Chuyên gia TQ: Số lượng máy bay, phi công trên tàu Liêu Ninh chưa đạt tiêu chuẩn tác chiến

Tạp chí Jane's Defence Weekly của Anh ngày 16/11 có bài viết với tiêu đề: “Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu”.

Ngoài ra tờ Associated Press của Mỹ cũng cho rằng, đối với việc Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang mở rộng phạm vi hoạt động ra vùng biển xa, sức chiến đấu của tàu Liêu Ninh (CV-16) được hình thành là một cột mốc quan trọng.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 18/11, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác khi trao đổi với đài truyền hình Trung ương CCTV của nước này đã tiết lộ rằng, tàu sân bay thực sự hình thành khả năng tác chiến khi nó được đánh giá theo yêu cầu thiết kế và đạt được mọi tiêu chí chiến dịch - chiến thuật.

Hiện nay nền tảng tàu Liêu Ninh đã hình thành sức chiến đấu, tuy nhiên số lượng máy bay và phi công vẫn chưa đạt được những tiêu chí trên, cho nên nó vẫn còn một chặng đường dài để đi.

Tiêm kích hạm J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh

Tàu Liêu Ninh chính thức được biên chế cho Hải quân Trung Quốc vào ngày 25/9/2012, kể từ đó PLAN đã có hàng không mẫu hạm của riêng mình và kế hoạch xây dựng lực lượng cũng bước sang một chương mới.

Tuy mới biên chế được 4 năm nhưng tàu Liêu Ninh liên tục thu hái những đột phá quan trọng. Trong đó phải kể đến lần đầu tiên hạ cánh thành công của tiêm kích hạm J-15 hồi tháng 11/2012, đánh dấu sự thành công của Trung Quốc liên quan đến công nghệ bay then chốt như cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu và cáp hãm đà khi hạ cánh...

Tháng 11/2013, tàu Liêu Ninh khởi hành từ quân cảng Thanh Đảo ra biển Đông để triển khai thử nghiệm nghiên cứu đánh giá tính năng đi kèm huấn luyện tại khu vực này. Đây là lần đầu tiên CV-16 tiến hành huấn luyện với thời gian dài trên biển kể từ khi vào biên chế.

Tháng 12/2015 và tháng 8/2016, Quân đội Trung Quốc lần lượt cho phi công điều khiển J-15 hoàn thành việc sát hạch cất cánh và hạ cánh trên tàu, thông qua chứng nhận chuyên môn, lực lượng phi công hải quân của nước này không ngừng được phát triển.

Theo phân tích của tờ Associated Press, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Liêu Ninh không còn là nền tảng thử nghiệm tác chiến nữa.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Doãn Trác cho hay, hiện tại tàu Liêu Ninh chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện. Trái lại trong tương lai, Trung Quốc sẽ có hàng không mẫu hạm khác đóng vai trò như một hạt nhân.

Thủy thủ đoàn sắp tới có thể được lấy từ các tàu chiến khác, họ sẽ trở thành thành viên nòng cốt, bồi dưỡng lực lượng thuyền viên tàu sân bay thế hệ mới.

Bên cạnh đó, Liêu Ninh còn được trang bị các loại vũ khí cùng thiết bị điện tử rất đầy đủ, điều này cũng có nghĩa rằng khả năng chống tên lửa và chống hạm của nó đã hình thành. "Tàu Liêu Ninh là một nền tảng tác chiến, đây là điều chắc chắn", ông Doãn Trác kết luận.

Theo Trí thức trẻ

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/chuyen-gia-tq-so-luong-may-bay-phi-cong-tren-tau-lieu-ninh-chua-dat-tieu-chuan-tac-chien-96877/