuổi bỗng chốc trở thành thừa thãi...

Huy Toàn (trái) từng là trụ cột không thể thay thế dưới thời HLV Miura

Huy Toàn là một phát hiện lớn của HLV Miura. Trong sơ đồ 4-4-2, cầu thủ sinh năm 1993 một mình quán xuyến hành lang trái, lúc lên công khi về thủ nhịp nhàng. Cùng với tốc độ bứt phá thuộc dạng của hiếm và cái chân trái có lực không tồi, Toàn là trụ cột dưới thời ông thầy người Nhật, dù đó có là ĐTQG hay màu áo U23 Việt Nam.

Nhưng khi HLV Hữu Thắng lên nắm quyền, triết lý trọng dụng những cầu thủ chạy cánh thuần túy như Huy Toàn không còn nữa. Thay vì chơi theo cặp – cặp tiền vệ và hậu vệ biên, cặp tiền vệ cánh, cặp tiền vệ trụ - ông thầy xứ Nghệ yêu cầu toàn đội cùng tấn công, cùng phòng ngự theo đúng tiêu chí kiểm soát bóng. Hệ quả, đất diễn cho những người thích chơi độc lập như Huy Toàn gần như không còn.

Từ vị thế không thể thay thế, tiền vệ 23 tuổi bỗng chốc trở thành thừa thãi. Trong suốt quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2016, Huy Toàn không được ra sân một lần nào và như chính anh chia sẻ, chẳng phải đợi tới lúc HLV Hữu Thắng gọi 5 người gồm anh, Huy Hùng, Đình Tùng, Minh Tùng và Tuấn Mạnh vào phòng riêng, tự bản thân Toàn cũng biết cơ hội thực sự của mình đến đâu.

Lẽ dĩ nhiên, không thể có quyết định nào đủ sức làm vừa lòng tất cả, nhất là trong việc triệu tập danh sách ĐTQG đi thi đấu AFF Cup. Như chính đội phó Thành Lương thổ lộ, số lượng đăng ký thi đấu có hạn và bản thân mỗi cầu thủ phải chấp nhận kết quả, dù có phũ phàng thế nào, nhưng câu chuyện Huy Toàn vẫn khiến người hâm mộ không khỏi ngậm ngùi. Anh bị loại không phải vì chuyên môn mà là do không hợp triết lý HLV.

Không phải ai cũng đủ quyết tâm và cơ hội như Quang Hải, bị loại khỏi đội hình tham dự SEA Games năm 2007 rồi trở lại mạnh mẽ trong màu áo ĐTQG, trước khi ghi bàn quyết định tại bán kết AFF Cup 2008 gặp Singapore. Không phải ai cũng kiên nhẫn được như Công Vinh, từ kép phụ ở SEA Games năm 2003, đá dự bị cho Văn Quyến, Thanh Bình, bỗng chốc vụt sáng ở AFF Cup 2004 rồi giành Quả bóng vàng Việt Nam.

Muốn tạo ra một nền bóng đá mạnh, chúng ta cần có một chủ trương xuyên suốt, giống như người Đức từng làm vào những năm cuối thập niên 90. Họ chấp nhận làm lại từ đầu, tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ và đặt niềm tin không cần hoàn lại vào tay Joachim Low. Nước Đức chấp nhận về nhì ở Euro 2008, coi vị trí thứ ba tại World Cup 2010, Euro 2012 là thành quả, rồi mới ung dung hưởng thành quả ở World Cup 2014.

Nếu như người Đức chịu nhẫn nại đến 10 năm thì cũng trong khoảng thời gian ấy, bóng đá Việt Nam thay người chèo lái tới… 7 lần. Hệ quả là khi các học trò chưa kịp quen với triết lý người cũ đã phải làm quen với phương pháp của thầy mới. Hết đá 4-4-2 tấn công biên thời Alfred Riedl, chúng ta chuyển sang phối hợp nhỏ của Henrique Calisto, rồi quay lại lật cánh đánh đầu cùng Toshiya Miura. Bây giờ HLV Hữu Thắng nắm quyền, ĐTVN lại trở về với những miếng tấn công thời Calisto.

Chuyện Huy Toàn bị loại khỏi AFF Cup 2016 chỉ là nhỏ nhưng nếu tương lai xuất hiện thêm nhiều Huy Toàn mới bởi cách làm trên thì vấn đề chắc chắn sẽ không còn đơn giản nữa.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chuyen-huy-toan-bi-loai-khoi-aff-cup-2016-chi-la-nho-nhung-neu-tuong-lai-post180351.html