Chuyện hậu trường Đội tuyển Olympic Toán VN

Hôm qua, 25/7, đoàn Olympic Toán học quốc tế (IMO) Việt Nam về đến sân bay Nội Bài trong sự chào đón hân hoan của lãnh đạo ngành giáo dục và gia đình, bạn bè. Với 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, IMO Việt Nam đạt thành tích cao nhất sau 43 năm tham gia đấu trường này.

Thầy Lê Bá Khánh Trình và PGS.TS Lê Anh Vinh trò chuyện cùng PV Tiền Phong tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Nghiêm Huê.

Thầy Lê Bá Khánh Trình và PGS.TS Lê Anh Vinh trò chuyện cùng PV Tiền Phong tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Nghiêm Huê.

Nhưng có lẽ người vui nhất chính là “thuyền trưởng” Lê Anh Vinh (Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) và “thuyền phó” Lê Bá Khánh Trình (ĐH Quốc gia TPHCM).

Bất ngờ tạo nên kỳ tích

Năm 2011, Việt Nam lần đầu rơi ra khỏi top 30 với 6 huy chương đồng. Năm sau, 2012, thầy Lê Bá Khánh Trình lần đầu tiên được giao nhiệm vụ phó đoàn, dẫn đoàn đi thi. Kết quả, Việt Nam đã nhảy lên vị trí thứ 9 trên toàn thế giới. Những năm tiếp theo, với vai trò là thuyền trưởng, thầy Lê Bá Khánh Trình đã luôn duy trì được thành tích đáng tự hào cho đội tuyển IMO Việt Nam.

Năm nay, IMO tổ chức tại Brazil, cương vị thuyền trưởng được giao cho thế hệ sau nhưng rất xuất sắc là Lê Anh Vinh, huy chương bạc IMO 2001, tiến sĩ ĐH Harvard năm 27 tuổi.

Kể về các học trò vàng của mình, giọng chân chất, thật thà như bản tính vốn có của mình, thầy Lê Bá Khánh Trình chỉ nói năm nay, do được đi đến sớm hơn nên có thêm thời gian nghỉ ngơi. Tuy có bị quá cảnh ở sân bay của Pháp mất 16 giờ đồng hồ nhưng thầy Vinh đã chu đáo mua đồ ăn cho các em. “Năm nay, các em ngoan và kỷ luật rất tốt” – Thầy Trình nói ngắn gọn.

Trong câu chuyện của mình, thầy Trình nhắc đến các chàng trai vàng như những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn của mình. “Đồ ăn ở bên Braxin hợp và ngon, nên bạn nào cũng ăn được. Mỗi bữa, ở bên đó, họ chuẩn bị cho một đĩa cơm to thật là to. Các thầy chỉ ăn hết nửa, còn học trò thì hết veo. Không em nào bị ảnh hưởng bởi lệch múi giờ. Ăn ngủ “thuận” luôn” – thầy Trình cười.

Tuy nhiên, sau khi ngày thi đầu tiên kết thúc, Nguyễn Nhật Duy (Trường THPT chuyên Hà Tĩnh – huy chương vàng) đã bỏ bữa vì không làm được bài. “Duy hơi mất tinh thần vì chỉ làm được 1,5 bài. Tôi động viên Duy cần ăn để có sức khỏe, còn ngày hôm sau nữa. Sau đó Duy đã đi ăn” – Thầy Trình chia sẻ.

Kết quả, ngày hôm sau Duy đã lấy lại được tinh thần và làm trọn hai bài, đưa tổng số điểm thi của em lên 25 điểm, đủ điểm đạt huy chương vàng.

Nhưng có lẽ, bất ngờ nhất với các thầy trong đoàn đó là sự bứt phá của Hoàng Hữu Quốc Huy, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Kết thúc thi ngày thứ hai, khi PGS. Lê Anh Vinh hỏi thì Huy cũng chỉ nói mỗi bài em viết 3 trang còn không biết tốt không.

Khi cầm bài thi của Huy, PGS Lê Anh Vinh khá bất ngờ. Cách làm của Huy rất tự nhiên. Huy có tới 2 bài hoàn toàn khác đáp án. Đó là bài số 2 và bài hình. Giám khảo cũng khen. Kết quả, Huy là một trong 3 thí sinh có điểm thi cao nhất trong kỳ thi IMO năm nay. Một bất ngờ nữa là Lê Quang Dũng, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo PGS Lê Anh Vinh, Dũng làm bài phương trình hàm và bài số 6 cũng rất hay.

Chỉ cần lựa chọn khách quan sẽ có học sinh giỏi

Nhận định về đội tuyển năm nay, PGS Lê Anh Vinh cho biết, bình thường đội tuyển sẽ có thời gian ôn luyện từ 2 tháng đến 2,5 tháng. Những năm trước, học sinh thường xin bớt bài tập để nghỉ nhưng năm nay rất vui vẻ và sẵn sàng học thêm nữa. Sức khỏe của học sinh năm nay cũng tốt hơn.

PGS Lê Anh Vinh cũng cho hay IMO năm nay, trưởng đoàn đều là những kỳ phùng đich thủ vì đa số là cựu IMO của các nước. Nhiệm vụ của trưởng đoàn và phó đoàn khi sang đến nước chủ nhà là chọn đề và dịch đề. Sau khi thí sinh thi xong lại dịch ngược lại cho ban giám khảo chấm. “ Dịch đề quan trọng là không để thí sinh hiểu sai, nhầm ý, nên không đa nghĩa, đơn giản, rõ ràng. Việc chấm bài năm nay khá thuận lợi vì hoặc 0 điểm (không làm được bài) hoặc 7 điểm (làm được bài)” – PGS. Lê Anh Vinh cho hay.

Tuy nhiên, vai trò của trưởng đoàn để diễn đạt bài làm của học sinh của mình cho ban giám khảm hiểu cũng là một nhiệm vụ căng thẳng, nặng nề. Vì rất có thể, trong lúc làm bài, do căng thẳng mà “quân” của mình trình bày không được mạch lạc, thiếu logic. Do đó, trưởng đoàn có trách nhiệm sắp xếp lại.

“Khác với các kỳ thi học sinh giỏi Toán khác, IMO cho phép chấm cả giấy nháp của thí sinh. Nhiều lần chúng tôi tìm được ý trong nháp của các bạn, tạo mọi cơ hội, mọi nỗ lực để ghi nhận. Quan điểm của ban tổ chức IMO là làm thế nào để học sinh của mình có lợi nhất” - PGS Lê Anh Vinh cho hay.

Anh cũng lấy ví dụ như bài của Đỗ Văn Quyết, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (huy chương đồng), bài số 2, trong bài có một số ý không rõ ràng, kiểm tra giấy nháp thì có lời giải. Sau khi trao đổi xong thì điểm của Quyết có tăng một chút.

Tiếp theo là bài số 5, bài của Nguyễn Cảnh Hoàng, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An (Huy chương vàng). Cách trình bày của em khó hiểu.

Nên phải giải thích cho họ rõ, dịch cho họ chi tiết, họ hiểu được cách làm của Hoàng. Bài này ban giám khảo đã đồng ý chấm cho Hoàng điểm tuyệt đối là 7 điểm.

Thầy cũng khẳng định, chất lượng đội tuyển của Việt Nam nếu cứ lựa chọn khách quan thì sẽ luôn có những học sinh giỏi, xuất sắc.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/chuyen-hau-truong-doi-tuyen-olympic-toan-vn-1170708.tpo