Chuyên gia: Tuổi hưu không nên 'tăng cả làng'

Trước thông tin về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, chuyên gia về khoa học lao động cho rằng cần có lộ trình phù hợp và phân loại đối tượng, ngành nghề chứ không thể "tăng cả làng".

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trước khi đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động.

Dự kiến có hai phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ.

Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho hay, ông từng có ý kiến trên nghị trường về vấn đề nêu trên, theo hướng phải cân nhắc nhiều mặt. Thế giới thường nâng tuổi nghỉ hưu khi tuổi thọ tăng, tuổi hưu nhiều nước hiện là 60 đối với nữ là 65 đối với nam, nhưng mỗi nước có một đặc điểm phát triển, chất lượng cuộc sống khác nhau nên không thể lấy của nước này để áp dụng cho nước kia. Việc tăng tuổi hưu cũng gây áp lực xã hội, vì hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm, sẽ về đâu khi người tuổi cao còn đang giữ vị trí?

"Nhóm thích tăng tuổi nghỉ hưu thường là quan chức, làm việc hành chính vì tăng tuổi hưu là kèm quyền lợi, bổng lộc và những chế độ... không nói nên lời. Nên nhiều khi, rời vị trí lúc đến tuổi là bị về hưu chứ không phải được nghỉ hưu", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, với cán bộ có chức vụ, khi đã tăng tuổi nghỉ hưu thì không để họ làm quản lý. "Nếu quan chức đến tuổi hưu muốn cống hiến thêm thì ký hợp đồng với các cơ quan làm chuyên gia, cố vấn. Như vậy vừa không lãng phí nguồn lực, vừa tạo cơ hội cho lớp trẻ thăng tiến ở những vị trí xứng đáng", ông Tiến đề xuất, và cho rằng nên tăng tuổi hưu cho một số đối tượng như kỹ sư, bác sĩ, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế, giáo dục, sáng tạo nghệ thuật vì "họ giỏi về chuyên môn".

Các chuyên gia cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu thì không thể tăng đồng loạt mà phải phân loại nhóm đối tượng, ngành nghề.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, tăng tuổi hưu là xu hướng tất yếu của thế giới, nhưng cần có lộ trình phù hợp và phân loại đối tượng, ngành nghề chứ không thể "tăng cả làng".

Theo ông, Luật lao động chủ yếu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong khu vực có quan hệ lao động (chủ sử dụng và người lao động), trong khi công chức, viên chức không có quan hệ lao động như vậy vẫn bị gộp chung nên khi xử lý "cả gói" khá phức tạp. Ông Dũng cho rằng nên tách công chức, viên chức theo Luật cán bộ, công chức để có quy định riêng, còn khu vực sản xuất kinh doanh thì phân loại lao động trình độ cao và cho tăng tuổi nghỉ hưu, với số lao động trực tiếp thì giữ nguyên hoặc hạ thấp tuổi nghỉ hưu.

"Khu vực lao động trực tiếp, nhất là một số ngành nghề như dệt may, da giầy, lắp ráp điện tử thì không thể kéo dài thời gian nghỉ hưu bởi tác động của môi trường làm việc", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, việc đòi hỏi bình đẳng giới tiến tới cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ chỉ khả thi trong khối cán bộ, công nhân viên chức, hành chính sự nghiệp.

Ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mức đóng BHXH thấp, mức hưởng lương hưu cao như hiện nay đang khiến Quỹ BHXH mất cân đối trong khi tuổi thọ người Việt đã tăng cao. Nếu cứ duy trì chính sách đóng - hưởng như cũ thì đến năm 2020, mức thu bằng mức chi. Kết dư quỹ đang giảm dần, không nâng tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2037, mức thu bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi, phải lấy ngân sách bù vào.

"Theo chúng tôi tính toán, đúng ra với mức đóng và tỷ lệ đóng như hiện nay thì mức hưởng lương hưu của người Việt Nam chỉ khoảng 55 - 60%, nhưng người lao động đang được hưởng tối đa 75%. Việc điều chỉnh mức hưởng của người lao động rất khó nên phải nâng tuổi nghỉ hưu lên", ông Liệu nói.

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/chuyen-gia-tuoi-huu-khong-nen-tang-ca-lang-82261/